Căn hộ cao cấp: Quảng cáo một đường, bán một nẻo!

Thứ Sáu, 10/08/2007, 12:18
Để dự án hấp dẫn, các chủ đầu tư thường trưng ra căn hộ mẫu rất bắt mắt, “hút hồn” khách hàng. Nhưng khi nhận nhà, khách hàng té ngửa “quảng cáo dzậy mà không phải dzậy”.

Chị P., một khách hàng đã mua nhà tại khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh, quận 7, TP.HCM, bức xúc cho biết trước khi mua nhà đã coi nhà mẫu, thấy vừa ý lắm. Thế nên chị đã ký hợp đồng, đóng tiền mua, nhưng căn hộ chủ đầu tư bàn giao không được đẹp và đầy đủ chi tiết như thiết kế nhà mẫu. Gỗ lót nền không láng, đá ốp bậc cửa sổ không có...

Khi xem nhà mẫu, chị rất “kết” phòng ngủ vì mỗi phòng được thiết kế một bàn phấn âm tường xinh xắn, tiện dụng. Nhưng nhà mua thì không có.

“Bấm bụng” nhận căn hộ

Chị P. khiếu nại, công ty cho sửa chữa, thay tấm gỗ lót sàn nhưng còn đá ốp bậc cửa sổ thì công ty giải thích: nhà mẫu phải ốp vậy cho đẹp, nếu chị muốn ốp công ty sẽ cho thợ làm nhưng phải trả thêm tiền. Công ty cũng cho biết không thể bổ sung căn hộ của chị mỗi phòng ngủ một bàn phấn.

Theo chị P., giải thích của chủ đầu tư rất khó chấp nhận nhưng các khách hàng như chị không thể làm gì hơn ngoài việc “bấm bụng” để nhận căn hộ. Lý do là trong hợp đồng các chi tiết cụ thể về trang thiết bị trên không được ghi rõ.

Hợp đồng chỉ ghi một số thông số, mô tả chung chung đặc điểm căn hộ và cũng có điều khoản cam kết “xây dựng hoàn thiện theo nhà mẫu”. Tuy nhiên, trước khi bàn giao căn hộ cho khách hàng thì căn nhà mẫu này đã bị chủ đầu tư tháo dỡ, không còn. Muốn đối chiếu cũng không có căn cứ.

Còn chị B. cho biết đã bỏ ra hơn 2 tỉ đồng để mua căn hộ hơn 100m2 tại chung cư cao cấp The Manor, quận Bình Thạnh. Chưa sử dụng được bao lâu, gần đây chị phát hiện nước thải trào ngược ra từ bồn cầu, gây hôi thối và ảnh hưởng đến sức khỏe cho những người trong gia đình.

Chị B. phản ảnh với chủ đầu tư thì được giải thích lỗi là do công nhân trong quá trình xây dựng. Sau đó chủ đầu tư cho khắc phục nhưng tình trạng vẫn lặp lại như cũ.

Bà Lê Phương Mỹ Linh, phó giám đốc BitexcoLand (chủ đầu tư dự án trên), cho rằng “rác thải không hợp lý được tìm thấy trong đường ống bị nghẽn là nguyên nhân xảy ra sự cố này”.

Song chị B. khẳng định là mình không hề xả rác vào toilet như chủ đầu tư đề cập. Chị B. không phải là khách hàng duy nhất phản ảnh về chất lượng căn hộ tại The Manor trong thời gian qua.

Không chỉ nhận căn hộ không đảm bảo chất lượng, nhiều khách hàng mua căn hộ cao cấp tại các dự án khác cũng than phiền diện tích căn hộ bị thiếu so với hợp đồng.

Thông thường diện tích căn hộ chỉ được xê dịch trong khoảng +-2% nhưng thực tế nhiều căn hộ không dư mà còn thiếu đến 10% so với diện tích ký trong hợp đồng.

Nhà mẫu chỉ để... nhìn

Theo ông Võ Đình Quốc - phó giám đốc Công ty cổ phần địa ốc ACB, nếu nhà mẫu là “tiêu chuẩn” loại 1 thì căn hộ bàn giao cho khách hàng thường chỉ đạt “tiêu chuẩn” loại 2. Ông nói nhà mẫu thường được chủ đầu tư trưng bày để khách hàng tham khảo, với kỹ thuật trang trí bắt mắt để thu hút người mua.

Ông lưu ý: căn hộ có rất nhiều chi tiết mà các hợp đồng mua bán thường không đề cập hết, chỉ nêu chung chung. Do vậy khi ký hợp đồng, khách hàng nên chú ý những chi tiết quan trọng của căn hộ.

Dù đã được sửa chữa vài lần nhưng hệ thống thoát nước vẫn bị rò rỉ (chung cư cao cấp The Manor).

Các hợp đồng góp vốn mua căn hộ đều được chủ đầu tư soạn sẵn với các điều khoản về mô tả trang trí nội thất rất sơ sài, có khi chỉ vỏn vẹn mấy dòng: diện tích, số phòng, có điện, nước, bếp ăn...

Một số hợp đồng khi xem qua khách hàng tưởng là đầy đủ, chi tiết khi có kèm theo phụ lục về vật liệu, trang bị nội thất căn hộ như sàn nhà lót gạch men Taicera, tường sơn nước bằng loại sơn của Đan Mạch, cửa bằng gỗ chịu nhiệt của Malaysia...

Nhưng dù có chi tiết đến tên của hãng sản xuất vật liệu, chủ đầu tư vẫn có thể thay thế bằng vật liệu của những hãng sản xuất đúng như hợp đồng nhưng là loại rẻ tiền hơn.

Ông Quốc cho biết cũng có nhiều dự án chỉ bán căn hộ thô, chưa hoàn thiện. Khách hàng sẽ tự bỏ tiền trang trí phần nội thất căn hộ.

Theo ông Quốc, điều này sẽ có lợi cho cả đôi bên: chủ đầu tư giảm bớt được chi phí đầu tư, còn khách hàng được trang trí nội thất theo sở thích, khả năng của mình. Điều này cũng hạn chế việc đục tường, sửa chữa lại nhà của một số hộ dân, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Với “chín người nhưng mười ý” thì cách làm này là hợp lý, tuy nhiên không phải chủ đầu tư nào cũng bán nhà dạng thô mà muốn xây dựng căn hộ hoàn thiện với cách thiết kế đồng bộ.

Khách hàng chịu thiệt

Theo luật sư Nguyễn Thị Thanh Hà - Công ty luật hợp danh Nghiêm & Chính: những trường hợp có tranh chấp về chất lượng, chi tiết căn hộ không đúng với căn hộ mẫu thường khách hàng là người phải chịu thiệt vì bao giờ chủ đầu tư cũng soạn thảo những điều khoản có lợi cho mình.

Để tự bảo vệ quyền lợi của mình, trước khi ký kết khách hàng cần xem xét kỹ các điều khoản và có thể yêu cầu chủ đầu tư thỏa thuận lại các điều khoản về chi tiết, chất lượng hàng hóa cho thật cụ thể. Khi xem xét căn hộ mẫu, nếu chủ đầu tư không in sẵn các hình ảnh về nhà mẫu này thì khách hàng có thể tự chụp ảnh lại để đối chiếu nếu có tranh chấp xảy ra sau này.

Tho Chi Mai - Phúc Huy (Tuổi trẻ)
.
.
.