Các hãng ôtô trong nước đua nhau đòi hỗ trợ

Thứ Ba, 28/04/2015, 07:57
Chiều 27/4, cuộc tọa đàm đối thoại chính sách phát triển ngành ôtô Việt Nam đã diễn ra trong sự trông đợi của nhiều người, khi những chính sách liên quan đến phát triển ngành này đặc biệt được chú ý trong thời gian gần đây, nhất là liên quan đến hàng loạt kiến nghị ưu đãi của “ông lớn” Toyota.

Không hỗ trợ 50% chênh lệch chi phí sản xuất trong nước cho Toyota

Cuộc tọa đàm được coi là một trong những bước chuẩn bị cuối cùng để Bộ Công thương cùng các bộ, ngành liên quan dự thảo Quyết định của Thủ tướng về thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2025 với những chính sách ưu đãi cụ thể cho phát triển sản xuất ôtô trong nước. Một thông tin rất đáng chú ý về việc Toyota Việt Nam xin các chính sách ưu đãi.

Theo đó, DN này đưa ra 2 viễn cảnh. Thứ nhất là Toyota sẽ cân nhắc xây dựng thêm một nhà máy công suất 100.000 xe sau 2025, tăng tỷ lệ nội địa hoá, đưa vào nhiều mẫu xe mới hơn, với điều kiện Chính phủ Việt Nam thay đổi giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho xe lắp ráp trong nước (CKD) từ giá bán sang tính theo giá xuất xưởng; thứ hai là giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện CKD từ Nhật Bản từ mức 15-25% theo chính sách thuế MFN (theo cam kết WTO) hiện nay xuống 0%; thứ 3 là giảm thuế TTĐB và thứ 4 là Chính phủ hỗ trợ 50% mức chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe trong nước và xe nhập khẩu.

Ngành sản xuất ôtô trong nước sau 20 năm phát triển mới chỉ dừng lại ở lắp ráp.

Hiện nay, nhiều thông tin cho rằng, chi phí sản xuất xe trong nước đang cao hơn xe nhập khẩu 20%. Toyota kiến nghị thời gian hỗ trợ phải kéo dài 10 năm. Nếu không có ưu đãi này, Toyota sẽ rất khó cạnh tranh sau 2018  khi thuế nhập khẩu xe từ các nước ASEAN về 0%, do đó họ sẽ giảm sản lượng từ 40.000 xe hiện nay xuống chỉ còn 13.000 xe/năm đến 2020, tỷ lệ nội địa hoá sẽ không tăng. Đến năm 2025, mọi hoạt động sẽ về số 0.

Liên quan đến những thông tin này, trao đổi nhanh với PV Báo CAND bên lề cuộc toạ đàm, một quan chức Bộ Công Thương xác nhận những thông tin đề xuất ưu đãi nêu trên, và cho biết các đề xuất liên quan đến thuế là cơ chế chung, chỉ có việc đề nghị Chính phủ hỗ trợ 50% chênh lệch chi phí sản xuất là đề xuất riêng của Toyota.

Cũng theo vị này, đây là hỗ trợ riêng cho DN, chứ không được phản ánh vào giá bán xe đến tay khách hàng. Tuy vậy, nhiều khả năng đề xuất này sẽ không được chấp thuận với 3 lý do: các cam kết WTO không cho phép chúng ta hỗ trợ DN sản xuất trong nước bằng tiền, thứ 2 là ngân sách hiện nay khó khăn, không có nguồn nào để chi cho khoản trên và thứ 3 là con số chi phí sản xuất chênh 20% cũng là con số chưa được kiểm chứng xác thực. Liên quan đến việc rời bỏ thị trường của ông lớn này, đại diện nhiều DN sản xuất trong nước và cả cơ quan chức năng đều cho rằng không đời nào DN rời bỏ một thị trường tiềm năng 90 triệu dân như Việt Nam.

Khó vì chính sách có mà không chịu thực hiện

Khẳng định thị trường 90 triệu dân của Việt Nam là nhiều hứa hẹn cho việc phát triển công nghiệp ôtô, cũng như các chính sách của Chính phủ đã cho thấy định hướng và quyết tâm xây dựng CN này, nhưng các DN đều cho rằng phải có chính sách hỗ trợ phù hợp, cụ thể là giảm thuế đối với xe CKD, và thay đổi cách tính thuế TTĐB.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco Trường Hải cho biết “bí quyết” để DN này lớn mạnh từ một người buôn ôtô cũ là xe CKD. “Thị trường ôtô Việt Nam 20 năm vừa rồi là thị trường của xe CKD, DN nào làm tốt đang chiếm lĩnh được thị trường như Toyota, Thaco”. Cũng theo ông Dương, đến 2018, DN sản xuất trong nước muốn cạnh tranh được phải giảm giá 20% ở tất cả các khâu, do đó phải có một mức thuế suất phù hợp với xe CKD để các DN sản xuất trong nước có thể duy trì sản xuất qua được thời điểm 2018. Đây cũng là kiến nghị của nhiều DN khác. Tuy nhiên, ngoài vấn đề chính sách cụ thể thì cách thực hiện chính sách cũng là điểm khiến các DN bức xúc.

Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki dẫn ví dụ chính DN mình: bỏ lĩnh vực lắp ráp vốn ngon ăn để đầu tư sản xuất một chiếc xe “Made in Việt Nam” đúng nghĩa (tỷ lệ nội địa hoá gần 50%), làm đề án công nghệ cao, đầu tư phát triển phụ tùng ôtô... tất cả đều nằm trong quy định ưu đãi của Chính phủ, nhưng thực tế DN không được hưởng một chút ưu đãi gì. Ông Huyên cũng dẫn một ví dụ “nực cười” là đầu tháng 2 vừa qua, Hiệp hội Cơ khí và Vụ Chính sách thuế của Bộ Tài chính có đến DN ông để tham khảo chính sách thuế đối xe tải nặng, trong khi thực tế chính sách này đã được áp dụng từ đầu tháng 1, tức là “tham khảo DN cho vui”, khi sự đã rồi.

“DN Việt Nam hiện nay ít nhất lắp được 13 quả lốp trị giá 120 triệu, làm được thùng xe với giá 140 triệu, nay giảm thuế nhập xe nguyên chiếc rồi thì coi như tạo việc làm cho Trung Quốc”. Tâm sự này của DN được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, thừa nhận “quả thật có có lý do chính sách khi triển khai không đáp ứng được nhu cầu của DN”.

V. Hân
.
.
.