Cá lồng bè liên tục chết không rõ nguyên nhân

Thứ Sáu, 17/07/2020, 16:43
Thời gian qua, cá lồng bè nuôi ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 (xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) liên tục chết nổi trắng hồ không rõ nguyên nhân khiến người nuôi cá hoang mang lo lắng trước nguy cơ tay trắng.

Vụ cá lần này gia đình ông Trần Thanh Tuấn (45 tuổi, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My) bỏ ra số vốn gần 500 triệu đồng để mua cá giống thả nuôi ở 40 lồng bè tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Cá gia đình ông Tuấn nuôi gồm các loại cá diêu hồng, phi, leo, lăng, cá lóc…với hi vọng sau khi xuất ra thị trường sẽ thu lại một khoảng lợi nhuận kha khá phát triển kinh tế gia đình.

Tuy nhiên, thời gian qua, cá vừa đến giai đoạn xuất bán nhưng chưa kịp thu hoạch thì bỗng nhiên chết hàng loạt. Hiện nay, trung bình sau mỗi đêm gia đình ông Tuấn phải vớt và tiêu hủy hơn 1 tạ cá chết gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.

“Trung bình 1 lồng nuôi diện tích 36m² gia đình tôi thả 10 nghìn con giống. Tính đến nay 1/4 lượng cá trong hồ của gia đình tôi đã chết chưa rõ nguyên nhân. Mong các ngành chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, tìm ra nguyên nhân cá chết để người dân hạn chế thiệt hại cho người dân”, ông Tuấn nói.

Cũng giống như gia đình ông Tuấn, gia đình ông Trần Văn Mạo (50 tuổi, trú xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My) cũng nuôi 40 lồng cá lồng bè ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 các loại cá như: cá lăng, diêu hồng, rô phi, ếch, cá chình…Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến nay, cá nuôi lồng bè của gia đình ông Mạo cũng liên tục chết chưa rõ nguyên nhân.

Dù ông Mạo đã dùng một số loại thuốc trộn vào thức ăn để cá ăn tránh bệnh nhưng không hiệu quả. Đến nay tình trạng cá chết chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong đó ếch và cá diêu hồng có số lượng chết nhiều nhất. Hiện nay, mỗi ngày gia đình ông Mạo đều phải tiến hành vớt và tiêu hủy cả tạ cá chết để không gây ô nhiễm môi trường. Cá chết gây thiệt hại về kinh tế nên gia đình ông rất lo lắng.

Từ cuối tháng 6 đến nay, cá nuôi lồng bè liên tục chết khiến các hộ nuôi cá lo lắng.

“Tôi nuôi cá ở hồ thủy điện Sông Tranh đã nhiều năm. Các năm trước trong các lồng bè cũng có xuất hiện tình trạng cá chết nhưng chỉ một tuần là đã dừng lại. Năm nay cá chết số lượng lớn. Cứ trung bình sau một đêm 40 lồng bè của tôi có khoảng hơn 50 kg cá bị chết nổi trắng hồ. Cá nuôi trong lồng bè trước khi chết có những triệu chứng như nổ mắt, trắng đuôi. Đến nay, hơn 1 tấn cá của gia đình tôi đã bị chết nên chắc không đủ thu lại tiền cá giống”, ông Mạo cho hay.

Ông Mạo cho biết thêm, một số loại cá mới chết ông có thể tận dụng làm thức ăn cho cá lăng, tuy nhiên với số lượng cá chết nhiều như hiện nay thì cần phải tiêu hủy để tránh gây ô nhiễm môi trường nước. Không chỉ cá nuôi trong lồng bè bị chết mà một số loài cá khác như rô phi, cá chép ở bên ngoài lồng bè cũng bị chết và trôi dạt vào bờ.Không những lồng cá của ông Mạo, ông Tuấn mà hầu hết các hộ dân nuôi cá lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 cũng gặp tình trạng cá chết nổi trắng lồng bè. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My, cho biết vấn đề cá chết lặp đi lặp lại những mùa nắng nóng. Do sáng, trưa nắng, chiều nắng lại có mưa giông nên làm thay đổi nhiệt độ trong nước và ngoài nước. Thứ hai nữa, lượng nước trên núi phù sa xuống làm độ PH trong nước giảm xuống và làm thiếu ô xy. Cho nên việc cá chết rải rác xảy ra.

“Ngành nông nghiệp đã báo cáo với Chi cục thủy sản để ngày 17/7 sẽ lên lấy mẫu và họ sẽ trả lời bằng văn bản. Năm nay cá chết rơi vào chủ yếu là cá diêu hồng và ếch”, ông Thiệu cho hay.

Hà Vy
.
.
.