Các hãng hàng không đều lỗ, trừ Vietnam Airlines

Thứ Bảy, 06/12/2008, 11:00
Jetstar Pacific đề nghị bán bớt cổ phần cho Qantas để giảm bớt khó khăn, Indochina khởi động đường bay trong bối cảnh miễn phí vé vẫn ít khách tham gia, Vietjet Air chưa chọn được thời điểm cất cánh. Chỉ có ông lớn Vietnam Airlines hỉ hả tuyên bố lãi lớn.

Đầu năm, giá nhiên liệu hàng không lần lượt phá các mức kỷ lục và lên mức cao chót với 140 đôla một thùng. Hàng loạt hãng hàng không thế giới phá sản, cắt giảm nhân lực, giảm chi phí, ngừng mở đường bay hoặc sáp nhập để tồn tại.

Trong nước, hồi tháng 6 Vietnam Airlines công bố số lỗ nửa đầu năm lên tới 5 triệu đôla Mỹ. Dù doanh thu quý đầu tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng việc chi tiêu nhiều hơn khiến hãng này thua lỗ. Chi phí giá dầu tăng vượt dự kiến ban đầu 38%. Hãng dự kiến mở đường bay trực tiếp tới Mỹ cuối năm nay, nhưng đã phải hoãn lại vì nhiều lý do.

Hồi tháng 7, hãng hàng không tư nhân Vietjet Air cũng phải hoãn kế hoạch bay tới tháng 4/2009 thay vì tháng 12/2008 như dự kiến ban đầu. Tổng giám đốc Nguyễn Đức Tâm than thở: "Với giá nhiên liệu quá cao như hiện nay nếu cứ tiếp tục kế hoạch bay sẽ khiến hãng rơi vào tình trạng lỗ nặng".

Để tiết kiệm chi phí, hãng hoãn việc ký hợp đồng thuê hai máy bay Boeing 737-700 của Công ty GECAS. Lẽ ra hai chiếc máy bay này được giao trong tháng 11/2008 cho kịp kế hoạch khai trương.

Tuần trước, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific công bố: Lỗ trong 6 tháng đầu năm 10,7 triệu đôla. Đến tháng 10, con số này vào khoảng 22 triệu đôla, nâng tổng số lỗ lũy kế của công ty đến giờ lên gần 55 triệu đôla. Bên cạnh nguyên nhân giá nhiên liệu, JPA còn gặp khó khăn bởi công tác dự báo, đánh giá thị trường chưa chính xác và cơ chế chính sách, môi trường đầu tư không thuận lợi.

Bước sang tháng 10, thị trường nhiên liệu thế giới hạ nhiệt đã cứu nhiều hãng hàng không thoát khỏi nguy cơ phá sản nhưng chưa hết lỗ. JPA vẫn tiếp tục lỗ khoảng 2 triệu USD mỗi tháng, Vietjet Air chưa dám khẳng định sẽ bay đúng tiến độ tháng 4/2009. Còn Indochina bắt đầu cất cánh từ ngày 25/11 cũng rơi vào cảnh bay mà không có doanh thu vì hầu hết vé bán ra đều là miễn phí.

Chỉ riêng ông lớn Vietnam Airlines tuyên bố không những không lỗ mà còn lãi to. Tuy nhiên Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh từ chối tiết lộ con số cụ thể. Còn giới chuyên gia, dù chúc mừng Vietnam Airlines ăn nên làm ra trong bối cảnh cả thế giới gặp khó, nhưng vẫn thận trọng mà rằng: Lỗ hay lãi, phải chờ kết quả của cơ quan kiểm toán.

Ông Minh cho biết nhờ chính sách tiết giảm chi tiêu, chỉ trong hai tháng 9 và 10, hãng đã tăng thu 1.000 tỷ đồng để bù đắp cho chi phí giá xăng đội lên 2.200 tỷ đồng. Riêng phần nhiên liệu, cả năm Vietnam Airlines tiết kiệm được 25.000 tấn, tương đương 25 triệu USD.

Theo ông, khủng hoảng kinh tế là thử thách lớn đối với hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không, không chỉ ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tốt để mua hàng hóa, dịch vụ. Hiện nay Vietnam Airlines có nhiều quyền hơn trong việc quyết định mua sắm, đổi mới đội bay.

Các chuyên gia nhìn nhận, nếu quả thực Vietnam Airlines kinh doanh có lãi thì áp lực cho ngân khố quốc gia sẽ giảm nhiều, Chính phủ có điều kiện để hỗ trợ cho các hãng hàng không khác

Theo VnExpresss
.
.
.