Cần ngăn chặn thương lái lùng sục mua cây trâm cổ thụ bán sang Trung Quốc

Thứ Ba, 21/05/2013, 10:14
Ngày 20/5, Công an huyện Minh Long (Quảng Ngãi) đã ra quyết định xử phạt xe đầu kéo BKS 34C-00119 do tài xế Nguyễn Hữu Hòa (29 tuổi, ngụ Kim Thành, Hải Phòng) điều khiển vi phạm các lỗi giao thông liên quan đến sổ kiểm định và bảo hiểm xe.

Trước đó, ngày 16/5, CSGT Công an huyện Minh Long phát hiện xe đầu kéo do Hòa lái chở 5 cây trâm (còn gọi cây nhội) với chiều dài gần 20m, đường kính gốc cây gần 2m. Chủ số hàng “đặc biệt” này khai, mua lại của một số người ở thôn Gò Chè, xã Long Sơn.

Theo ông Đinh Kim, Trưởng thôn Gò Chè, cho hay: Ông và người dân trong thôn thấy thương lái tổ chức dùng máy đào, xe cẩu bứng từng cây trâm cổ thụ tập kết ra gần đường, ai cũng bức xúc, nhưng họ đành chịu... Cách đây không lâu, tại tỉnh lộ 625, thuộc xã Thanh An, CSGT Công an huyện Minh Long cũng tạm giữ xe đầu kéo chở 4 cây trâm cổ thụ gần trăm năm tuổi, có chiều dài khoảng 15m, đường kính gốc trên 2m. Tổng khối lượng 4 cây trên 21m3 gỗ. Đây là số cây của thương lái mua lại người dân ở xã Long Môn vận chuyển bán sang Trung Quốc.

Xe đầu kéo do Nguyễn Hữu Hòa điều khiển chở 5 cây trâm cổ thụ.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Minh Long, lực lượng chức năng đã phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ bứng cây trâm cổ thụ đem bán đi Trung Quốc. Mặc dù dư luận bức xúc, phản ứng vấn đề này, nhưng cây trâm cổ thụ ngày càng cạn kiệt. Các lái thương luôn túc trực tại khu vực huyện miền núi này lùng sục...

Theo anh Huỳnh Văn Bảo, một người chuyên tìm cây trâm cổ thụ môi giới cho thương lái, hiện nay tư thương Trung Quốc đang ráo riết tìm mua cây trâm đem về nước trồng làm cây cảnh. “Thay vì phải trồng một cây nhỏ dọc đại lộ mất hàng chục năm cây mới lớn, họ đi tắt tìm mua cây cổ thụ lớn về trồng. Vì cây trâm 3 lá là loại cây cực hút nước và giữ nước. Dù nhổ khỏi mặt đất và cắt trụi rễ, nhưng 50 ngày sau đem trồng lại vẫn sống. Bởi thân cây sẵn có nước nuôi dưỡng không dễ chết. Một cây trâm mua tại rừng, rẫy của dân với giá chưa tới 500 ngàn đồng, song khi khai thác vận chuyển ra đường quốc lộ đã có giá trên 40 triệu đồng”.

Các già làng ở xã Long Môn nói rằng, sở dĩ cây trâm cổ thụ vẫn còn nhiều ở các khu rừng, trong rẫy dân vì gỗ cây trâm người dân không sử dụng. Mỗi khi bứng cây trâm thì những cây con xung quanh cũng sẽ chết vì không còn cây trâm giữ nước. Việc bứng lấy bộ đế rễ cây trâm cũng sẽ khiến hàng loạt cây lớn nhỏ xung quanh bị đốn hạ. Chưa nói đến việc vận chuyển kéo cây trâm cổ thụ ra khỏi rừng sẽ san bằng các loại cây khác. Từ đây, hệ sinh thái rừng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm thay đổi dòng chảy.

Đặc biệt, việc khai thác những cây ven đường vào mùa mưa bão rất dễ gây sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân... Ngoài ra, người dân bản địa thường dùng vỏ cây trâm làm thuốc cầm máu cho người và gia súc khi bị thương. Chỉ cần lấy vỏ cây trâm đập dập xoa, đắp lên vết thương sẽ cầm máu và mau chóng lành vết thương...

Hiện nay cây trâm ở miền núi Quảng Ngãi còn sót lại ít ỏi ở một số huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long. Để những cây trâm cổ thụ giữ nguồn nước bảo vệ môi trường, hơn bao giờ hết chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần khẩn trương vào cuộc ngăn chặn tình trạng khai thác, buôn bán tràn lan như hiện nay

Trà Câu
.
.
.