Bong bóng vàng đang vỡ?

Chủ Nhật, 28/08/2011, 11:38
Nhiều người nói rằng, giá vàng vừa trải qua 2 phiên sụt giảm lớn nhất kể từ đầu năm 1980, sau khi đạt kỷ lục một ngày trước đó cho thấy, đà tăng nóng của vàng đang đến hồi kết, nhưng về trung và dài hạn vẫn theo chiều hướng đi lên. Không ít người đặt câu hỏi, giá vàng vừa rớt thảm hại - rơi tự do sau khi tăng dựng đứng, nhưng lập tức lại phục hồi nhanh chóng đang nói lên điều gì.

Giới chuyên môn đặt câu hỏi, vàng liên tiếp lập kỷ lục giá mới, liệu kinh tế thế giới có đang đứng trước nguy cơ trượt dốc mới. Tất cả những câu hỏi kể trên sẽ khó có lời giải chuẩn xác trong bối cảnh hiện nay…

Từ hoạt động của quỹ SPDR Gold Trust

Theo thông báo của Exchange Traded Gold, ngày 26/8, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã bán ra 1,51 tấn vàng, giảm lượng vàng đang nắm giữ xuống còn 1.230,8 tấn. Trong tuần này (từ 22 đến 26/8), SPDR Gold Trust đã bán ra gần 60 tấn vàng, đưa mức bán ròng từ đầu tháng 8 lên 32,78 tấn. Giới chuyên môn cho rằng, mọi động thái của SPDR Gold Trust luôn là tâm điểm của dư luận thế giới và việc đứng ngoài thị trường trong phiên trồi sụt hôm 25/8 là một minh chứng.

Việc bán ra 1,51 tấn vàng đã xoá tan mọi nỗ lực mua kể từ ngày 12/7 và trong tuần này, SPDR Gold Trust không mua vào phiên nào trong khi bán ra tổng cộng 59,96 tấn vàng - chuỗi ngày bán ra dài và nhiều nhất kể từ cuối năm 2010. Theo thống kê, kể từ đầu tháng 8, SPDR Gold Trust đã bán ròng 32,78 tấn vàng, sau khi mua ròng hơn 55 tấn vàng trong tháng 7. Động thái bán ra của SPDR Gold Trust có thể lý giải là do chốt lời sau thời gian dài giá liên tục đi lên. Giới truyền thông đưa tin, trong phiên giao dịch đêm 23/8, SPDR Gold Trust đã bán 24,83 tấn vàng.

Trước đó một ngày, SPDR Gold Trust cũng đã bán 6,3 tấn vàng và chỉ trong 3 ngày đầu tuần này, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới đã bán ra 31,13 tấn vàng, bằng số lượng mua vào từ đầu tháng 8. Chốt phiên ngày 22/8, giá vàng giao tháng 12 tại sàn Comex, New York tăng 39,7 USD/oz lên 1.891,9 USD/oz sau khi chạm mốc kỷ lục 1.917,9 USD/oz. Giá vàng liên tục lập đỉnh mới do nhu cầu nắm giữ tài sản an toàn gia tăng trước nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Giới chuyên môn cho rằng, giá vàng hôm 24/8 sụt giảm mạnh về vùng 1.750 USD/oz là động thái bán ra của nhà đầu tư nhằm chốt lời hoặc chuyển sang nắm tiền mặt để tránh rủi ro. Trước đó, SPDR Gold Trust cũng đã bán 27,26 tấn vàng, giảm mức nắm giữ xuống còn 1.232,31 tấn vàng, tương đương 39.620.116 ounce, tương đương với hơn 70.106 tỷ USD.

Việc bán ra hơn 27 tấn vàng - lượng bán mạnh nhất của SPDR Gold Trust từ 26/1/2011 thực sự khiến giới chuyên môn quan tâm. Động thái này diễn ra đúng thời điểm Tổng thống Hugo Chavez chính thức ký ban hành luật quốc hữu hóa các hoạt động thăm dò và khai thác vàng tại Venezuela.

