CPI giảm, một gam màu sáng cho nền kinh tế

Thứ Sáu, 28/11/2014, 12:48
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước bất ngờ giảm 0,27% sau 7 tháng tăng, đi ngược với xu hướng tăng giá và tăng sức mua hàng hóa vào cuối năm. Đây là điều ít gặp trong 10 năm trở lại đây. PV Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – Bộ KH&ĐT xung quanh vấn đề này.

PV: CPI tháng 11 giảm 0,27 % là một bất ngờ lớn trong 10 năm trở lại đây, do vậy có nhiều ý kiến cho rằng CPI cả nước năm 2014 sẽ thấp hơn mục tiêu kế hoạch kiểm soát lạm phát được Quốc hội đề ra. Vậy, ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Đây là tháng thứ 2 trong năm 2014, CPI cả nước giảm. Vào tháng 3 năm nay, CPI cả nước đã giảm 0,44%. Một trong những nguyên nhân khiến CPI tháng 11/2014 giảm so với tháng trước là do giá xăng dầu trong nước liên tục giảm. Trong mức giảm chung 0,27% của CPI tháng 11, nhóm giao thông giảm mạnh (2,75%), đóng góp 0,24% vào mức giảm chung. Trong vòng 10 năm qua, đây là lần thứ hai chỉ số CPI của tháng 11 giảm. Chỉ số CPI tháng 11 năm nay so với tháng 12 năm ngoái tăng 2,08%, Tổng cục Thống kê dự báo cả năm 2014 chỉ số CPI sẽ dưới 3%, thấp hơn rất nhiều mục tiêu Quốc hội đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 giảm, lạm phát cả năm thấp là tín hiệu tốt của nền kinh tế; giá tăng không cao là một yếu tố làm cho nền kinh tế vĩ mô ổn định.

Ông Nguyễn Bích Lâm.

Có một số nguyên nhân dẫn tới lạm phát năm 2014 ở mức thấp, trong đó có nguyên nhân nổi bật đó là sự quản lý, điều hành linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Với mục tiêu của năm 2014 là kiểm soát lạm phát thể hiện tính chủ động trong thực thi chính sách tiền tệ và tài khóa của Chính phủ. Lạm phát thấp là một yếu tố giúp cho giá trị Việt Nam đồng được ổn định, đời sống của người dân không bị suy giảm, góp phần thực hiện mục tiêu của Luật Ngân hàng là từng bước nâng cao giá trị của đồng nội tệ.

PV: Mục tiêu CPI hoàn thành, nhưng có ý kiến cho rằng nó là biểu hiện của sức mua giảm, tồn kho tăng, tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, ông có ý kiến gì về nhận xét này?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Có nhiều nguyên nhân gây ra lạm phát như: nguyên nhân về tiền tệ; cung không đủ cầu; chế độ tỷ giá; do cơ cấu của nền kinh tế; do kỳ vọng lạm phát, v.v. Ý kiến cho rằng sức mua yếu dẫn tới lạm phát thấp là không chính xác. Nếu nhìn vào số liệu về Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 11 tháng của năm 2014 so với 11 tháng của các năm trước (sau khi đã loại trừ yếu tố biến động giá) thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội vẫn cao hơn: 11 tháng năm 2014 tăng 6,51%, trong khi đó chỉ tiêu này của các năm 2011 tăng 4,1%, năm 2012 tăng 6,3% và năm 2013 tăng 5,5%, như vậy nhu cầu tiêu dùng trong 11 tháng của năm nay ở mức cao hơn các năm trước nhưng chỉ số CPI lại thấp hơn nhiều trong vòng 10 năm qua. Vì vậy lạm phát thấp không phải nguyên nhân chủ yếu do sức mua giảm.

PV: Tuy nhiên, trên thực tế, loại trừ yếu tố giá giảm do giá xăng dầu, còn sức mua thực tế không tăng?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Sức mua của nền kinh tế trong năm 2014 so với 3 năm gần đây không giảm, tuy vậy có thực tế trong thời gian qua người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm và hiệu quả hơn, họ tập trung vào chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Sức mua của người dân phụ thuộc vào thu nhập của họ, chính sách của Chính phủ là làm sao tạo việc làm, tạo thu nhập ổn định và ngày càng cao sẽ làm tăng tổng cầu của nền kinh tế và kích thích tăng trưởng.

PV: Thông thường cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, và chỉ số CPI đều tăng, nhưng đây lại giảm? Chuyên gia nói rằng CPI giảm đáng lo hơn đáng mừng, vậy ý kiến của ông như thế nào?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 năm nay giảm 0,27% và ước tính cả năm lạm phát dưới 3% là tín hiệu tốt của nền kinh tế, điều này được thể hiện trên một số khía cạnh: Thu nhập của người dân không bị ảnh hưởng bởi yếu tố lạm phát; cộng đồng doanh nghiệp không lo ngại về tính không đoán định được của yếu tố giá cả; Chính phủ có dư địa để thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa để có mức tăng trưởng hợp lý và bền vững; đồng tiền của nước ta có giá trị hơn. Đây là các dấu hiệu tốt, tại sao lại đáng lo ngại? Một số ý kiến cho rằng lạm phát ở mức cao vừa phải sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế, điều này không có cơ sở về lý thuyết và thực tiễn kinh tế. Số liệu về nền kinh tế Mỹ cho thấy chỉ số CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng GDP quý II/2014 tăng 4,6% và GDP quý III/2014 tăng 3,9% - Mức tăng trưởng rất ấn tượng. Tôi cho rằng, với tăng tưởng kinh tế năm nay và lạm phát như vậy là tín hiệu tốt.

PV: Theo ông, tháng 12 CPI sẽ diễn biến thế nào?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Chúng tôi dự báo CPI tháng 12 tăng 0,5% - 0,8% so với tháng 11 và lạm phát cả năm ở mức dưới 3%, bình quân CPI năm 2014 so với năm 2013 tăng khoảng 4%.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)
.
.
.