Buôn lậu trên biển vẫn có chiều hướng gia tăng

Thứ Hai, 29/06/2020, 10:32
Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, song tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép xảy ra trên biển đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ, số đối tượng tham gia, với nhiều loại, lĩnh vực, ngành hàng khác nhau.


Bắt nhiều vụ buôn lậu xăng dầu lớn

Mặc dù dịch COVID-19 vẫn phức tạp trên thế giới, nhưng từ tháng 5-2020, ở vùng biển ngoài khơi, hoạt động buôn lậu xăng dầu, sang mạn xăng dầu trái phép giữa các tàu có quốc tịch nước ngoài với tàu cá Việt Nam vẫn diễn ra. Để qua mặt lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, các tàu này thường sang mạn ở vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước, khi có “động”, các tàu nước ngoài dễ dàng chạy về vùng biển nước ngoài nhằm tránh bị bắt giữ. 

Điển hình vào ngày 24/5, trong khi làm nhiệm vụ trên vùng biển thềm lục địa phía Nam, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện, tạm giữ tàu SIAM VARICH có số IMO 753440 đang vận chuyển trái phép khoảng 1,7 triệu lít dầu DO. 

Tàu quốc tịch Mông Cổ đang sang mạn dầu trái phép cho tàu cá Việt Nam bị bắt giữ.

Tàu SIAM VARICH do ông Phirom Sukpheng, SN 1963, quốc tịch Thái Lan làm thuyền trưởng. Khi bị kiểm tra, ngoài lượng dầu DO không có giấy tờ hàng hóa thì 11 thuyền viên trên tàu đều không có chứng chỉ chuyên môn, tàu không có giấy đăng ký, đăng kiểm. Thuyền trưởng khai nhận đưa dầu vào vùng biển Việt Nam để bán. 

Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, 1,7 triệu lít dầu này có giá trị thị trường khoảng 15 tỷ đồng và là lượng dầu khá lớn trong một vụ bắt giữ từ trước đến nay. Thượng tá Nguyễn Phùng Hưng, Phó Tư lệnh Pháp luật, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ 7 vụ việc tương tự.

Hay gần đây nhất, vào cuối tháng 6/2020, tại khu vực cách Nam Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 130 hải lý, Tổ công tác Đoàn Trinh sát số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phát hiện tàu chở dầu Oki Maru và tàu cá mang số hiệu TG 93799 TS (quốc tịch Mông Cổ) đang sang mạn trên 1.000m³ dầu DO cho tàu cá TG93799 TS của Việt Nam trên vùng biển nước ta. Lợi dụng vào sóng to, gió lớn ở ngoài khơi, các đối tượng đã liên lạc với nhau, đưa tàu ra hải phận giáp ranh để sang mạn nhằm tránh bị phát hiện.

Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thường câu móc với đối tượng vận chuyển hàng hóa trên biển. Nhất là, hoạt động mua bán trái phép xăng, dầu thường tập trung nhiều ở vùng biển đặc quyền kinh tế phía Nam, các đối tượng thực hiện việc mua bán, rồi đưa hàng hóa vào đất liền tiêu thụ và trực tiếp bán cho các chủ tàu cá; việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa chủ yếu vào ban đêm để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. 

Trong đó, việc mua bán mặt hàng xăng, dầu, các đối tượng thường sử dụng hóa đơn quay vòng để xuất trình khi cơ quan chức năng kiểm tra, nhằm hợp thức hóa lô hàng vi phạm. Bên cạnh đó, các đối tượng thường lắp đặt các thiết bị hiện đại trên tàu để xác định các phương tiện của lực lượng chức năng đến gần khu vực giao nhận hàng để nhanh chóng tẩu thoát khi nghi ngờ hoặc phát hiện...

“Đặc biệt, các đối tượng thường lợi dụng khi thời tiết trên biển xấu, sóng to, gió lớn hoặc thời điểm không có hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng thực thi pháp luật trên biển để tập kết, sang mạn, vận chuyển, giao nhận hàng lậu ở trên biển hoặc khu vực ven biển”, Thiếu tướng Trần Văn Nam nhấn mạnh.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển, Thượng tá Nguyễn Phùng Hưng cho biết, thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục cho ngư dân hiểu rõ hành vi mua bán xăng dầu trên biển là trái quy định pháp luật. Đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường tuần tra, đấu tranh hiệu quả các hoạt động vi phạm pháp luật trên biển.

Tăng cường phối hợp thực thi trên biển

Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, trong 6 tháng đầu năm 2020, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép xảy ra trên biển diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng tham gia, với nhiều loại, lĩnh vực, ngành hàng khác nhau. 

Các đối tượng thường liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn để đối phó với cơ quan thực thi pháp luật. Trong đó, giá trị hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại mà các lực lượng chức năng thu được ngày càng lớn. Chỉ tính riêng mặt hàng xăng dầu, theo các chuyên gia, ước tính mỗi năm Nhà nước thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí các loại do tội phạm buôn lậu mặt hàng xăng dầu trên biển gây ra.

Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát biển đã kiểm tra 421 tàu, xử phạt vi phạm hành chính 393 tàu với số tiền gần 1 tỷ đồng; đấu tranh bắt giữ 40 vụ/39 tàu với 205 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển; xử phạt vi phạm hành chính gần 3 tỷ đồng, giá trị tang vật ước tính gần 100 tỷ đồng. 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Cảnh sát biển đã phối hợp với lực lượng: Công an, Hải quan và các cơ quan chức năng khác đấu tranh bắt giữ, xử lý 4 vụ/8 tàu với 73 đối tượng; thu giữ 1,86 triệu lít xăng RON 92, hơn 650 tấn quặng đồng, gần 300 tấn đường cát, ước tính giá trị hàng hóa gần 37 tỷ đồng.

Theo Thiếu tướng Trần Văn Nam, hiện dịch COVID-19 ở nước ta cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài dẫn đến việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, vi phạm pháp luật như buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ, vi phạm về giá… gia tăng. Trong đó, buôn lậu, vận chuyển các mặt hàng nói trên qua đường biển luôn có nguy cơ cao. 

Điển hình ngày 16/6, tại vùng biển giáp ranh giữa Quảng Ninh và Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã phát hiện và kiểm tra tàu TB 1194 do ông Trần Văn Năm (49 tuổi, trú tại Nam Định) làm đại diện, phát hiện trên tàu chở 1.500 tấn than nhiệt thấp từ Quảng Ninh về Hải Dương tiêu thụ. Toàn bộ số than trên không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Để công tác đấu tranh với các loại hình tội phạm trên biển đạt hiệu quả cao, lực lượng Cảnh sát biển đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phối hợp có hiệu quả với lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển. 

Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở các vùng biển trọng điểm; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp trong nắm, trao đổi tình hình, tổ chức các hoạt động nghiệp vụ để chủ động phát hiện, kịp thời ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển.

“Cảnh sát biển cũng sẽ tiếp tục đổi mới trong trao đổi thông tin, tình hình về hoạt động của tội phạm, vi phạm trên biển; đổi mới trong triển khai các hoạt động nghiệp vụ, trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến, vùng biển trọng điểm…

Trên cơ sở Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Nghị định 61/2019/NĐ-CP ngày 10/7/2019 của Chính phủ và các văn bản pháp luật khác có liên quan, Cảnh sát biển tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành các quy chế phối hợp với các lực lượng thuộc các bộ, ngành có liên quan cho phù hợp với tình hình thực tiễn”, Thiếu tướng Trần Văn Nam nhấn mạnh.

Trần Hằng
.
.
.