CQ chức năng lúng túng vì hàng loạt cây xăng đóng cửa vì... lỗ

Thứ Năm, 27/09/2012, 14:22
Từ đầu tháng 9/2012, lác đác một số cây xăng ven QL18 (từ Cẩm Phả ra đến Móng Cái, Quảng Ninh) bất ngờ treo biển: "Cửa hàng tạm nghỉ" song không nêu rõ lý do. Cho tới thời điểm này, số cửa hàng treo biển "nghỉ" đã lên đến vài chục dọc khắp địa bàn Cẩm Phả, Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà và Móng Cái... Vì sao có hiện tượng trên?
>> Cây xăng ngưng bán: Vẫn chưa thể xác định ai "găm" hàng

Qua tìm hiểu được biết, trước đây là hiện tượng cá biệt, khác với hiện tượng “đóng cửa tạm nghỉ” của hàng loạt điểm bán trong cả nước thường xảy ra trước mỗi đợt chuẩn bị điều chỉnh giá xăng dầu. Việc nghỉ bán ở Quảng Ninh hầu như không liên quan, không có dấu hiệu găm hàng chờ tăng giá. Thứ hai, hiện tượng nghỉ bán chỉ xảy ra tại các điểm bán ven trục QL18 và chỉ có ở khu vực các huyện miền Đông, gần với biên giới Trung Quốc. Trong khi khu vực Miền Tây (từ TP Hạ Long về đến Đông Triều) mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Thứ ba, vượt qua những e dè "cảnh giác", cuối cùng các doanh nghiệp sở hữu các cây xăng tạm nghỉ cũng đã giải thích với PV về lý do rất khó tin: "Lỗ thì phải nghỉ để cắt lỗ".

Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phạm Lý ở xã Quảng Long, huyện Hải Hà cho biết, do thua lỗ nên khối kinh doanh xăng dầu khu vực miền Đông đã treo biển nghỉ bán gần cả tháng nay. Đáng nói, biểu hiện lỗ đã được nhìn thấy trước từ tháng 5/2012, là thời điểm công ty đầu mối cấp hàng giảm dần mức hoa hồng, chiết khấu trả cho đại lý từ 200-250 đồng/lít xăng xuống còn 100 đồng/lít.

Theo ông này, mức trả trên quá thấp, không đủ trang trải chi phí, hao hụt, lương nhân viên, khấu hao thiết bị, phương tiện. Với việc chi trả chiết khấu như vậy, nhiều đại lý ở các huyện Tiên Yên, Đầm Hà than đã bị lỗ tới 100-120đ/lít và 15-20 tỷ đồng/tổng lượng bán ra mỗi tháng, nếu bán tiếp chắc chắn phải phá sản. Điều đáng ngạc nhiên khác là các điểm kinh doanh dừng bán xăng, nhưng lại vẫn tiếp tục bán dầu diesel.

Cũng ở Đầm Hà, Giám đốc một công ty sở hữu 3 cây xăng ở huyện này đưa ra so sánh: cùng bán lẻ xăng dầu nhưng khu vực miền Đông được chiết khấu cao gần gấp đôi so với họ. Thậm chí tại các tỉnh khác, chiết khấu cho mỗi lít xăng cũng từ 500-600đ. Ở mức này, sau khi trừ chi phí thì doanh nghiệp bán lẻ cũng chỉ lãi từ 70-100đ/lít.

Điểm đáng chú ý, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khu vực miền Tây đều có cùng một nguồn cung cấp hàng từ doanh nghiệp đầu mối xăng dầu - Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ du lịch Cẩm Phả. Công ty này cho rằng việc điều chỉnh tỷ lệ, giá chiết khấu, chi phí hoa hồng tính trên mỗi lít xăng dầu đều theo quy định chung của ngành, được tính toán chặt chẽ, bảo đảm doanh thu lãi đối với doanh nghiệp bán lẻ.

Trước những diễn biến khác thường này, UBND tỉnh Quảng Ninh đang ráo riết chỉ đạo Sở Công thương của tỉnh tiến hành khảo sát, kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, chấn chỉnh, khắc phục. Tuy nhiên, cho đến nay cũng chưa có kiến giải nào từ ngành này bởi việc nghỉ bán không nằm trong nhóm găm hàng, chờ tăng giá mà do sự tính toán lỗ lãi của bên bán và mua nên không dễ can thiệp.

Như vậy, đến nay, sau cả tháng xảy ra hiện tượng trên, vẫn chưa thể xác định rõ cách tính bên phân phối hay bán lẻ ai đúng hơn ai? Lãi thật hay lỗ giả? Doanh nghiệp đầu mối bắt chẹt hay nhà bán lẻ phá bĩnh và ngành chức năng thì vẫn lúng túng chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu.

Đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Ninh cần áp dụng những biện pháp cần thiết, khả thi hơn để đưa hoạt động bán lẻ xăng dầu trở lại ổn định

Lê Minh Triết
.
.
.