Cả chục tấn ngà voi… chờ xử lý

Thứ Sáu, 08/08/2014, 09:01
Theo thống kê, từ 2011 đến nay, lực lượng Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ 29 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa với tang vật là các loại động, thực vật và sản phẩm nằm trong Danh mục cấm buôn bán hoặc buôn bán, vận chuyển phải có giấy phép theo Công ước CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp). Trong đó, có 10 vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng ngà voi, với tổng trọng lượng gần 10 tấn ngà voi… Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan chức năng chưa có phương án xử lí hiệu quả số tang vật này.

Ngà voi mammuth (xuất xừ từ châu Phi) nằm trong Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc quản lý của Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp) ban hành kèm theo Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT ngày 5/9/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa đã nêu khi nhập khẩu. Việc buôn bán, vận chuyển qua biên giới các mặt hàng thuộc danh mục này phải có giấy phép của cơ quan quản lí CITES nước xuất khẩu cấp, có giấy phép đồng ý nhập khẩu của cơ quan quản lí CITES nước nhập khẩu. Liên quan đến xử lí tang vật vi phạm Công ước CITES, hiện cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc xử lý mặt hàng ngà voi.

Cụ thể, theo các chuyên gia, ngà voi là tang vật trong các vụ buôn lậu thường được xử lí theo 3 phương án: trả lại nước xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu theo quy định của Công ước CITES; chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục, môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lí chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản và tiêu hủy trong trường hợp vật mang bệnh hoặc không xử lí được theo hai hình thức trên.

Tuy nhiên, theo lực lượng Hải quan, việc xử lí theo phương án thứ nhất không thực hiện được vì trước khi hàng về đến Việt Nam, các chủ hàng đều đưa lô hàng di chuyển theo một lộ trình phức tạp qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm xóa dấu vết hòng qua mắt cơ quan chức năng nên không xác định được nước xuất khẩu. Việc phục vụ nghiên cứu, trưng bày chỉ cần số lượng ít, các cơ sở đáp ứng điều kiện nghiên cứu, trưng bày ở Việt Nam còn hạn chế, trong khi cơ quan chức năng đang thu giữ số lượng lớn tang vật này. Mặt khác, việc tiêu hủy hàng tấn ngà voi trị giá hàng triệu USD sẽ gây lãng phí lớn.

Theo cơ quan Hải quan, khi giám định sản phẩm thuộc nhóm 1, Công ước Cites mất rất nhiều thời gian, chi phí giám định lớn (từ 20-40 triệu đồng). Trong khi đó, việc giám định phải dùng kinh phí của đơn vị, không có kinh phí riêng cho việc này. Về xử lý tang vật, cơ quan chức năng hiện không định giá được sản phẩm hoang dã do đây là mặt hàng cấm nhập khẩu, buôn bán, lưu thông trên thị trường nên rất khó xác định được trị giá tang vật vi phạm làm cơ sở đưa ra mức định tội cụ thể. Bên cạnh đó, hiện nay, chưa có nơi bảo quản chuyên biệt nên việc bảo quản tang vật này gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, chưa có quy định cụ thể khi bàn giao tang vật vi phạm cho các cơ quan chức năng

Đăng Hùng
.
.
.