Bồi thường khi ra quyết định đầu tư sai

Thứ Năm, 06/11/2008, 14:21
Nhiều đại biểu QH đề nghị: Người ra quyết định đầu tư sai, gây lãng phí, thất thoát cũng phải chịu đền bù, xử lý trước pháp luật. Việc xử lý khi ra quyết định sai không chỉ thất thoát về tiền mà còn tạo tiền lệ xấu, nếu không xử lý sẽ tạo tiền lệ coi thường - căn bệnh nguy hiểm.
Để có được giấy phép cần 33 thủ tục hành chính, thời gian chuẩn bị cho 1 dự án trung bình kéo dài 3 năm. Để làm thủ tục đền bù GPMB, một dự án cần hơn 40 loại văn bản, công văn, giấy tờ. Có dự án phê duyệt chủ trương, sau 10 năm vẫn chưa được cấp vốn; dự án chậm 1 ngày phải đội thêm 1,5 tỷ đồng lãi vay...

Những nghịch lý này đã được Quốc hội phân tích kỹ trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 5-11 về việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) sử dụng vốn ngân sách ở các Bộ, ngành, địa phương.

Thất thoát là một dạng chiếm đoạt, đấu thầu thực chất là thông thầu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đình Nhã sau khi đưa ra các số liệu về kết quả thanh, kiểm tra, điều tra, băn khoăn: "Những con số này chỉ chứng minh phần nhỏ, độ ẩn trên thực tế chiếm khoảng 90% chưa được làm rõ".

Đại biểu lấy ví dụ: Nếu chứng minh số liệu thất thoát trong XDCB là 1.000 tỷ thì trên thực tế còn khoảng 9.000 tỷ thất thoát nữa chưa được phát hiện, tổng cao gấp chục lần con số công bố. Bản chất của thất thoát là gì? "Thực chất thất thoát chính là hành vi chiếm đoạt, đó là chiếm đoạt tiền của nhân dân, rõ ràng đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng".

Về đấu thầu, đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên) thẳng thắn: "Chúng ta chưa xử lý được tình trạng khép kín trong đấu thầu nên tiêu cực vẫn khó bị phát hiện. Tôi cho rằng, đấu thầu phải làm nghiêm ngặt như thi cử, phân biệt rõ khâu chuẩn bị, khâu đấu thầu, không thể lập lờ, thiếu minh bạch".

Ông cũng viện dẫn, việc phân bổ đầu tư "nơi có, nơi không, nơi nhiều, nơi ít" đang tạo ra sự bất bình đẳng về quyền lợi giữa các địa phương.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) bức xúc: Đấu thầu thực chất là một dạng thông thầu, đã có chỉ định, điểm tên cả, đấu thầu chỉ còn hình thức!

33 thủ tục cho 1 giấy phép, 40 văn bản đổi một hồ sơ GPMB

Đại biểu Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) viện dẫn: Có khoảng 90% dự án chậm tiến độ nhưng chưa có tổ chức, cá nhân nào chậm tiến độ bị phạt. Càng chậm càng tạo thói quen xấu, đó là thói quen chạy chọt, xin xỏ bổ sung nguồn vốn, thói quen nói dối, lừa gạt... Trong khi đó, thủ tục cho một dự án quá rườm rà.

Một ví dụ tại địa phương cho thấy: tổng cộng thời gian từ khi xin chủ trương đầu tư đến khi khởi công công trình đối với 1 dự án nhóm A: 1.250 ngày (42 tháng); nhóm B: 870 ngày (29 tháng); nhóm C: 675 ngày (23 tháng). Theo một nghiên cứu của Bộ Xây dựng, một số dự án khu đô thị tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh,  để có được giấy phép cần trải qua 33 thủ tục hành chính, thời gian chuẩn bị cho 1 dự án trung bình kéo dài 3 năm!

Đền bù GPMB vẫn "mâu thuẫn, thiếu nhất quán giữa các loại dự án, giữa các địa phương và giữa các thời điểm thực hiện". UBTV Quốc hội nêu dẫn chứng: Một ban QLDA thuộc Bộ GTVT cho biết, để làm thủ tục đền bù GPMB, một dự án cần hơn 40 loại văn bản, công văn, giấy tờ. Giá trị đền bù GPMB của một số công trình ở các thành phố lớn bằng hoặc lớn hơn rất nhiều lần so với giá trị xây lắp làm tăng tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án.

Có những dự án, công trình đã được cấp có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương phê duyệt từ hơn 10 năm qua nhưng vẫn chưa bố trí được nguồn vốn hoặc thực hiện rất dở dang như dự án nạo vét kênh Sáng (Bạc Liêu), đập thủy lợi Tà Pao (Bình Thuận), cầu Hoàng Hoa Thám (TP.Hồ Chí Minh).

Vi phạm nhiều, xử lý hạn chế

UBTV Quốc hội cũng nhận định: Công tác kiểm tra, thanh tra mới chỉ tập trung vào giai đoạn thực hiện đầu tư, chưa chú trọng vào giai đoạn quyết định đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư. Việc xử lý chủ yếu cũng chỉ tập trung xử lý các vấn đề tài chính, chưa quan tâm xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.

 Thống kê sơ bộ của cơ quan Công an cho thấy, từ năm 2005 đến 2007, đã phát hiện 149 vụ với 231 đối tượng có hành vi cố ý làm trái, tham nhũng, tiêu cực trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản với số tiền thất thoát trên 677 tỷ đồng; đã khởi tố điều tra 87 vụ gồm 143 bị can, thu hồi tài sản trị giá gần 167 tỷ đồng.

Nhiều đại biểu đề nghị: Giống như Nghị quyết 388, nay người ra quyết định đầu tư sai, gây lãng phí, thất thoát cũng phải chịu đền bù, xử lý trước pháp luật. Việc xử lý khi ra quyết định sai không chỉ thất thoát về tiền mà còn tạo tiền lệ xấu, nếu không xử lý sẽ tạo tiền lệ coi thường - căn bệnh nguy hiểm.

Giai đoạn 2005-2007, tổng vốn đầu tư XDCB từ ngân sách Nhà nước là 237.447 tỷ đồng, chiếm khoảng trên 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó NSNN do địa phương quản lý là 151.774 tỷ đồng và các Bộ, ngành Trung ương là 85.673 tỷ đồng.

Dự án "choáng" vì quá nhiều thanh, kiểm tra

"Dự án đường Hồ Chí Minh triển khai đã được 8 năm, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã được các cơ quan Kiểm toán, Thanh tra tiến hành kiểm toán, thanh tra nhiều lần, cụ thể: năm 2001, Kiểm toán Nhà nước (5 tháng); năm 2002, Thanh tra Bộ GTVT (3,5 tháng); năm 2004 Thanh tra Bộ tài chính (4 tháng); năm 2005, Thanh tra Chính phủ (16 tháng); năm 2007, Kiểm toán Nhà nước (4,5 tháng), Thanh tra Bộ GTVT (4 tháng); năm 2008, Kiểm toán Nhà nước đang khảo sát" - Nguồn: Báo cáo giám sát của UBTV Quốc hội.

Đ.Trường - Đ.Tuấn
.
.
.