Cần điều chỉnh quy định về cho vay đối với DN nhỏ và vừa

Thứ Sáu, 22/08/2014, 07:07
Quan điểm chung của các chuyên gia kinh tế đều cho rằng để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, cần sự chung tay của rất nhiều đơn vị liên quan, đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ giữa các giải pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước, các cơ quan chức năng, từ các NHTM và từ chính bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ . Xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với chi phí hợp lý.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê trong 7 tháng năm 2014, cả nước đã có 42.398 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 262.400 tỷ đồng, giảm 7% về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng đầu năm lên tới 37.612 doanh nghiệp, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Chỉ tính riêng trong tháng 7/2014, số doanh nghiệp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động lên tới 4.931 doanh nghiệp, trong đó phần lớn vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Điều đó cho thấy, khu vực này luôn là đối tượng dễ tổn thương nhất của nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn hiện nay thì mức độ tổn thương và “mong manh” lại càng gia tăng.

Tiến sĩ Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cho rằng xét trong bối cảnh hiện nay, có thể chỉ ra 2 nguyên nhân chính dẫn tới hiện trạng đáng buồn này. Nguyên nhân nội tại là từ chính các DNVVN như năng lực sản xuất thấp, trình độ quản lý yếu kém, quản trị sản xuất, kế hoạch sản xuất, kế hoạch phân phối hàng hóa chưa hoạch định được dẫn đến không kiểm soát được hiệu quả sản xuất kinh doanh, khó có khả năng cạnh tranh được trên thị trường. Đặc biệt, đứng ở góc độ thực tế của bên cung cấp tài chính, ông Thọ cho rằng vấn đề thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh là khó khăn lớn nhất khiến rất nhiều DNVVN “sống dở chết dở” trong tình cảnh khó khăn hiện nay.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

“Hiện chỉ có 30% các DNVVN tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác với chi phí vốn rất cao. Đây là hệ lụy của vấn đề nợ xấu gia tăng và năng lực cạnh tranh của DNVVN còn yếu kém, báo cáo tài chính thiếu minh bạch, không có nhiều tài sản bảo đảm tốt nên các NHTM ngại rủi ro, chưa mạnh dạn tăng trưởng tín dụng với đồng loạt các DNVVN mà chỉ tập trung với một số doanh nghiệp tốt, có thế mạnh nhất định. Điều đó cũng lý giải việc tại sao các NHTM thắt chặt các điều kiện vay vốn, khiến rất ít DNVVN đáp ứng được điều kiện cấp tín dụng của các NHTM nói chung”, ông Thọ lý giải.

Bên cạnh đó, nguyên nhân thứ hai, theo ông Thọ, xuất phát từ các yếu tố khách quan về môi trường kinh doanh, tình trạng khó khăn của toàn nền kinh tế và chính sách chưa hợp lý khiến DNVVN không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Bản thân một doanh nghiệp thuộc khu vực này cũng phải thừa nhận trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp tìm đủ cách để kích cầu tiêu dùng nhưng dường như mọi thứ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Trong khi đó các DNVVN lại không thể đủ tiềm lực về mọi mặt để tiếp cận với các chương trình kích cầu tiêu dùng và xúc tiến thương mại mà Chính phủ hỗ trợ.

Trước thực trạng này, quan điểm chung của các chuyên gia kinh tế đều cho rằng để có thể hỗ trợ các DNVVN phát triển, cần sự chung tay của rất nhiều đơn vị liên quan, đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ giữa các giải pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước, các cơ quan chức năng, từ các NHTM và từ chính bản thân các DNVVN. Xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu cho các DNVVN với chi phí hợp lý.

Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cần tạo kênh tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhằm hỗ trợ khu vực DNVVN cũng như doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển sản xuất kinh doanh. Tiến sĩ Thọ cho rằng cần điều chỉnh các quy định về cho vay đối với DNVVN như điều kiện cấp tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng, sử dụng dự phòng rủi ro đối với cho vay DNVVN

Phan Đức
.
.
.