Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên:

Cần giải pháp căn cơ để xử lý “cục máu đông”

Thứ Ba, 23/05/2017, 08:44
Đánh giá về báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, báo cáo đã nhìn vào thực chất của nền kinh tế, chỉ thẳng các vấn đề tồn tại, khó khăn mà chúng ta đang phải đối mặt.


“Chỉ tiêu tăng trưởng GDP không đạt chính là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới kinh tế vĩ mô, kéo theo chỉ số nợ công, bội chi ngân sách… đều tăng vọt lên. Chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, trong năm 2016 nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội không được giải quyết một cách rốt ráo nên đã để lại hệ lụy trong năm 2017”.

Nhóm các giải pháp ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 vẫn là dựa vào “đòn bẩy” đầu tư công. Như vậy, những vấn đề như nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của hàng ViệtNam… vẫn chưa phản ánh đúng được mong muốn của cả nền kinh tế cũng như xã hội.

Vì thế, Chính phủ đã trình ra dự thảo Nghị quyết chuyên đề về xử lý nợ xấu và dự thảo sửa đổi Luật xử lý các tổ chức tín dụng, đây là “cục máu đông” làm nghẽn sự phát triển của nền kinh tế.

“Hy vọng bên cạnh các giải pháp về đầu tư công, chúng ta sẽ có các giải pháp căn cơ về xử lý nợ xấu, để đảm bảo có được hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh, qua đó hạ được lãi vay của nền kinh tế, làm cho giá vốn của ta có được sức cạnh tranh cao hơn và đó cũng chính là hỗ trợ rất quan trọng, dài lâu cho doanh nghiệp phát triển” – ông Kiên cho biết.

Theo ông Kiên, con số 610 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý trong 4 năm qua, trong đó 56% là do các tổ chức tín dụng tự xử lý, 44% là do thông qua các hoạt động của Ngân hàng Nhà nước ở VAMC đã cho thấy, nhận định của chúng ta năm 2012 về thực trạng nền kinh tế Việt Nam là rất chuẩn xác.

Đến thời điểm hiện nay, sau 4 năm, chúng ta đã làm được rất nhiều việc mà vẫn phải ban hành Nghị quyết chuyên đề về xử lý nợ xấu, nghĩa là bối cảnh 4 năm trước khủng khiếp như thế nào. Và thành quả lớn nhất là đã giữ ổn định, không cho nó bị sụp đổ, đảm bảo tốc độ tăng trưởng của khối các tổ chức tín dụng là thành công rất lớn trong lĩnh vực ngân hàng.

A.Quỳnh
.
.
.