Cận Tết Nguyên Đán: Giá hàng hóa tiêu dùng tăng, nhưng không có đột biến

Thứ Tư, 26/01/2011, 15:43
Theo thông tin từ Tổ điều hành Thị trường trong nước, tính đến ngày 21/12/2010 cũng đã có 35 địa phương tạm ứng kinh phí, hỗ trợ lãi suất cho các DN dự trữ hàng hoá bình ổn giá, với tổng số tiền 1.497,577 tỷ đồng.

Hà Nội và TP HCM là 2 địa phương chi ra nhiều tiền nhất cho công tác bình ổn với gần 900 tỷ. Nhờ đó, trong 20 ngày đầu tháng 1, không diễn ra cảnh tăng giá đột biến gây xáo trộn thị trường, như thịt lợn hơi tăng 2.000-3.000 đồng/kg tại miền Bắc và tăng khoảng 4.000 đồng/kg tại miền Nam; thịt bò thăn tại miền Bắc tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg, tại miền Nam tăng 10.000 đồng/kg.

Việc cả nước còn 12 tỉnh có dịch lở mồm long móng, cũng khiến cho nguồn cung thịt lợn khan hiếm hơn. Giá một số loại rau quả tươi tại miền Bắc tăng 2.000-3.000 đồng/kg như: hành lá, cà chua, rau cải, cải chíp tăng khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg; các loại bầu, bí, mướp cũng tăng 500-2.000 đồng/kg…

Nguyên nhân của tình trạng này là do nhu cầu của người dân tăng, trong khi nguồn cung hạn chế bởi ảnh hưởng của thời tiết liên tục rét đậm, rét hại ở miền Bắc, mưa kéo dài ở khu vực phía Nam. Các mặt hàng rau củ quả tăng giá nhiều nhất, đặc biệt trong các chợ lẻ.

Người dân đang vào cao điểm sắm Tết gây sức ép lên giá hàng hóa. Ảnh: Ngọc Thắng.

Hiện trên thị trường xuất hiện tình trạng mỗi nơi một giá, càng khu vực trung tâm giá càng cao, dù giá cả ở chợ đầu mối tăng không nhiều. Đơn cử cà chua, trước đây 1 tuần  chỉ khoảng 7000 đồng/kg loại ngon, thì ngày 24/1 ở chợ Thành Công (Đống Đa) đã lên giá 17.000 - 18.000 đồng/kg. Đặc biệt 1, 2 ngày gần đây, giá cả càng tăng cao, do nhu cầu sắm sửa cho Tết ông Công ông Táo.

Theo nhận định của Cục Quản lý giá, thu nhập của người dân tăng về cuối năm, cộng với lượng kiều hối chuyển về nhiều, lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và Việt kiều về quê ăn Tết tăng… làm cho quỹ tiêu dùng xã hội tăng, gây sức ép đẩy giá. Nhu cầu về hàng hóa dịch vụ dự báo tăng 20% so với các tháng bình thường…

Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian tới, giá bán điện, bán than cho bốn hộ sản xuất tiêu thụ than lớn (xi măng, giấy, phân bón, điện) vẫn tiếp tục được giữ ổn định. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan "áp dụng các biện pháp tài chính, tiền tệ, thuế để giữ bình ổn giá xăng dầu...".

Theo đó, tiếp tục yêu cầu các DN trước mắt chưa tăng giá bán, và được tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu lên 1600 đ/lít so với mức 1.000 đồng trước kia

Vũ Hân
.
.
.