Ngày 23/8, việc quốc hữu hóa ngành công nghiệp khai thác vàng chính thức có hiệu lực nhằm khẳng định tính độc lập quốc gia và tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế quốc gia Venezuela khi Mỹ và châu Âu đang chìm ngập trong cuộc khủng hoảng tài chính.

Sự trồi sụt của vàng

Chốt phiên ngày 26/8, giá vàng giao tháng 12 lên sát 1.800 USD/oz. Trên sàn Comex, New York, giá vàng giao tháng 12 tăng 34,1 USD tương đương 1,9% chốt phiên hôm 25/8 tại 1.797,3 USD/oz. Giá vàng giao tháng 12 tăng 28,5 USD lên 1.791,7 USD/oz lúc 21h35' ngày 26/8, sau khi chạm mức 1.800 USD/oz trước đó. Sau khi đóng cửa phiên giao dịch hôm 25-8, giá vàng kỳ hạn tăng trên 3,7% lên 1.828,9 USD/oz. Giá vàng giao ngay tại London tăng 2,2% lên 1.808,6 USD/oz. Trên sàn Kitco, lúc 6h30' sáng 26/8, vàng giao ngay lên 1829,1 USD/oz, cao hơn 57,8 USD/oz so với chốt phiên trước đó.

Chốt phiên giao dịch đêm 24/8, giá vàng tương lai giảm 5,6%, mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ ngày 19/3/2008 tới nay. Giá vàng giao tháng 12 giảm 104 USD, xuống còn 1.757,30 USD/oz trên sàn Comex ở New York. Giá vàng kỳ hạn giảm 3%, đánh dấu tuần giảm giá đầu tiên trong 8 tuần qua do hoạt động chốt lời khi lập kỷ lục về giá hôm 23/8, đạt 1.917,9 USD/oz.

Giá vàng tăng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke hoãn thảo luận về chính sách nới lỏng kinh tế (QE3) tới cuộc họp cuối tháng 9. Thông báo hoãn thảo luận về các chính sách nới lỏng tới cuộc họp của Ủy ban thị trường mở (20 và 21/9) khiến thị trường thất vọng. Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn nhận định, mặc dù FED không nhắc tới QE3 nhưng vẫn phát đi tín hiệu, sẽ nghiêm túc xem xét tới các biện pháp hỗ trợ kinh tế trong cuộc họp diễn ra vào hạ tuần tháng 9 đã giúp giá vàng tăng vọt.

Sự lên xuống thất thường của vàng.

Giới chuyên môn cũng đặc biệt quan tâm tới nhận định của cựu Chủ tịch Newmont Mining, ông Pierre Lassonde khi cho rằng, cơ hội để giá vàng tiến về vùng 2.500 USD/oz trong 2 năm nữa là hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, ông Pierre Lassonde cũng nhấn mạnh, nếu Hy Lạp vỡ nợ thực sự thì giá vàng ở ngưỡng 2.500 USD/oz sẽ diễn ra trước cuối năm nay. Citigroup cũng cho rằng, tuy đà tăng của vàng thời gian qua là không bền vững, nhưng vẫn có tới 25% cơ hội để giá đạt 2.500 USD/ounce trong năm 2012 nếu nỗi lo nợ công vẫn còn và các loại tiền tệ tiếp tục mất giá. Cựu Chủ tịch FED Greenspan khẳng định, vàng không ở trạng thái bong bóng bởi vàng là một loại tiền tệ, không giống như các hàng hoá khác.

Nhu cầu về vàng tăng cao không phải là do đây là thứ đồ trang sức, mà là người ta tìm lối thoát cho một hệ thống tiền giấy đang bị suy thoái. Riêng chuyên gia phân tích Daniel Briesemann của ngân hàng Commerzbank AG cho rằng, giá vàng đang điều chỉnh nhanh và sẽ chọc thủng các mốc đã đạt được trước đó. Matt Zeman, chiến lược gia hàng đầu của hãng tài chính Kingsview ở Chicago nhận định, giá vàng có thể còn giảm thêm 100 - 200 USD nữa, mặc dù về dài hạn vàng vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ từ tài chính và lạm phát.

