Cần hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp những thay đổi chính sách thuế

Thứ Bảy, 01/10/2016, 09:04
Đây là kiến nghị của các doanh nghiệp (DN) tại Hội thảo “Các giải pháp và chính sách thuế hỗ trợ DN phát triển và đẩy mạnh hội nhập năm 2016”, diễn ra sáng 30-9.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong thời gian qua, nhiều chính sách thuế đã được ban hành nhằm mục đích cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Những nội dung mới được sửa đổi thể hiện các thông điệp chính sách lớn: Đảm bảo nguồn thu của ngân sách nhà nước (NSNN) hợp lý, thực hiện thu đúng, thu đủ từ bản chất kinh tế của loại thuế này; Đảm bảo công khai, minh bạch, đơn giản công tác quản lý thuế, tăng tính khả thi trong tuân thủ; Bảo vệ DN một cách hợp pháp, nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập...

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, ngày 6-4-2016, Quốc hội Khoá XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế. Trong đó, Luật Thuế TTĐB được sửa đổi trên cả 3 trục căn bản là: Phạm vi, đối tượng chịu thuế hay danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế; Giá làm cơ sở, căn cứ tính thuế (giá tính thuế); Mức thuế suất. Pháp luật thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu. Với việc Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2016, được đánh giá sẽ tạo đà cho hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ và mang đến nhiều cơ hội thuận lợi đối với DN thời hội nhập.

DN cần được tập huấn những chính sách thuế mới.

Đại diện tiếng nói của DN tại Hội thảo, ông Trần Huy Hoàng, Giám đốc Công ty Censtaf group đề nghị các cơ quan chức năng thường xuyên có những lớp đào tạo, tập huấn giúp DN dễ dàng tiếp cận hơn với những thay đổi trong cơ chế chính sách về thuế, hải quan và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động của DN. Hiện, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ký kết 12 Hiệp định FTA, trong đó có một số FTA đặc biệt quan trọng vừa được ký kết trong năm 2015 và 2016 như Hiệp định đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, cơ quan quản lý nhà nước cần bổ sung, nâng cấp các biện pháp phòng vệ về thuế nhằm hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước.

Ghi nhận những phản ánh của DN, bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian tới cần sửa đổi, bổ sung, thống nhất và hoàn thiện các quy định về thành lập DN, thu hồi giấy phép kinh doanh, giấy phép thành lập, giấy phép hành nghề tại Luật Doanh nghiệp. Qua đó, giúp cho việc quản lý DN và nợ thuế hiệu quả hơn.

Trong khi đó ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính đưa ra 3 giải pháp hỗ trợ DN thời hội nhập. Thứ nhất, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với các thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thứ hai, rà soát, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hải quan phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia. Thứ ba, xây dựng khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ nhằm tạo môi trường và hành lang pháp lý chặt chẽ cho hoạt động cải cách tài chính công, tổ chức triển khai hiệu quả Luật NSNN (sửa đổi)…

Lệ Thúy
.
.
.