Quản lý hoạt động tàu trên vịnh Hạ Long:

Cần nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn

Thứ Ba, 03/08/2010, 10:28
Sự bùng nổ quá mức số lượng của đội tàu trên vịnh Hạ Long kèm theo đó là sự thiếu quan tâm đến yếu tố an toàn kỹ thuật đã dẫn đến những sự cố đáng tiếc cho du khách lẫn nhà tàu. Đó là chưa kể tới những quan ngại khác như: tranh giành tuyến, bến, khách, xả thải gây ô nhiễm môi trường nước.

Không thể phủ nhận Quảng Ninh khai thác khá hiệu quả những giá trị di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long. Chỉ riêng dịch vụ đưa khách ra vịnh tham quan đã đem lại cho tỉnh nguồn lợi không nhỏ. Tuy nhiên, sự bùng nổ quá mức số lượng của đội tàu kèm theo đó là sự thiếu quan tâm đến yếu tố an toàn kỹ thuật đã dẫn đến những sự cố đáng tiếc cho du khách lẫn nhà tàu. Đó là chưa kể tới những quan ngại khác như: tranh giành tuyến, bến, khách, xả thải gây ô nhiễm môi trường nước.

Lượng du khách đến Hạ Long ngày một tăng, vào thời điểm này, ước khoảng 1,5 triệu lượt khách/năm. Khách muốn tham quan vịnh đương nhiên phải bằng tàu, và tương ứng với lượng khách tăng, đội tàu vài mươi chiếc tự phát từ những năm 1990, đến nay đã rất hùng hậu.

Theo thống kê của Ban quản lý Vịnh, hiện có 8 tuyến tham quan trên Vịnh Hạ Long và các vùng phụ cận đến Cẩm Phả, Vân Đồn và đảo Cát Bà (Hải Phòng); 11 điểm dừng chân tham quan của khách du lịch tập trung chính ở vùng lõi của Vịnh Hạ Long. Hiện có tới 475 tàu du lịch với tổng trọng tải là 18.600 chỗ ngồi. Trong đó, có 430 tàu đủ điều kiện hoạt động và 154 tàu được phép kinh doanh cơ sở lưu trú qua đêm.

Không chỉ kinh doanh vận tải, rất nhiều tàu còn kiêm thêm các hình thức dịch vụ khác như nhà hàng ăn uống, chèo thuyền kayak, lặn biển, câu cá, kéo dù. Thậm chí, có cả những dịch vụ cao cấp hơn, đậm chất văn hóa tham quan các làng chài, tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật trên tàu v.v…

Các chủ tàu mới chỉ hướng đến mỗi một mục tiêu là chở khách thật nhiều, doanh thu thật lớn, sẵn sàng bỏ quên các yếu tố cơ bản là phục vụ tốt, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Từ lâu rồi, trên bến, dưới thuyền, du khách trong và ngoài nước luôn là nạn nhân bị các tàu du lịch "chém chặt" mà chẳng biết kêu ai.

Có thể thấy rất rõ, sự lộn xộn trong hoạt động du lịch Vịnh Hạ Long đều có gốc rễ từ khâu vận chuyển khách du lịch. Vì vậy, từ ngày 13/5, tỉnh Quảng Ninh đã cho phép thành lập riêng một Ban Chỉ đạo về quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển, lưu trú khách du lịch trên Vịnh với nhiệm vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định hiện hành của tỉnh về hoạt động kinh doanh vận chuyển, lưu trú du khách.

Khác với những lần trước, việc soạn thảo đề án mới gắn liền với các quy định pháp luật về du lịch, giao thông vận tải biển và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Đến nay, việc soạn thảo đề án mới đã hoàn thành và đang trong giai đoạn trưng cầu ý kiến đóng góp để chỉnh lý lần cuối, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 7 trước khi chính thức áp dụng. Theo đó, những tiêu chuẩn tàu du lịch, hệ thống bến, cảng, điểm neo đậu và cơ sở hạ tầng du lịch Vịnh Hạ Long nói chung được giải thích rõ ràng, trực quan, cụ thể. Trong đó, các yếu tố về tiện nghi, văn hóa, thẩm mỹ và an toàn là những thông số bắt buộc phải đạt được ở cấp tối thiểu mới được phép tham gia vào hệ thống kinh doanh khai thác du lịch trên vịnh Hạ Long.

Đặc biệt là các điểm đỗ tàu du lịch lưu trú nghỉ đêm, bắt buộc phải đầu tư, trang bị theo tiêu chuẩn an toàn, có phương án, biện pháp khắc phục khi có sự cố xảy ra. Để tránh sự tùy tiện, cạnh tranh thiếu lành mạnh, UBND tỉnh đồng ý cho Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh thành lập Chi hội vận chuyển khách tham quan Vịnh Hạ Long nhằm thống nhất nguyên tắc quản lý các dịch vụ vận chuyển khách, bình ổn giá cả thị trường, nâng cao chất lượng phục vụ…

Chấn chỉnh hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long được xác định là việc rất cần thiết và cấp bách.

Ngày 14/5/2010, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải lập phương án cụ thể, chi tiết và chế tài điều chuyển 112 phương tiện từ Cảng tàu du lịch Bãi Cháy đến các điểm neo đậu, đón trả khách cố định tại các bến, cảng tàu; chỉ đạo Cảng vụ đường thuỷ nội địa chịu trách nhiệm về việc bố trí lực lượng thực hiện công tác cảng vụ tại các cảng, bến.

Kèm theo đó, việc đầu tư nâng cấp mở rộng cảng du lịch Bãi Cháy đã được giao cho Tập đoàn Tuần Châu thực hiện quy hoạch, triển khai dự án với quy mô đáp ứng được 500 tàu cập bến đón khách và nhà ga trung tâm đủ sức phục vụ trên 1.200 khách cùng một thời điểm.

Đến nay, qua đăng ký, phân loại đã có thể xác định được 150 tàu du lịch lưu trú qua đêm của 48 doanh ghiệp với 1.319 phòng nghỉ. Mới đây nhất,  UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ các điểm đỗ nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long. Với tổng mức đầu tư dự kiến dự án là hơn 10,3 tỷ đồng, được trích từ nguồn vốn tu bổ, tôn tạo Vịnh Hạ Long, sau khi hoàn thành, các địa điểm trên sẽ đáp ứng được công suất tối đa 120 tàu tải trọng 30 tấn/tàu

Ban chỉ đạo cũng đang xây dựng quy chế riêng về hình thức, mức độ xử lý đối với các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm các quy định về an toàn, văn hóa và vệ sinh môi trường từ phạt tiền đến rút giấy phép kinh doanh. Thậm chí phải khởi tố hình sự đối với các trường hợp cố tình vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng. Những nỗ lực trên đây của các cấp, ngành tỉnh Quảng Ninh rất đáng ghi nhận. Và đây cũng là cách duy nhất để giảm dần, tiến tới xóa bỏ kiểu kinh doanh nặng về lợi nhuận, bất chấp hành vi thiếu văn hóa, hủy hoại môi trường đối với hoạt động khai thác du lịch trên vịnh Hạ Long.

Lê Minh Triết
.
.
.