Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây màu ở ĐBSCL:

Cần những bước đi thận trọng

Thứ Sáu, 04/07/2014, 09:10
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được Chính phủ quy hoạch là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước với nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực (ANLT) quốc gia và mục tiêu từ nay đến năm 2030 ổn định diện tích trồng lúa của vùng là 1,8 triệu ha. Trong đó có 1 triệu ha lúa xuất khẩu; sản xuất theo cơ cấu 1 vụ lúa đông xuân, 1 vụ hè thu, 1 vụ thu đông hoặc lúa mùa hằng năm và được quay vòng 2 đến 3 lần để có diện tích trồng lúa 4,2 triệu lượt ha. Từ nay đến năm 2020, toàn vùng ổn định sản lượng mỗi năm từ 24 - 25 triệu tấn lúa, từ năm 2020-2030 ổn định 24 triệu tấn lúa.

Theo đánh giá của các tỉnh ĐBSCL, toàn vùng có khoảng 600.000ha sản xuất lúa bấp bênh và kém hiệu quả chủ yếu tập trung trong vụ xuân hè, hè thu và vụ mùa. Theo lộ trình thực thiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thì đến năm 2015 phải chuyển đổi 112.000ha đất lúa và đến năm 2020, tổng diện tích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác là 204.000ha.

Theo đánh giá trong tình hình sản xuất lúa gạo của nước ta đang phải cạnh tranh với các nước Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar… và thị trường xuất khẩu được dự báo gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới thì vấn đề chuyển đổi là vấn đề tất yếu, nói như PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), từ năm 2014 hướng tới chuyển đổi cây trồng dựa trên đăng ký của từng địa phương và định hướng chuyển đổi cây trồng này chính là hai loại sản phẩm Việt Nam đang nhập từ nước ngoài gồm ngô, đậu nành và một vài loại cây khác.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2013 và những tháng đầu năm 2014, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã chuyển đổi khoảng 90.000ha sang trồng các cây màu, ngô, đậu nành... Các tỉnh, thành trong vùng hiện đã chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi. Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Long, mô hình luân canh sau vụ lúa đông xuân là trồng ngô ở vụ xuân hè đang có xu hướng tăng lên và hiện diện tích này của tỉnh trên 12.000ha.

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả ở ĐBSCL sang các cây trồng khác cần những bước đi thận trọng.

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL lưu ý về mặt kỹ thuật nên chen vụ màu vào giữa vụ đông xuân và hè thu để làm 2 lúa 1 màu, trong đó luân canh đậu nành trên đất lúa sẽ đem lại lợi ích cắt nguồn lây lan dịch bệnh, tăng năng suất lúa, cải tạo đất.

Ths Lê Thanh Tùng, Phó trưởng Phòng Cây lương thực – Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Từ năm 2007 đến nay, năng suất và sản lượng lúa nước ta tăng khá ổn định, đảm bảo tốt nguồn hàng cho xuất khẩu và ANLT quốc gia. Đặc biệt, năm 2013, sản lượng lúa, gạo vùng ĐBSCL đạt gần 25 triệu tấn, cao hơn nhiều so với nhu cầu đặt ra đến 2015 là 20,8 triệu tấn và trong giai đoạn 2020-2030 là 21 triệu tấn. Đây là cơ sở để chúng ta có thể mạnh dạn chuyển bớt một phần diện tích lúa sang trồng ngô và một số loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Cũng theo ông Tùng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa hiệu quả cần phải dựa vào việc khai thác các lợi thế của các tiểu vùng sinh thái và có các giải pháp cụ thể về việc bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. “Chúng ta không chuyển đổi bằng mọi giá để đánh đổi mà phải làm có lộ trình cụ thể và hơn cả phải  đảm bảo có hiệu quả” – ông Tùng cho biết.

Đồng quan điểm này, TS Lê Văn Bảnh lưu ý, vấn đề chuyển đổi sang cây ngô, cây đậu nành không khó và với kỹ thuật canh tác của nông dân vùng ĐBSCL hiện nay không lo, nhưng cái đáng lo là việc chuyển đổi mang tính bền vững. Trồng ngô, trồng đậu nành nông dân làm được nhưng vấn đề là ai mua, bán cho ai, giá cả như thế nào ? Bài toán này phải giải được và lời giải nằm ở mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp (DN) để tham gia bao tiêu đầu ra. Nếu không có thị trường, DN không “bắt tay” với nông dân thì cây ngô hay đậu nành lại rơi vào cảnh rủi ro nếu chuyển đổi ồ ạt làm ra không biết bán cho ai.

Các chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo ngành Nông nghiệp; lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều cho rằng việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu còn làm giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, tạo ra những sản phẩm hàng hóa mới, giúp người sản xuất chủ động, linh hoạt hơn trong việc ứng phó với thị trường, biến đổi khí hậu và sử dụng có hiệu quả quỹ đất trồng lúa. Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ): “Nông dân vùng ĐBSCL chỉ quen kinh nghiệm làm lúa, chưa quen với cây màu nên việc chuyển đổi đất lúa cần phải có lộ trình và nhu cầu của Việt Nam cần sản xuất nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi để thay thế nguồn nhập khẩu nhưng không nhất thiết phải sản xuất bằng mọi giá mà phải nhìn vào thu nhập của nông dân, phải gắn kết DN trong việc bao tiêu, tiêu thụ”

Văn Đức
.
.
.