Trò chuyện chủ nhật:

Cần chuẩn bị sẵn sàng cho làn sóng cạnh tranh Cộng đồng kinh tế ASEAN

Chủ Nhật, 03/01/2016, 07:03
Thời khắc chuyển giao sang 2016 cũng là thời điểm đánh dấu Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành, kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với dân số hơn 600 triệu người và quy mô kinh tế khoảng 2.600 tỷ USD.

 

Với những cam kết chính là tự do lưu chuyển hàng hoá, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề, AEC đánh dấu một bước mở cửa mạnh hơn nữa của Việt Nam. Xung quanh sự chuẩn bị của các doanh nghiệp, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

PV: Thưa ông, AEC gần đây được nhắc đến rất nhiều, nhưng ngay cả các doanh nghiệp cũng chưa hiểu tường tận về khái niệm này. Ông có thể tóm tắt ngắn gọn những gì sẽ xảy ra khi AEC chính thức hình thành?

Ông Đậu Anh Tuấn: Cộng đồng ASEAN bao gồm 3 trụ cột là Cộng đồng kinh tế ASEAN, Cộng đồng văn hoá – xã hội ASEAN và Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN; trong đó Cộng đồng kinh tế ASEAN là một trụ cột quan trọng, và dễ thực hiện hơn. Nếu trụ cột này được hình thành sẽ giúp thúc đẩy sự hình thành của 2 trụ cột còn lại. Mục tiêu của AEC là tạo ra một thị trường đơn nhất và không gian sản xuất chung, tạo ra khu vực kinh tế mang tính cạnh tranh, phát triển kinh tế công bằng, hội nhập với kinh tế toàn cầu, trong đó, mục tiêu “thị trường đơn nhất và không gian sản xuất chung” bao gồm: tự do lưu chuyển hàng hóa; tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do đầu tư; tự do hóa hơn luồng vốn; tự do lưu chuyển lao động có tay nghề. Nếu thực hiện được 4 tiêu chí “tự do” này sẽ biến AEC thành một thị trường chung thống nhất.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

PV: AEC chính thức hình thành là một sự kiện mới, nhưng thực chất các cam kết đều đã cũ, không có gì đột ngột xảy ra. Theo quan sát của ông, trong suốt thời gian bản lề vừa qua, Việt Nam đã chuẩn bị được những gì cho việc tham gia AEC?

Ông Đậu Anh Tuấn: Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, không chỉ tham gia AEC mà còn rất nhiều hiệp định tự do hóa khác, nên sự chuẩn bị của chúng ta không chỉ là cho AEC mà cho quá trình hội nhập sắp tới nói chung. Sự chuẩn bị không chỉ về phía doanh nghiệp mà còn cả các cơ quan quản lý nhà nước. Về phía cơ quan Nhà nước, Việt Nam được đánh giá có mức độ thực thi các cam kết tương đối tốt. Nhưng về phía doanh nghiệp, dường như chưa có sự chuẩn bị gì đáng kể. Ở chiều xuất khẩu, mức độ tận dụng ưu đãi thuế trong ASEAN còn thấp, theo đánh giá vào khoảng 30-40% kim ngạch; trong khi đó ở chiều nhập khẩu, thị trường đang chứng kiến làn sóng ồ ạt của hàng hóa tiêu dùng nước ngoài nhập khẩu, giành giật thị phần với hàng nội.

PV: Theo ông, điều đó ảnh hưởng thế nào đến sản xuất trong nước, khi sức cạnh tranh của hàng  hoá Việt Nam vẫn đang kém hơn?

Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi cho rằng nên nhìn mọi thứ ở 2 khía cạnh. Tất nhiên về mặt tiêu cực, cạnh tranh có thể khiến nhiều doanh nghiệp trong nước mất thị phần, thậm chí phá sản, nhiều lao động có thể thất nghiệp và gây nhiều hệ luỵ khác. Nhưng cạnh tranh cũng sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước phải tự cải tổ, thay đổi, nâng cao chất lượng của mình. Và phải khẳng định là cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng. Xu thế hiện nay không thể đảo ngược là tăng cường mở cửa, tự do hóa và doanh nghiệp sẽ phải tìm cách thích nghi. Thực tế là bao nhiêu năm chúng ta bảo hộ, doanh nghiệp cũng có phát triển được đâu.

