Cam kết đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư

Thứ Hai, 25/04/2016, 09:01
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đến nay Hà Nội có gần 3.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 23,22 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước về vốn, với sự góp mặt của các doanh nghiệp (DN) thuộc 72 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, hiện các nhà đầu tư FDI đã giải ngân hơn 12 tỷ USD, chiếm 52% tổng vốn đăng ký. Qua đó, cho thấy, Hà Nội là một trong những địa chỉ hấp dẫn đối với dòng vốn ngoại.

Đặc biệt, riêng quý 1 vừa qua, Hà Nội lập một kỷ lục mới trong thu hút vốn FDI, với tổng mức vốn đăng ký mới đạt 825 triệu USD, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Kết quả này cũng đưa Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về vốn mới đăng ký trong 3 tháng đầu năm. Đây là bước chuyển rõ nét, đầy ấn tượng của Thủ đô trong hoạt động khơi thông, hấp dẫn các nguồn lực nói chung, trong đó có vốn FDI; nhất là những dự án có trình độ công nghệ cao, sạch, có sức lan tỏa nhưng không tốn nhiều diện tích mặt bằng. 

Đơn cử, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Hàn Quốc) vừa được cấp phép triển khai dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung, với tổng vốn 300 triệu USD. Đây sẽ là “cái nôi” cho ra đời những ý tưởng sáng tạo mới và là nền tảng để đưa ra thị trường sản phẩm điện tử, viễn thông có hàm lượng chất xám cao, giá trị gia tăng cao.

Theo nhận định của Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Vũ Duy Tuấn, các dự án FDI đang có xu hướng gia tăng chất lượng vì chính nhà đầu tư cũng ý thức được vấn đề bảo đảm chất lượng của sản phẩm làm ra, bởi đó là điều kiện quan trọng để cạnh tranh và đứng vững trên thị trường. 

Vì vậy, cần đánh giá các dự án thông qua hiệu quả kinh tế và những tiêu chí liên quan chứ không hẳn bằng quy mô dự án lớn hay nhỏ… Đến nay, vốn FDI trên địa bàn Hà Nội chủ yếu tập trung vào 3 lĩnh vực, gồm bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo và thương mại dịch vụ.

Sản xuất tại Công ty Stanley (Gia Lâm, Hà Nội), doanh nghiệp FDI của Nhật Bản.

Ông Vũ Duy Tuấn cho rằng, Hà Nội có đặc điểm, vị thế và sức hút riêng, không thể phủ nhận; từ đó tạo ra sức hấp dẫn đối với dòng vốn ngoại. Đó là sự ổn định về chính trị, trật tự trên địa bàn luôn được bảo đảm; an sinh xã hội duy trì liên tục và có bước cải thiện qua thời gian; hạ tầng được đầu tư, cải thiện hoặc xây mới theo hướng ngày càng đồng bộ, hiện đại; nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và có chất lượng khá cao so với các địa phương khác. 

Đến nay, các dự án FDI đã đóng góp liên tục, về nhiều mặt vào sự phát triển KT-XH thành phố, như: Góp 15% tổng vốn đầu tư xã hội, gần 50% kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn, góp 13,7% ngân sách cũng như tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Hà Nội cam kết đồng hành, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, vì sự thành công của nhà đầu tư. Đây là quyết tâm chính trị, với sự chỉ đạo sát sao và vào cuộc của cả hệ thống cơ quan công quyền, đến từng cán bộ, công chức nhằm tạo ra thói quen phục vụ nhà đầu tư. 

Thành phố yêu cầu các cơ quan duy trì ý thức thi hành công vụ theo hướng hiệu quả, thân thiện, kịp thời; trong đó tập trung khắc phục vướng mắc, khó khăn của DN, dự án cụ thể một cách thiết thực, hợp lý; tránh tình trạng chung chung. Đây là phương châm và mục tiêu lâu dài, trên tinh thần kiên trì, cầu thị. Tất cả nhằm củng cố và nâng cao uy tín của Hà Nội, tạo niềm tin với cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế cho thấy, Hà Nội đang cùng cả nước tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, theo hướng thông thoáng, minh bạch và ngày càng hấp dẫn để tăng cường thu hút nguồn vốn nói chung và ĐTNN nói riêng. 

Đây mục tiêu và chiến lược “dài hơi”, đòi hỏi sự quyết tâm, phồi hợp và hành động liên tục, có trách nhiệm từ các lãnh đạo TP đến cơ quan chức năng, người công chức. Thời gian qua đã chứng kiến sự chuyển biến tích cực của Thủ đô, khi được xác nhận thăng 2 bậc trong bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Ông Vũ Duy Tuấn cho biết thêm, để đưa Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của dòng vốn ngoại, thành phố luôn chỉ đạo, yêu cầu Sở cùng các cơ quan hữu quan luôn chủ động hỗ trợ DN FDI, nhất là đối với các đơn vị đang hoạt động hiệu quả tốt để thể hiện cam kết đồng hành cùng DN của thành phố. 

Theo đó, Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp như đẩy nhanh tiến độ các dự án khu công nghiệp (KCN), khu đô thị quy mô lớn đã được cấp phép để tạo ra quỹ đất, mặt bằng cho dự án ĐTNN như KCN Nam Hà Nội, KCN Sóc Sơn, khu công nghệ cao Hòa Lạc…

Ưu tiên bố trí quỹ đất có lợi thế thương mại và dễ giải phóng mặt bằng để kêu gọi dự án FDI, ứng vốn từ ngân sách hoặc khuyến khích nhà đầu tư ứng vốn cho giải phóng mặt bằng và hướng tới dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa rộng. Các cơ quan chức năng phấn đấu cắt giảm 10-30% thời gian so với quy định. 

Riêng Sở KH&ĐT Hà Nội hiện đã thực hiện cắt giảm 1/3 thời gian, tức là giảm từ 15 ngày xuống 10 ngày trong giải quyết hồ sơ đối với những trường hợp thuộc phạm vi thẩm quyền của Sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành công vụ, tăng tiện ích và trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn. 

Dự báo, kết quả thu hút vốn FDI cả năm 2016 có thể đạt khoảng 1,8-2 tỷ USD, trong đó có một số dự án quan trọng, đang trong quá trình hình thành thuộc lĩnh vực viễn thông, tổ hợp căn hộ, hàng không, xây dựng nhà máy nước…

Lưu Hiệp
.
.
.