Tiếp loạt bài “Thất thu thuế tài nguyên, lộ diện những “lỗ hổng” của ngành khai khoáng”:

Căn bệnh trầm kha chưa có liều thuốc đặc trị

Thứ Bảy, 29/11/2014, 15:15
Tình hình khai thác vàng ở tỉnh Quảng Nam, từ doanh nghiệp có phép đến khai thác trái phép đã gây nên những hệ lụy nghiêm trọng về môi sinh, môi trường, an toàn lao động và cả việc thất thu thuế. Vấn nạn này vẫn đang tiếp diễn mà chưa có hồi kết. Đáng chú ý “đại gia” Besra Việt Nam hiện vẫn còn tồn đọng số tiền thuế 242 tỉ đồng…

Thất thu thuế tài nguyên vì “vàng tặc”

Những ngày này, trở lại “thung lũng vàng” nằm sâu trong Khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh – vùng giáp ranh giữa hai huyện Nam Giang và Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam, chúng tôi vẫn chứng kiến “vàng tặc” vơ vét tài nguyên. Đường lên Khe Cọp, Khe Lên, Khe Chớp, thuộc xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, bị băm nát, nham nhở do các loại phương tiện vận chuyển, khai thác vàng trái phép. Nhiều năm nay, để vận chuyển khối lượng lớn vật tư thiết bị phục vụ đào đãi vàng, đối tượng “vàng tặc” đã sử dụng các loại xe cơ giới san ủi đồi núi, mở mới hàng chục cây số đường, nối từ trục đường tuần tra biên giới xuống các khe suối nằm sâu trong rừng. Tại Khe Lên, Khe Cọp, Khe Chớp và nhiều con suối khác thuộc địa phận xã Đắc Pring, giữa tháng 10/2014, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam truy quét “vàng tặc” ghi nhận có gần 10 lán trại trái phép; tại hiện trường ngổn ngang các giàn máy xúc, đào đãi vàng và nhiều thùng phuy chứa đầy dầu diesel…

Kiểm tra bãi vàng suối Rin (thuộc xã Đăc Pring), nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, “vàng tặc” đã nhanh chân tẩu thoát vào rừng ẩn nấp, để lại hiện trường một sàn tuyển rửa vàng bằng sắt. Khoảnh rừng rộng 3ha đã bị cày xới ngổn ngang, nhiều điểm nước ứ đọng nhuốm màu đỏ lòm. Ở tọa độ X = 1714770, Y = 493826 của Suối Rin, có 5 máy xay đá, 4 lán trại đã tháo tấm che mái, 40 lít dầu diesel, 20 lít nhớt, cùng nhiều dụng cụ phục vụ cho việc tận thu vàng. Khi đoàn kiểm tra đến nơi này, tất cả các máy móc đều dừng hoạt động, không có người tại hiện trường. Do vậy, ngành chức năng đã đốt phá toàn bộ các lán trại, thiết bị máy móc, dụng cụ phát hiện được. Còn tại tọa độ X = 1714095, Y = 494885 (thuộc bãi vàng Nhẹ, thôn 4, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn) có 4 lán trại đã tháo tấm che mái, 6 máy xay đá, 5 máng tuyển đãi vàng bằng gỗ, 2 hồ chứa nước và 1 mỏ lộ thiên bị đục khoét sâu dưới lòng đất với quy mô rộng 0,5ha…
Một điểm khai thác vàng trái phép tại xã Đắc Pring.
Chúng tôi cũng đã đến thôn Pà Lanh thuộc xã Cà Dy (huyện Nam Giang). Nơi đây, vì khai thác vàng trái phép mà đất đai hoa màu, đặc biệt diện tích lúa nước cực kỳ quý báu với bà con đồng bào dân tộc thiểu số, đang dần mất đi. Một số người dân bản địa cho hay, họ cần tiền để trang trải cuộc sống trước mắt, mua đồ dùng sinh hoạt gia đình mà đã bán đất sản xuất cho “chủ bưởng” khai thác vàng… Đáng nói sự việc này dường như chính quyền địa phương đang đứng ngoài cuộc.
Công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu đã khai thác 6,9 tấn vàng, nhưng vẫn nợ chây ì 242 tỉ đồng tiền thuế.

Nói về hoạt động của “vàng tặc”, ông Bùi Văn Ba, Trưởng phòng Khoáng sản, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, cũng xác nhận: Việc “vàng tặc” hoành hành vào mùa mưa rất đáng lo ngại. Vấn nạn khai thác vàng trái phép làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, môi trường; mất an toàn lao động dẫn đến hậu quả sập hầm, chết người liên tục xảy ra. Sự dung túng, thiếu trách nhiệm trong quản lý của một số địa phương khiến “vàng tặc” lộng hành, dẫn đến hậu quả thất thu thuế tài nguyên không hề nhỏ…

Bao giờ thu được nợ thuế từ “đại gia” chây ì?

Câu chuyện hai công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu, với 2 nhà máy sản xuất vàng lớn nhất Việt Nam, thuộc Tập đoàn Besra Việt Nam khai thác 6,9 tấn vàng, nhưng đang còn nợ số tiền thuế 242 tỷ đồng vẫn chưa có hồi kết. Trình bày nguyên nhân nợ thuế, đơn vị này cho rằng, vào cuối năm 2013, hai công ty Bồng Miêu và Phước Sơn có nhiều biến cố bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bởi bão, lũ xảy ra; mỏ vàng Bồng Miêu đã phải tạm thời đóng cửa đến tháng 6/2014. Sau đó, hai công ty này lại bị Cục Thuế tỉnh Quảng Nam áp dụng biện pháp cưỡng chế thuế (phong tỏa tài khoản, tuyên bố hóa đơn mất hiệu lực), hai mỏ vàng này phải tạm thời đóng cửa để giải quyết các vấn đề về thuế. Mới đây theo đại diện Besra, đã trình đề xuất 2 phương án gia hạn nộp số thuế khoảng 242 tỷ đồng còn nợ từ tháng 1/2013 đến hết tháng 8/2014, lên Thủ tướng Chính phủ và hiện đang chờ quyết định.

Sự việc vẫn còn chờ đợi, nhưng dư luận vẫn luôn quan tâm đến vấn đề nợ thuế của đơn vị này. Nhiều ý kiến người dân cho rằng, với việc để “vàng tặc” lộng hành, tài nguyên khoáng sản dần mất đi, hậu quả môi trường không lường hết thảm họa được. Rồi tiền thuế tài nguyên không thể thu, kể cả đơn vị được cấp phép như hai công ty nói trên, số tiền thuế vẫn nợ chây ì, song không có ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Như vậy, biết đến bao giờ mới ngăn chặn triệt để nạn “vàng tặc” để đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương miền núi có vàng; để tiền thuế tài nguyên môi trường không bị thất thoát? Và, đến bao giờ mới thu được nợ thuế từ các công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu của Tập đoàn Besra Việt Nam khi đã trở lại hoạt động khai thác vàng? Phải chăng, đây là căn bệnh trầm kha không có thuốc đặc trị? ...

Thành Nhân
.
.
.