Cần gỡ khó cho việc tái canh cà phê ở Tây Nguyên

Thứ Sáu, 06/06/2014, 13:45
Việt Nam hiện có hơn 620.000ha cà phê, trong đó phần lớn tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm hơn 500.000ha nhưng đến nay có đến 30% diện tích đã già cỗi, năng suất, chất lượng thấp cần phải thay thế trong vòng 5 đến 10 năm tới.

Theo đề xuất của các chuyên gia và ngành chủ quản, diện tích cà phê già cỗi phải thay thế là những vườn cây có độ tuổi trên 20 năm, năng suất đạt thấp, sinh trưởng kém và không có khả năng cưa đốn phục hồi hay ghép cải tạo. Vì thế nếu không có kế hoạch và triển khai thực hiện tốt chương trình tái canh, đến năm 2020, hầu hết diện tích cà phê ở Tây Nguyên cũng như cả nước sẽ bước sang già cỗi.

Việc tái canh cây cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đã và đang gặp phải tình trạng khó khăn về vốn đầu tư nên nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn tự có thì chắc chắn việc tái canh sẽ khó có thể triển khai được. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên vừa qua, các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay để tái canh cây cà phê của các tỉnh Tây Nguyên là 12.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường 2%/năm. Tuy nhiên, ghi nhận tại một số địa phương, nông dân vẫn chưa thực sự mặn mà với việc vay vốn vì cho rằng lãi suất cho vay hơn 10%/năm vẫn còn cao. Tái canh cây cà phê mất nhiều thời gian như vậy thì cần phải thực hiện gối đầu. Trong một diễn biến khác, từ đầu tháng 6/2013 đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã triển khai gói tín dụng ưu đãi hơn 10.000 tỷ đồng cho tái canh cà phê. Tuy nhiên, định suất vay của gói tín dụng này chỉ ở mức 50 triệu đồng/ha, quá ít so với suất đầu tư thực tế.

Để việc tái canh cà phê ở khu vực Tây Nguyên đạt hiệu quả, các hộ nông dân trong vùng không chỉ cần vốn mà còn cần các chính sách mang tính chất “gỡ khó” của các bộ, ngành Trung ương. Một thực tế hiện nay là giá cà phê trên thị trường bấp bênh cũng đang tạo áp lực lớn, khiến nhiều người trồng cà phê đành  không mạnh đầu tư…

Trong buổi làm việc tại tỉnh Gia Lai, trước đề nghị của lãnh đạo UBND tỉnh về việc hỗ trợ vốn ưu đãi cho tái canh cà phê, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: Vốn cho tái canh cà phê đảm bảo không thiếu. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước đã dành sẵn gói tín dụng 12.000 tỷ đồng hỗ trợ cho 5 tỉnh Tây Nguyên phục vụ chương trình tái canh cà phê; người được vay không phải trả nợ gốc trong 3 năm kiến thiết cơ bản, thời gian hoàn vốn lên đến 7 năm…

Ngân hàng Nhà nước đã giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đứng ra làm đầu mối để giải ngân. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cách làm, là sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Ngành Ngân hàng chỉ tham gia đầu tư vốn, chứ không thể tham gia trực tiếp vào việc thực hiện cụ thể được. Thống đốc đề nghị tỉnh Gia Lai cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để lập quy hoạch, xây dựng quy trình tái canh, cụ thể là nghiên cứu trồng loại giống nào, tái canh ở đâu, ai làm đầu mối…

Bên cạnh những chủ trương trên, Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan cần có giải pháp thiết thực hỗ trợ nông dân, trong đó cần thực hiện chủ trương thu mua tạm trữ cà phê khi vào chính vụ thu hoạch. Ngoài ra, ngành ngân hàng cần hạ lãi suất cho vay tái canh cà phê xuống mức khoảng 5 - 6%/năm, nhất là thủ tục vay vốn cũng cần đơn giản hơn để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn.  Như vậy, các nhà vườn ở khu vực Tây Nguyên sẽ đẩy mạnh tái canh toàn bộ diện tích cà phê già cỗi để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững

N.Như - ĐTr
.
.
.