Đến những tác động của thị trường

Giám đốc chiến lược thị trường tại CMC Markets (Sydney) cảnh báo, nhà đầu tư không nên quá lạc quan vào đợt nới lỏng có định lượng tiếp theo của Mỹ, bởi chắc chắn đây không phải là giải pháp cho nền kinh tế số một thế giới.

Theo báo cáo của Markit Economics (London), chỉ số quản lý sức mua (PMI) của châu Âu trong tháng 8/2011 đã ổn định ở mức 51,1 điểm (mức trên 50 điểm cho thấy sự tăng trưởng), cao hơn mức dự kiến của các nhà phân tích. Giới chuyên môn cũng cho rằng, việc Nhật Bản bị tổ chức định mức tín nhiệm Moody's hạ bậc tín dụng từ Aa2 xuống Aa3 hôm 24/8 cũng đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường châu Á.

Đây là lần đầu tiên trong vòng 9 năm qua, Moody's hạ mức tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ Nhật Bản, bất chấp những nỗ lực của đất nước mặt trời mọc nhằm khôi phục sự lành mạnh của nền tài chính công. Giới phân tích cho rằng, việc Moody's hạ mức tín nhiệm của trái phiếu Chính phủ Nhật Bản có thể đang thúc đẩy hoạt động mua vàng làm nơi trú ẩn an toàn.

Một yếu tố khác cũng có thể đã tác động tới giá vàng là việc các ngân hàng trung ương của nhiều quốc gia trên thế giới sẽ không bán vàng để huy động tiền, đối phó với khủng hoảng nợ như dự báo của ngân hàng Morgan Stanley. Theo số liệu thống kê của Hội đồng vàng thế giới (WGC), trong năm 2010, nhiều ngân hàng trung ương đã mua ròng vàng và trong 6 tháng đầu năm 2011, các tổ chức tài chính kể trên đã mua 192,3 tấn vàng và dự kiến sẽ mua tiếp trong thời gian tới.

Giới chuyên gia thế giới cho rằng, sự điều chỉnh giá vàng trong 2 phiên liên tiếp vừa qua bởi vàng đã tăng giá quá nóng và kéo dài, nhưng trong tương lai, vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Hội đồng vàng thế giới từng khẳng định, sức mua vàng hiện nay vẫn ổn định sau khi các nhà đầu tư ồ ạt dốc tiền vào những quỹ giao dịch vàng trong 12 tháng qua. Mặc dù giá vàng đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng giới phân tích dự báo, giá vàng trong những tháng tới có thể quay về biên độ 1.450-1.550 USD/ounce.

Tính đến 4h00 sáng 27/8 (theo giờ Việt Nam), đồng USD đã giảm 0,8% xuống 1,4499 USD/euro, giảm 0,7% trong tuần này. Franc Thụy Sỹ giảm 2,5% xuống 1,1690 franc/euro và chạm tới 1,1736 franc/euro, mức thấp nhất kể từ ngày 25/7. Giới kinh tế cảnh báo về nguy cơ một cuộc khủng hoảng ngân hàng và điều này đang làm cho các thị trường trái phiếu và chứng khoán thế giới cực kỳ biến động. Đây là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu mới có quy mô tương đương với cuộc khủng hoảng năm 2008-2009.

Tờ Le Monde cho rằng, kim cương đã trở thành một trong những hàng hóa thể hiện giá trị an toàn và là nơi trú ẩn tốt nhất cho nhà đầu tư. Trong 12 tháng trở lại đây, giá trung bình của một viên kim cương loại 1 carat F màu trắng bạc đã tăng 38%, do biến động bất thường của các thị trường tài chính, khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro, sự suy yếu của đồng USD và tình trạng lạm phát gia tăng. Tập đoàn đá quý hàng đầu thế giới De Beers cho biết, lợi nhuận của hãng này đã tăng gấp đôi trong vòng 6 tháng đầu năm nay. De Beers dự kiến đến cuối năm 2012 công suất khai thác kim cương của hãng này tại khu vực Nam châu Phi sẽ đạt mức tối đa.

Lê Tuấn Cường - Lê Quỳnh Trang (tổng hợp)
.
.
.