Cam go cuộc chiến chống nhập lậu đường

Thứ Sáu, 25/04/2008, 20:23
Khi giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng xấp xỉ bằng với giá xăng dầu phía Campuchia (1USD/lít), tình hình xăng dầu "chảy" sang Campuchia đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, ấy cũng là lúc cuộc chiến chống buôn lậu mặt hàng đường cát đang gay gắt hơn lúc nào hết.

Một cán bộ thuộc Hải quan An Giang giải thích nguyên nhân: "Dù không phải cận Tết hay mùa Trung thu nhưng do niên vụ mía đường tại các tỉnh ĐBSCL vừa kết thúc; giá đường cát trong nước luôn ở mức cao, lại không ngon hơn so với đường Thái Lan nên...".

Không có thống kê cụ thể mỗi ngày có bao nhiêu tấn đường được vận chuyển trái phép qua biên giới Tây Nam, nhưng theo ghi nhận của ngành chức năng, hệ thống kho bãi cặp theo biên giới cả bên ta lẫn bên bạn mọc ngày càng nhiều và luôn đầy ắp đường; dân buôn lậu đường chuyên nghiệp hoạt động bất kể ngày đêm, ngày nghỉ và luôn thay đổi phương thức, tìm thủ đoạn đối phó với lực lượng chống buôn lậu…

12h trưa 23/4. Nắng rát mặt. Bờ sông Hậu và cả đoạn dài sông Bình Di khu vực biên giới thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang không một chút gió. Chỉ tay về hướng mấy chiếc ghe đang di chuyển hối hả phía bờ sông đối diện, anh Nguyễn Văn Sức - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình cho tôi biết: "Hơn nửa sông bên kia là thuộc nước bạn Campuchia. Con buôn luôn di chuyển phía bên đó nên mình chẳng thể làm gì được".  

Nhận diện "cá mập" vùng biên

Lực lượng chống buôn lậu vùng biên An Giang chẳng lạ gì tên T. Tuổi mới ngoài ba mươi nhưng bề dày thành tích của T. trên lĩnh vực "buôn lậu" đường thuộc hàng đứng đầu hiện nay nên người ta quen gọi hắn là T. "đường". Vào thời điểm cách nay chưa lâu, khi khu vực gò Tà Mâu (thuộc Campuchia) còn nhộn nhịp, T. "đường" từng có cuộc chiến cạnh tranh gay gắt với một "cá mập" khác có tên là N. "bột mì".

Đó là lần N. "bột mì" tố giác hành vi buôn lậu kèm theo thủ đoạn ranh ma của T. "đường" cho lực lượng chức năng. Lực lượng chức năng sau đó cũng đã vào cuộc tuy nhiên không có đủ cơ sở để kết tội T. "đường"(?). Biết đối phương đang làm khó mình, T. "đường" quay sang "đường binh" khác. T. "đường" mạnh miệng tuyên bố: "Con mẹ N. mà chi ra 1 thì thằng T. "đường" này chi ra hai, cần thiết thì năm, bảy". Mụ N. "bột mì" tưởng T. "đường" nói chơi cho đã cái miệng, chẳng đếm xỉa tới, ai dè T "đường" làm thiệt. T đã phá giá thuê kho của vợ chồng bà H. Lúc đó, N. "bột mì" đang thuê kho chỉ có 2 triệu đồng/tháng thì T. "đường" hất bà N. ra bằng cách xin chủ kho cho hắn được thuê với giá 7 triệu đồng/tháng. Thua keo này, bà N. "bột mì" đau điếng định tìm cách "gỡ" lại keo khác nhưng do T. "đường" tiếp tục "tấn công" nên chỉ ít lâu sau, bà N "bột mì" phá sản; chồng bà N mấy ngày sau đó cũng quyết định "chia tay" với vợ mình...

Một "đàn em" của T. "đường" kể, "thủ phủ" của T. đặt tại Châu Đốc với cái mác bên ngoài là tổng đại lý của nhiều loại thực phẩm sản xuất trong nước. Trước khi cầu Cồn Tiên (bắc từ địa giới của TX Châu Đốc sang huyện biên giới An Phú - PV) hoàn thành, T thuê "đàn em" chuyển hàng từ biên giới về "thủ phủ" và chấp nhận chịu tốn kém cao.

Nay thì tận dụng tối đa thực tế giao thông thuận lợi nên cũng giống như giới buôn lậu các mặt hàng khác (thuốc lá, quần áo cũ, gạo…), T. "đường" chuyển "thế trận" lên sát biên giới, cụ thể là tại khu vực Khánh Bình, Khánh An. T. "đường" hợp đồng hẳn với một số hộ dân có nhà hoặc kho tại khu vực biên giới. Trong số những kho đáng lưu ý hiện nay của T. "đường" chính là kho của bà H. mà chúng tôi đã kể trên.

Cam go cuộc chiến…

Sau 3 ngày "nằm gai" vùng biên giới, chúng tôi cũng được nghe kể về phương thức hoạt động và thủ đoạn đối phó của bọn "cá mập". Chẳng hạn như T. "đường" thường dùng ghe loại 50 - 70 tấn để chuyển đường Thái Lan từ các kho phía Campuchia theo dòng sông chung (sông Hậu và Bình Di) giống như những cái kho lưu động trên sông.

