CNTT - Viễn thông: Vươn ra xuất khẩu, thu ngoại tệ cho đất nước

Thứ Bảy, 04/12/2010, 11:07
Viễn thông từ xa xỉ tới bình dân; ngành công nghệ thông tin từ chỗ hết sức èo uột đã đạt mức tăng trưởng trung bình 20-25%, gấp 3 lần tăng trưởng bình quân GDP cả nước; với 28,7% dân số sử dụng internet, Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới... 

Đó là những con số khả quan sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa"...

10 năm, ngành CNTT - viễn thông ở Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế của mình trong khu vực và thế giới. Theo kết quả xếp hạng của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), nếu năm 2002, Việt Nam xếp ở vị trí 107/159 thì tới năm 2010 đã vươn lên vị trí 86/159. Tuy vậy, khoảng cách giữa các vùng miền vẫn còn lớn, đầu tư cho CNTT so với GDP của Việt Nam còn thấp (chưa tới 1%) trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... đều trên 4%.

Xác định phát triển CNTT là con đường ngắn nhất để rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, ngày 22-9-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT, truyền thông". Mục tiêu của đề án là tới năm 2020, Việt Nam nằm trong số 10 nước dẫn đầu thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số; phủ sóng di động tới 95% dân cư, nằm trong top 55 nước dẫn đầu của ITU, 50-60% số hộ gia đình có máy tính và truy cập internet băng rộng... Để Việt Nam đạt được trình độ châu lục cần phải có những tập đoàn đủ mạnh mang tầm cỡ quốc tế. Muốn vậy, tới năm 2020, một số doanh nghiệp mạnh của Việt  Nam như VNPT, Viettel, VTC, FPT, CMC... phải đạt tổng doanh thu trên 15 tỉ USD.

Các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam cũng đã sẵn sàng cho mục tiêu chinh phục thế giới. Theo ông Nghiêm Phú Hoàn - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, để xây dựng thương hiệu VNPT mang tầm quốc tế, tập đoàn sẽ thực hiện 12 dự án với tổng kinh phí lên tới 62.510 tỉ đồng (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ chỉ có 260 tỉ). Riêng kinh phí để phóng vệ tinh VINASAT 2 là 6 nghìn tỉ, đầu tư cho mạng VinaPhone, MobiFone là 30 nghìn tỉ, kinh phí cho việc mở rộng mạng băng rộng 3G, 4G cũng lên tới 14 nghìn tỉ...

Điện thoại di động đã phủ sóng ở nhiều vùng sâu, vùng xa, giảm dần khoảng cách giữa các vùng miền.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Viettel lại khẳng định: "Khát vọng của Viettel là hướng tới thị trường 500 triệu dân vào năm 2015 với doanh số 10 tỉ USD và hướng tới thị trường 1 tỉ dân vào năm 2020”. Ông Nguyễn Trung Chính - Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ CMC thì lại cho rằng: "Mục tiêu của CMC là tới năm 2015 đạt doanh số 1 tỉ USD, doanh số phát triển phần mềm đạt 200 triệu USD. Thế mạnh của CMC là sản xuất máy tính, bởi vậy CMC sẽ khởi động chương trình "1 triệu máy tính giá rẻ" với giá 200USD".

Đã định hình được con đường đi ra biển lớn, song cuộc chiến giành vị thế ở khu vực, vươn xa ở thế giới là không hề đơn giản. 10 năm tới, liệu doanh nghiệp CNTT - viễn thông Việt Nam có làm nên được bất ngờ?

Lâm Khánh Vy
.
.
.