Các siêu thị nỗ lực kiềm giữ giá

Chủ Nhật, 14/10/2012, 10:39
Viện lý do giá xăng, giá gas đồng loạt tăng và ảnh hưởng mưa bão nên các nhà cung cấp đã đòi tăng giá một số mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, các nhà phân phối đang xem xét và đang nỗ lực kềm giá để ổn định thị trường…

Ông Nguyễn Thành Nhân – Giám đốc chuỗi Co.opmart (TP HCM) cho biết: “Cũng như các đơn vị bán lẻ khác, Co.opmart đã nhận được một số đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp. Các đề nghị tăng giá chủ yếu tập trung vào 3 ngành hàng gồm: hàng may mặc, hóa mỹ phẩm và đồ gia dụng. Tỉ lệ tăng được các nhà cung cấp đề nghị trung bình là từ 4 – 10%. Do vẫn còn một trữ lượng lớn các mặt hàng thiết yếu, Co.opmart đang xem xét các đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp một cách cẩn trọng.

Nếu các đề nghị tăng giá được đánh giá là không hợp lý thì đương nhiên sẽ không được Co.opmart chấp nhận. Nếu các đề nghị tăng giá được đánh giá là hợp lý thì Co.opmart sẽ tiếp tục xem xét đàm phán thuyết phục nhà cung cấp có chính sách cùng chia sẻ với người tiêu dùng (NTD), đồng thời áp dụng tăng giá theo lộ trình, nhằm đảm bảo luôn bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu theo chủ trương của thành phố. Hiện, các đề nghị tăng giá chưa được Co.opmart áp dụng. Riêng các nhóm hàng tham gia bình ổn trên hệ thống Co.opmart cam kết ổn định giá và giá rẻ hơn thị trường từ 5 đến 10% so với mặt hàng cùng chủng loại”.

Còn với hệ thống siêu thị Big C, bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại cho biết: “Tình hình kinh tế hiện nay đã có những ảnh hưởng nhất định lên sức mua của khách hàng và lưu thông hàng hóa. Trong vai trò của một nhà phân phối bán lẻ chủ chốt trên thị trường, hệ thống siêu thị Big C Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng sức mua của NTD”.

Trước các yêu cầu đề nghị tăng giá từ nhà cung cấp, bà Trang cũng cho biết, Big C áp dụng chính sách thương lượng điều chỉnh giá với các nhà cung cấp của mình như sau: Từ chối đề xuất điều chỉnh giá của các nhà cung cấp, thảo luận với các nhà cung cấp về những khó khăn và các giải pháp cần được triển khai giữa Big C và nhà cung cấp để tránh tăng giá (ví dụ như: tăng lượng hàng đặt, cam kết lâu dài hơn…); thương lượng mức độ điều chỉnh thấp nhất có thể; hủy bỏ những mặt hàng điều chỉnh giá cao, không có lý do chính đáng, đồng thời tìm những mặt hàng thay thế hoặc các nhà cung cấp mới có hàng hóa tương đương với giá cạnh tranh hơn… Đồng thời, tăng cường trữ hàng giá thấp. Hiện, Big C đang triển khai chương trình hỗ trợ nhà sản xuất đẩy mạnh lưu thông hàng Việt.

Chính vì những nỗ lực kềm giá của các nhà bán lẻ, phân phối, nên mặc dù hiện nay giá rất nhiều mặt hàng ngoài thị trường tăng rất cao. Tăng mạnh nhất là mặt hàng rau củ quả (tăng từ 50 - 400%) nhưng những mặt hàng này trong một số siêu thị: Big C, Co.opmart, Maximart… đang rất ổn định, thu hút phần lớn NTD đến mua hàng

T.H.
.
.
.