Ngành lúa gạo Việt Nam trước giờ G của công cuộc đổi mới:

Bứt phá từ chính “luống cày cũ” (!)

Chủ Nhật, 19/03/2017, 09:50
Đóng vai trò quan trọng, không thể thay thế được trong nông nghiệp; lúa gạo vẫn là một trong những loại nông sản chiến lược mà Việt Nam có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh nông nghiệp trên thế giới. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, ngành lúa gạo cần được khắc phục ngay tình trạng làm theo “phong trào”; cân nhắc thực hiện hiệu quả đồng vốn đầu tư trên đồng ruộng. 


Kỳ 2: Không "đua" theo số lượng

Theo nhiều chuyên gia, đổi mới tư duy trong phát triển nông nghiệp trước tiên phải khắc phục ngay quán tính “chỉ biết làm lương thực” như hàng chục năm qua; không nên mãi chạy theo số lượng xuất khẩu (XK) để giữ ngôi vị “cường quốc thế giới” nữa mà nên chuyển sang “nông nghiệp làm giàu”.

Bước vào năm 2017, Việt Nam đã buông bỏ tư duy được duy trì nhiều năm, đó là đặt nặng vào sản lượng gạo XK hằng năm. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng ký bãi bỏ quy định giống như chạy theo thành tích này.

Tại Hội nghị lúa gạo do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, được tổ chức tại An Giang vào sáng 15-3 vừa qua, các đại biểu không cảm thấy băn khoăn trước báo cáo của địa phương, ngành chức năng cho thấy năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017, lượng gạo XK giảm cả số lượng và giá trị so với trước.

Thực tế từ 2016, lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) giải thích nguyên nhân khiến Việt Nam phải điều chỉnh chính sách XK gạo (giảm gần 3 lần so với trước đó) là xuất phát từ chính sách và năng lực tự túc lương thực cùng với xu hướng bảo hộ ngày càng tăng của các quốc gia vốn là bạn hàng nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Indonesia....

Sâu xa hơn của việc điều chỉnh này cũng đã thể hiện tại Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 23-12-2009 về đảm bảo an ninh lương thực (ANLT) quốc gia, xác định đến 2020, Việt Nam chỉ sản xuất khoảng 41-43 triệu tấn lúa, đáp ứng tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước và XK chỉ khoảng 4 triệu tấn gạo/năm.

Trước tình hình hội nhập sâu rộng với thế giới, hạt gạo Việt phải thích ứng và đối mặt với nhiều thách thức.

Sau khi nghị quyết này ra đời, lượng gạo XK hằng năm vẫn tăng “nóng” (năm 2012, lượng gạo XK vượt ngưỡng 8 triệu tấn; và liên tục sau đó nhiều năm, ta duy trì từ 6-7 triệu tấn/năm); năng suất lúa vẫn ở mức “khủng” (vụ Đông – Xuân vừa rồi, ĐBSCL xuống giống trên 1,5 triệu ha, sản lượng lúa đạt trên 11 triệu tấn – sản lượng lớn so với những năm trước) nhưng người nông dân đã cảm thấy mệt mỏi khi phải luôn một nắng hai sương trên mặt ruộng, theo kiểu lấy công làm lời.

Hôm chúng tôi đi dọc qua các cánh đồng thuộc Phú Điền, Tân Kiều, Mỹ Hòa, Mỹ Quý,… thuộc huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), nhiều nông dân cho biết so với các vụ trước, vụ này họ không còn lời nhiều do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thời tiết và đất đai bạc màu, thiếu dinh dưỡng bởi lũ không về.

Nhiều DN XK gạo cũng than do thị một số trường “ăn gạo” của Việt Nam thiếu tính ổn định (gạo Việt sang Trung Quốc vẫn chủ yếu đi theo đường tiểu ngạch). Trong khi đó, các chuyên gia dự báo dự trữ gạo của thế giới năm 2017 sẽ tăng vượt ngưỡng 120 triệu tấn – cao nhất trong 15 năm qua; thế giới lại đang được mùa lúa mì (khoảng 16 triệu tấn) và ngô (gần 80 triệu tấn). Thực tế này chắc chắn sẽ khiến thị trường lúa gạo tới sẽ ít sôi động…

