Cả ngân hàng và DN phải cùng vào cuộc để xử lý nợ xấu

Thứ Ba, 11/06/2013, 11:38
Theo Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ vừa mới ký Quyết định ban hành, các khoản nợ được tập trung xử lý là nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam (TCTD), bao gồm nợ xấu cấp tín dụng, nợ xấu mua trái phiếu doanh nghiệp (DN) và nợ xấu ủy thác cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp (DN).

Tập trung xử lý nợ xấu của các TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên 3% tổng dư nợ và nợ xấu có tài sản bảo đảm, trong đó ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản.

Về giải pháp xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trở lại trong tương lai, Đề án giao các TCTD phải chủ động triển khai 10 giải pháp.

Thứ nhất, phải đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ, để có biện pháp xử lý thích hợp.

Thứ 2, tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.

Thứ 3, tiếp tục cơ cấu lại nợ như giãn thời gian trả nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và xem xét miễn, giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có triển vọng tốt sau cơ cấu lại nợ để khách hàng giảm bớt khó khăn tài chính tạm thời và nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo nguồn thu mới trả nợ TCTD.

Thứ 4, tiếp tục hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi.

Thứ 5, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm.

Thứ 6, thu nợ và xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản, công ty mua bán nợ và các tổ chức, cá nhân khác.

Thứ 7, hoán đổi nợ thành vốn, chuyển nợ xấu thành vốn góp, cổ phần của DN có nợ tại TCTD, đồng thời tham gia cơ cấu lại DN.

Thứ 8, bán nợ xấu cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) thuộc Bộ Tài chính. Ngân hàng thương mại nhà nước bán cho DATC các khoản nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để xử lý trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại DNNN. TCTD tích cực triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu của các DNNN theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ 9, kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động. Và cuối cùng là hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai bằng cách nâng cao năng lực quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ; phát triển hệ thống quản trị rủi ro và các chiến lược kinh doanh, chính sách, quy trình, thủ tục cấp tín dụng theo hướng lành mạnh, thận trọng; thường xuyên quan tâm phát triển và quản lý có hiệu quả đội ngũ cán bộ ngân hàng, đặc biệt là cải thiện năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng và nâng cao trình độ chuyên môn, tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng.

Tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của TCTD; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo giữa các TCTD và vấn đề lợi ích nhóm trong TCTD; tăng tính đại chúng của các TCTD, tăng số lượng và đa dạng hóa cổ đông, thành viên tham gia góp vốn của TCTD.

Riêng đối với khách hàng vay của các TCTD, phải tự củng cố, chấn chỉnh hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, tăng cường ứng dụng công nghệ và khả năng cạnh tranh; chủ động, tích cực phối hợp với tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai các phương án cơ cấu lại nợ, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh; chủ động phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu; tham gia tích cực vào các chương trình, giải pháp hỗ trợ DN do Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương triển khai. Bên cạnh đó, các DN cần chú trọng thay thế các yếu tố đầu vào nhập khẩu bằng các nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, tăng cường sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước.

Đối với các DNNN, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước tích cực, chủ động đề xuất và triển khai phương án tái cơ cấu theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”, trong đó tập trung lành mạnh hóa tài chính và xử lý nợ xấu

Lệ Thúy
.
.
.