Buôn lậu gỗ vẫn lộng hành, rừng ngày càng thu hẹp

Thứ Bảy, 15/03/2014, 08:23
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, tình hình buôn lậu gỗ diễn ra phức tạp trên phạm vi toàn quốc, các vụ phát hiện, bắt giữ buôn lậu gỗ đang xảy ra liên tục tại các cửa khẩu biên giới đất liền, cảng biển và cảng hàng không quốc gia. Các đối tượng, doanh nghiệp (DN) lợi dụng hình thức thông quan theo luồng xanh (mặt hàng gỗ XK có nguồn gốc NK thường được miễn kiểm tra) để xuất lậu gỗ nhóm 1A (hàng cấm) không có nguồn gốc hoặc nhập nhiều khai ít, xuất nhiều khai ít, xuất không đúng chủng loại tại tờ khai hải quan.

Hàng loạt những vụ buôn lậu gỗ đã bị Cục Điều tra chống buôn lậu Hải quan bắt giữ thời gian qua cho thấy, thủ đoạn mà bọn buôn lậu thường sử dụng như: Khi mở tờ khai XK và xuất trình hàng hóa cho Hải quan kiểm tra thường “canh me” sát giờ tàu rời cảng, hoặc cuối ngày làm việc khiến cho CBCC Hải quan kiểm tra hàng hóa không có thời gian, tạo sức ép về thời gian giao hàng hoặc phát sinh tiêu cực cũng từ đây mà ra.

Gỗ khai thác trái phép bị bắt giữ tại Trạm kiểm lâm Sơn Thái (Lâm Đồng). Ảnh: CTV.

Khi vận chuyển hàng hóa XK vào cảng, các DN đã đóng đầy các container gây trở ngại cho lực lượng kiểm hóa Hải quan không đủ lực lượng, thời gian kiểm tra tất cả. Với loại container 20 thường chỉ kịp kiểm tra sơ bộ bên ngoài, không thể đủ căn cứ kết luận so với tờ khai hải quan. Còn loại container 40 nếu giỏi lắm cán bộ Hải quan cũng chỉ kiểm tra phần ngoài, bên trên, không thể kiểm hết bên trong và sự che giấu ngụy trang rất tinh vi. Hơn nữa, mặt hàng gỗ thường phải căn cứ vào dấu búa, loại gỗ của cơ quan kiểm lâm trên từng lóng gỗ giống như dấu kiểm dịch trên gia súc, gia cầm của cơ quan dịch tễ, thú y cũng là một cái khó cho CBCC Hải quan kiểm hóa.

Đặc biệt, để nhận diện chính xác từng dấu búa, loại gỗ càng rất khó và phức tạp về chủng loại. Đây chính là một lỗ hổng để bọn buôn lậu sử dụng thủ đoạn “lấy vải thưa che mắt thánh” qua mặt Hải quan để gỗ lậu loại quý hiếm ngang nhiên lên đường xuất ngoại mang về bạc tỷ cho những doanh nghiệp XK và các ông bà trùm buôn gỗ lậu. Các DN đã lợi dụng việc này để khai báo sai về chủng loại, số lượng thanh, khối lượng để XK gỗ không có nguồn gốc hợp pháp bằng thủ đoạn “trá hình” XK gỗ loại 2,3, cao su tận thu mà bên dưới là gõ, trắc, giáng hương, pơ mu, mật… thuộc nhóm I, II. Mới đây, vào sáng 4-3, Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương (TP Châu Đốc (Cục Hải quan An Giang) kiểm tra một ghe chở hàng hóa qua sông Tiền có tải trọng 100 tấn, ngụy trang chở hàng nông sản nhưng mớn nước rất sâu. CBCC Hải quan đã nghi ngờ kiểm tra thì phát hiện phía dưới lớp nông sản là những khối gỗ, bàn gỗ được chất đầy khoang, tổng khối lượng khoảng 70m3 gỗ căm xe, gõ mật nhóm I, II, trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng và 19 bàn gỗ thành phẩm làm bằng gỗ quý trị giá khoảng 30 triệu đồng/chiếc.

Bãi gỗ bất thường tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư - Bình Phước.

Hàng loạt vụ vận chuyển, xuất lậu gỗ qua các cửa khẩu Hải quan từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cầu Treo (Hà Tĩnh), Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình đến Hoa Lư (Bình Phước), Bờ Y (Kon Tum), Mộc Bài (Tây Ninh), Dinh Bà (Đồng Tháp), Bình Hiệp (Long An), Tịnh Biên (An Giang), Xà Xía (Kiên Giang)… đặc biệt gỗ còn chui vào container ra các cảng biển xuống tàu xuất ngoại, chui vào khoang máy bay để xuất ngoại, hiện đang là vấn đề nhức nhối về thất thoát tiền thuế cho Nhà nước và sự tận diệt rừng xanh.

Để hàng chục, hàng trăm tấn gỗ quý nhập lậu, xuất lậu “bình yên” lọt qua cửa khẩu, ngoài những thủ đoạn tinh vi của các DN và bọn buôn lậu, cũng cần đề cập đến sự tiếp tay của một số phần tử thoái hóa, tiêu cực trong lực lượng Hải quan, những người trực tiếp gác cửa, canh giữ công tác XNK không làm tròn nhiệm vụ.

Quảng Trị: Bắt vụ vận chuyển 2 tấn gỗ lậu quý hiếm

Ngày 14/3, Công an huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cho biết: Lúc 23h ngày 13/3, đơn vị đã bắt giữ ôtô BKS 74K-0131 do Phạm Duy Trì (44 tuổi, trú thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp, Hướng Hóa) điều khiển, chạy qua thị trấn Khe Sanh, vận chuyển trên xe 2 tấn gỗ trắc không có giấy tờ. Trì khai, đã chở số gỗ này từ thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa về thị trấn Khe Sanh cho một người tên Chung trú ở Khe Sanh với giá vận chuyển 700.000 đồng. Hiện vụ việc đang được Công an Hướng Hóa tiếp tục điều tra làm rõ. (Thanh Bình)

Hoàng Châu
.
.
.