Để giảm hợp lý lượng gạo XK, tăng giá trị, thích ứng với thực tế vừa kể, nhiều chuyên gia cho rằng ĐBSCL cần thay đổi ngay cơ cấu sản xuất. Khi nhắc đến chuyện phổ biến lâu nay là sản xuất 3 vụ lúa/ năm, thậm chí có vùng 7 vụ/2 năm, lão nông Trần Văn Nên (62 tuổi, ngụ ấp 1A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) thú thật 10 năm trước, gia đình ông sản xuất lúa chỉ 2 vụ, nhưng sau đó do tiếc vì đất bỏ không nên dần hình thành tập tính sản xuất… dày vụ. “Nhưng làm càng ngày càng dày vụ, tui thấy càng cực hơn thôi chứ thu nhập không hơn”.

GS-TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL cho ằng ngành lúa gạo nên được đầu tư theo hướng chuyên nghiệp hóa: Cung - cầu cân đối theo từng phân khúc gạo (gạo thơm, gạo đặc sản, gạo có phẩm cấp trung bình) gắn với thị trường tiêu thụ cụ thể, tìm đầu ra.

Đồng quan điểm này, nhắc lại thực tế có nhiều dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bền vững nhưng gặp khó về đầu ra (như mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGap của nông dân HTX Mỹ Thành Nam, tỉnh Tiền Giang), TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp phải chú trọng đến đầu ra sản phẩm; đặc biệt là đối với sản phẩm sản xuất trên nền tảng bền vững về môi trường và xã hội. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Bộ trưởng Bộ Công Thương ngay trong những ngày đầu năm đã ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và XK - quy định từng được xem là “gây khó DN” là động thái tích cực mở ra cơ hội đầu ra cho hạt gạo XK.

Nhiều DN cho biết nhu cầu gạo thơm, chất lượng cao hiện khá đa dạng, nhiều thị trường có nhu cầu. Số lượng phân khúc gạo phẩm cấp cao thường số lượng không lớn; có đối tác chỉ cần vài ngàn tấn. Do vậy việc bãi bỏ quy định tối thiểu XK gạo 10.000 tấn/năm là động thái tích cực khi hạt gạo Việt phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, giải tỏa được nghịch lý giá gạo tiêu dùng trong nước thì cao còn giá gạo XK lại thấp do không cạnh tranh được với đối tác.

Giải thích cho tình trạng cứ tái diễn “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) nhìn nhận chính là do lâu nay nông dân ta hay chạy theo phong trào, sản xuất nhiều loại gạo mà thị trường không cần. Để khắc phục tình trạng này, cần mạnh dạn quy hoạch lại sản xuất gắn nhu cầu tiêu thụ, trong đó lưu ý dòng sản phẩm chất lượng, giảm gạo phun nhiều thuốc, phân bón…

Một DN kể hiện nhiều nước đang gia tăng việc nhập khẩu gạo nếp và gạo chất lượng cao. Do đó, việc DN cần làm chính là nghiên cứu liên kết với nông dân và phối hợp với ngành chức năng xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo số lượng lẫn chất lượng cho 2 loại gạo này.

Giải thích về thực tế Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo trong khi nhiều nông dân vẫn nghèo, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng xuất phát từ trình độ học vấn hạn chế; nông dân vẫn làm theo kinh nghiệm “lão nông tri điền” luôn đội giá gấp đôi so với cách làm theo quy trình công nghệ cao (GAP).

Nông dân vốn không tích lũy, mỗi vụ sản xuất phải ghi nợ mua vật tư nông nghiệp nên dễ bị o ép sử dụng đủ loại hóa chất BVTV độc hại. Họ bón phân không cân đối, phần lớn thích bón nhiều phân đạm, ít bón phân hữu cơ.

Tưởng thế sẽ đạt năng suất cao, nhưng thực tế họ đã quyến rũ nhiều sâu bệnh, phải phun thuốc nhiều, vừa làm sản phẩm bị bẩn vừa làm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, vừa tăng chi phí sản xuất.

Mặt khác, nông dân ta vì học ít nên cứ hay làm theo phong trào, thấy ai trồng gì bán được giá thì hùa nhau trồng theo, không cần biết thị trường đang như thế nào. Tới khi cung vượt quá cầu thì rớt giá, bán không được, phải chịu lỗ, nghèo vẫn hoàn nghèo…

Nhóm PV
.
.
.