PV: Ông nhìn nhận như thế nào về một số động thái thâm nhập thị trường Việt Nam gần đây của các tập đoàn phân phối trong ASEAN?

Ông Đậu Anh Tuấn: Việt Nam ngày càng hội nhập, mở cửa. Trước kia mở cửa hàng hóa là chủ yếu, thời gian tới sẽ phải mở cửa nhiều về dịch vụ, đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, không chỉ các tập đoàn trong ASEAN mà từ nhiều các nước khác, sẽ xâm nhập thị trường Việt Nam. Nên chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho làn sóng cạnh tranh mới này. Về lĩnh vực phân phối, thực tế Việt Nam đã mở cửa cho các nhà phân phối nước ngoài từ năm 2009 theo cam kết WTO rồi chứ không phải bây giờ mới mở. Chẳng qua là bây giờ họ mới vào mà thôi. Do đó, động thái này là bình thường, và sẽ còn diễn ra nhiều trong thời gian tới. Quan trọng là chúng ta sẽ có chính sách quản lý như thế nào để việc các tập đoàn này vào không những không gây thiệt hại mà còn có lợi cho chúng ta.

PV: Một vấn đề khác cũng được đề cập là các nước ASEAN có cơ cấu kinh tế không khác nhau nhiều lắm, thậm chí một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng là mặt hàng chủ lực của ASEAN. Đó có phải là một thách thức lớn đối với chúng ta hay không?

Ông Đậu Anh Tuấn: Đó đúng là một thách thức, nhưng thực tế thực hiện AFTA trong những năm vừa qua, doanh nghiệp Việt cũng đã khẳng định được mình để vượt qua thách thức. Đổi lại người tiêu dùng được lợi vì hàng hóa phong phú, đa dạng hơn, với mức giá tốt hơn. Tôi nghĩ chúng ta nên lưu  ý rằng việc mở cửa thị trường hàng hóa trong ASEAN đã bắt đầu từ nhiều năm nay. Năm 2015 và việc hình thành AEC chỉ là bước mở cửa tiếp theo, nên không phải là một cú sốc mở cửa thị trường cho hàng hóa từ các nước ASEAN.

PV: AEC có cam kết về mở cửa thị trường lao động. Theo ông, sẽ có xáo trộn gì không khi lao động có tay nghề được lưu chuyển tự do?

Ông Đậu Anh Tuấn: Theo mục tiêu của AEC thì chỉ “tự do lưu chuyển lao động có tay nghề”, như vậy, không phải là tự do hóa hoàn toàn thị trường lao động, nên phạm vi cũng hạn chế hơn rất nhiều. Hơn nữa mỗi nước có một quan điểm riêng về “lao động có tay nghề”. Ngoài ra, theo chiều ngược lại, nếu thực sự thu hút được nguồn lao động chất lượng cao từ các nước khác sang Việt Nam làm việc thì đó cũng là một điều có lợi cho doanh nghiệp chúng ta.

PV: Báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, đa phần các doanh nghiệp không biết gì hoặc không thực sự quan tâm đến AEC. Ông có khuyến cáo gì đến cộng đồng doanh nghiệp?

Ông Đậu Anh Tuấn: AEC không phải là một đàm phán thương mại với lộ trình và các nội dung đàm  phán/cam kết cụ thể. Nó là một mục tiêu lớn mà các nước ASEAN đang hướng tới, nên đối với doanh nghiệp nó vẫn là tương đối mơ hồ, nên không biết và không quan tâm cũng là điều tương đối dễ hiểu. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp cũng đang thực hiện một phần của AEC, đó là cam kết về hàng hóa (AFTA). Cần chủ động tìm hiểu thông tin, không chỉ về AEC, mà về các cam kết hội nhập của Việt Nam nói chung, để biết được tình hình mà có sự chuẩn bị cho tốt. Cần cải tổ, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể cạnh tranh tốt trong nước và tận dụng được tốt cơ hội xuất khẩu từ các FTA.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tuấn Anh
.
.
.