Các “thượng đế” ở Việt Nam đang bị ngược đãi

Thứ Bảy, 15/03/2014, 15:48
Giá tăng vô tội vạ, người tiêu dùng bị móc túi, thực phẩm bẩn tuồn vào bữa cơm của từng gia đình, gieo rắc bệnh tật… là thực trạng mà hằng ngày người tiêu dùng Việt Nam đang phải chịu. Dù ngày 15/3 hằng năm được chọn là Ngày Quốc tế bảo vệ người tiêu dùng, nhưng xem ra, các “thượng đế” ở Việt Nam đang bị ngược đãi.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ. Có thể điểm danh hàng loạt vụ vi phạm nghiêm trọng được phát hiện như: vụ xăng pha aceton, vụ nước tương nhiễm chất 3-MCPD, vụ gian lận xăng dầu, hay gần đây nhất là việc phát hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, rồi vụ bún, phở nhiễm chất tynopal, tồn dư hóa chất thịt siêu nạc…

Số liệu từ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thống kê, vi phạm quyền của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chiếm 60%, trong đó khiếu nại liên quan đến an toàn mỹ phẩm, thực phẩm chiếm 20%, khiếu nại về thương mại điện tử chiếm hơn 30%. “Có những điều rất vô lý nhưng vì nó quá thường xuyên và phổ biến, công khai nên người ta coi nó là tất yếu, khiến cho người tiêu dùng đang tự đánh mất đi quyền lợi của mình, đang tự làm mình yếu đi”, ông Tuấn nhận xét.

Ngày 15/3/2014, Hội Quốc tế người tiêu dùng thế giới (CI) đưa ra chủ đề “Quyền của người tiêu dùng trong thời đại kỹ thuật số” và phát động phong trào với khẩu hiệu “Quyền điện thoại của chúng ta”, hướng tới việc bảo vệ người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ điện thoại di động, tăng cường yếu tố công bằng và bảo mật thông tin cá nhân cho người tiêu dùng. Nhân Ngày Quốc tế  bảo vệ người tiêu dùng năm nay, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lấy khẩu hiệu “Quyền được thông tin một cách đầy đủ và quyền được bảo mật thông tin cá nhân trong thời đại kỹ thuật số.”

Ở Việt Nam, câu chuyện 3 nhà mạng không cung cấp đầy đủ thông tin dịch vụ, không có hợp đồng chặt chẽ và minh bạch, quản lý thuê bao lỏng lẻo, nhà mạng lừa dối, tự ý cài đặt dịch vụ, xâm hại quyền bảo mật thông tin cá nhân và quyền lợi người tiêu dùng, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng, vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mới đây gây xôn xao dư luận. Thanh tra Bộ TT&TT đã chỉ ra các con số không nhỏ khi yêu cầu VinaPhone hoàn lại tiền cước sử dụng các tin nhắn lỗi, tin nhắn sai cú pháp, tin nhắn không được cung cấp dịch vụ với tổng số tiền gần 693 triệu đồng và MobiFone cũng phải hoàn lại gần 817 triệu đồng nhưng đến nay còn hơn 227 triệu đồng không thể hoàn lại vì khách hàng đã rời mạng.

Đáng chú ý, tình trạng tích hợp ứng dụng trên sim của các nhà mạng cho phép tải thông tin và tính phí nhưng không niêm yết rõ ràng, chính xác giá cước, không có thông tin cảnh báo về giá cước, không cho phép người sử dụng xác nhận đồng ý, không đồng ý tải dịch vụ với mức phí được đưa ra với hình thức này cả 3 nhà mạng đã thu về hàng trăm tỉ lợi nhuận từ khách hàng. 

Những con số trên cho thấy quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại nghiêm trọng. Luật pháp đã quy định: Người tiêu dùng có quyền khiếu nại và được đền bù thỏa đáng khi các quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm hại. Thực tế thì cũng đã có một số trường hợp được trả lại tiền nhưng con số này là quá ít. Đây là một bất cập, vì rõ ràng người thiệt hại trực tiếp là khách hàng, nhưng họ không được nhận lại tiền mà mình đã bị thiệt hại. Tất nhiên cũng phải tính đến đặc điểm của Việt Nam là do người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng nhỏ lẻ không có thói quen lấy hóa đơn, nên rất khó trong trường hợp đòi được tiền, cũng không thể trả lại

Thanh Hà
.
.
.