Cần cơ chế hỗ trợ thích hợp để “cứu” ngành xuất bản

Thứ Tư, 15/01/2014, 09:22
Theo thống kê của Cục Xuất bản, trong năm 2013, chỉ có 4/64 Nhà xuất bản (NXB) có doanh thu cao, nộp đầy đủ thuế cho Nhà nước là NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Giáo dục và NXB Chính trị quốc gia. 60 NXB còn lại đều rơi vào tình trạng “lay lắt”, trong đó có tới 19 NXB báo lỗ, không đủ khả năng để đóng thuế đất và trả lương cho cán bộ đã nghỉ hưu. Thậm chí, có NXB đã làm sẵn “cáo phó” để chờ ngày được “khai tử”.

Tại Hội nghị các cơ quan chủ quản xuất bản do Cục Xuất bản tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản đều cho rằng: Bên cạnh sức mua của thị trường xuất bản phẩm đang ngày càng suy giảm thì nguyên nhân cơ bản dẫn tới hoạt động của đa số các NXB kém hiệu quả là do cơ quan chủ quản chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của NXB. Nhiều cơ quan chủ quản tỏ ra lúng túng, thiếu chủ động và linh hoạt trong phương án đầu tư và để NXB loay hoay trong tình trạng thiếu vốn, yếu kém về cơ sở vật chất kỹ thuật. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc NXB đánh mất quyền tự chủ và bị đối tác liên doanh, liên kết chi phối, không kiểm soát được nội dung.

Mặt khác, chính sách đầu tư cho các NXB hiện hành cũng ít nhiều thể hiện rõ sự bất cập. Nếu như một kênh truyền hình được đầu tư cả trăm tỉ đồng thì đầu tư cho ngành Xuất bản vẫn còn ở mức rất khiêm tốn, chỉ ở khoảng trên dưới 10 tỷ đồng.

Đề xuất các giải pháp hỗ trợ để “cứu” ngành xuất bản, ông Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản cho rằng: Trong năm 2014, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Xuất bản cần có sự phối hợp chặt chẽ để tham mưu cho các cơ quan Chính phủ về việc đánh giá, rà soát mô hình, cơ chế hoạt động của các NXB. Theo đó, NXB nào còn phù hợp với mô hình hiện tại thì tiếp tục duy trì, còn NXB nào không còn phù hợp với mô hình hiện tại nữa thì cần phải được chuyển đổi. Muốn vậy, phải quy hoạch lại đâu là những đơn vị đơn thuần thực hiện nhiệm vụ chính trị được hỗ trợ, bao cấp về ngân sách, đâu là những DN hoạt động độc lập trên thị trường, tuân thủ pháp luật và đóng góp vào GDP như những ngành kinh tế khác.

Cũng theo ông Nguyễn Kiểm, về lâu dài, cần trao quyền tự chủ cho các NXB để dần dà các NXB có thể nỗ lực thoát khỏi “bầu sữa” bao cấp từ ngân sách Nhà nước, đồng thời có thể “tự bơi” khi bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế.

Ở góc độ khác, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng khẳng định: “Ngành Xuất bản sẽ đứng trên bờ vực thẳm nếu không có chính sách hỗ trợ cũng như những ưu tiên về thuế. Việc Bộ Tài chính áp thuế 10% đối với xuất bản hiện nay là quá cao, mức thuế này cần phải giảm xuống 5% thì hợp lý vì xuất bản là một trong những ngành rất đặc thù, rất cần sự hỗ trợ về chính sách thuế” - ông Tiến cho biết.

Trước các ý kiến, đề xuất của các NXB, các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản cho biết: Cục Xuất bản sau khi nắm các báo cáo về hoạt động của các NXB trong cả nước sẽ kiến nghị lãnh đạo Bộ TT&TT và Bộ Tài chính bàn các biện pháp hỗ trợ xuất bản như đề xuất giảm thuế xuất bản phẩm ở mức thích hợp hơn, đồng thời cần cụ thể hóa các chế độ ưu tiên  về giá thuê nhà đất, các dạng ưu tiên khác cũng như trách nhiệm của các cơ quan chủ quản đối với NXB

Huyền Thanh
.
.
.