Sau khi pha trộn xong đường Thái vào đường Việt Nam mà bọn chúng mua hợp pháp từ các Nhà máy đường tại ĐBSCL, phương tiện của bọn chúng chỉ có việc quay đầu sang phần sông của Việt Nam rồi nhanh chóng chuyển vào kho.

Trước đó chỉ vài phút, một lượng đường tương ứng như thế cũng đã được bốc lên xe tải, hoặc xuống ghe đi giao cho "bạn hàng" thuộc các huyện: Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ (đều thuộc TP Cần Thơ). Có khi một đêm, T. cho xuất hàng đi 2 - 3 xe tải, phổ biến nhất là loại xe tải trọng 7 tấn. Điều thể hiện tính chuyên nghiệp của T. "đường" là lúc nào trong kho cũng đầy ắp hàng. Bao bì chứa đường trong kho đều là bao bì của các Nhà máy đường trong nước. Lực lượng "đàn em" của T. thì rất nhộn nhịp, tất nhiên hắn chỉ thuê công nhật. Ngoài số trực tiếp vận chuyển, trộn đường, khuân vác, T. còn gầy dựng lực lượng khá hùng hậu để bám sát chân các trinh sát phòng chống buôn lậu.

Một thanh niên từng làm công việc này cho T. "đường" sau khi ngà say, chẳng giấu chuyện với tôi: "Em chỉ nhiệm vụ ăn sáng, uống cà phê rồi ngồi theo dõi mấy ông Hải quan. Mấy ổng đi đâu, đi bằng gì, bao nghiêu người, đi về hướng nào,… em chỉ có việc nhá máy cho anh H (đàn em của T "đường" - PV) là xong nhiệm vụ".

Một cán bộ Hải quan kể thêm, khi thấy tình hình căng thẳng, bất lợi và rủi ro quá thì T "đường" chỉ đạo ngưng nhập, ngưng xuất theo kiểu chờ thời và "án binh bất động". Các "chủ hàng" luôn quan tâm đến những bộ chứng từ để hợp thức hóa hàng hóa nhập lậu của mình.

Chiêu phổ biến nhất hiện nay là bọn chúng dùng các hóa đơn thuế GTGT mua đường tịch thu bán đấu giá và các hóa đơn mua đường từ các Nhà máy đường trong nước. Chính vì vậy, nếu kiểm tra kho chứa hay xe hàng đang vận chuyển, "hàng" của chúng luôn hợp lệ.

Anh Nguyễn Đức Thắng - Đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan An Giang, người có thâm niên ngành Hải quan 30 năm với liên tục 17 năm làm nhiệm vụ chống buôn lậu, kể thêm, nếu như thời điểm căng thẳng của xăng dầu, bọn buôn lậu dùng cả bọc nilon để chứa để vận chuyển, nếu phát hiện chúng tôi thì sẵn sàng chọc, chích cho lủng bọc, xả bỏ hoặc phóng hỏa thì dân buôn lậu đường cát lại dùng chiêu độc hơn.

Bọn chúng sẵn sàng mở miệng bao xổ đường thẳng xuống nước. Còn chiếc ghe thì chúng nhận chìm, thậm chí đốt luôn là huề cả làng. Đó là chưa kể, khi phát hiện ra bóng dáng của lực lượng chống buôn lậu, có "cửu vạn" là phụ nữ sau khi trút hết đường xuống nước còn nằm vạ, la làng rằng mình bị đàn ông tấn công cho dân bu lại xì xầm chơi….

Trưa 24/4, giá đường trong nước đã tăng lên mức 7.900 đồng/kg trong khi đó đường Thái vẫn ổn ở mức thấp hơn cả 1.000 đồng/kg. Anh Nguyễn Đức Thắng sau khi nhẩm tính chuyện siêu lợi nhuận của "cá mập" sau khi trừ đi chi phí, bộc bạch: "Cứ giá đường trong nước tăng một đồng là anh em chúng tôi lại vất vả thêm".

Tôi thả mắt nhìn ra mặt sông Bình Di. Nắng vẫn gay gắt nhưng xem ra, cuộc chiến chống đường lậu "đổ bộ" còn gay gắt, cam go hơn…

Qua thực hiện quy chế phối hợp giữa Hải quan với Công an An Giang tại 3 khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, Khánh Bình và Tịnh Biên, đã có 18 vụ buôn lậu bị phát hiện, bắt giữ với tổng giá trị hàng hóa hơn 160 triệu đồng. Tuy nhiên, hàng bị thu giữ chủ yếu vẫn chỉ là xăng dầu, thuốc lá điếu, gạo, quần áo cũ, hàng bách hóa...

Hai ngành Hải quan và Công an vừa có Hội nghị để thống nhất thêm nhiều biện pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả hơn công tác phối hợp. Theo đó, công tác tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, không vi phạm pháp luật, không tiếp tay cho tội phạm… cũng sẽ được đặc biệt quan tâm.

Binh Huyền
.
.
.