Bóc gỡ đường dây buôn lậu hàng điện tử qua cảng hàng không

Thứ Bảy, 21/01/2006, 09:13

Tp.HCM là thị trường tiêu thụ máy quay phim và máy chụp ảnh (camera) kỹ thuật số lớn nhất cả nước. Tuy vậy, mấy năm gần đây, các đại lý chính thức đại diện cho các hãng máy ảnh và máy quay phim khổng lồ như Nikon, Canon, Sony, Fuji... luôn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm vì giá máy cùng chủng loại và cùng mẫu mã ở các cửa hàng bán lẻ thường thấp hơn giá chính hãng của các đại lý chào bán.

Tất cả những diễn biến bất thường này đã nằm trong tầm ngắm của các trinh sát Phòng 7, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ (CSKT) - Bộ Công an. Sau khi nắm được một số đường dây buôn lậu hàng kỹ thuật số này, Cục CSKT đã thành lập chuyên án triệt phá. Phòng 7 tung trinh sát thâm nhập vào một số đường dây buôn lậu hàng điện tử từ nước ngoài về. Đường dây từ Campuchia được “soi” đầu tiên, song sau một thời gian nắm tình hình, thấy con đường này số lượng về ít, các trinh sát quay sang rà soát các đường dây khác từ Nhật, Hồng Kông và các nước khác thường chuyển hàng về Tp.HCM. Quả nhiên, con đường buôn lậu qua đường hàng không từ Hồng Kông về vẫn là đầu mối đánh hàng về với số lượng lớn nhất.

Sau vụ Nguyễn Gia Thiều và đồng bọn lợi dụng đường hàng không để buôn lậu điện thoại di động thì các đối tượng buôn bán hàng điện tử kỹ thuật số cũng “học” cách móc nối với cán bộ hải quan để đưa hàng về bằng đường hàng không qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Trong một số đường dây mà các trinh sát nắm được thì Nguyễn Thanh Vũ là một trong những đường dây cộm nhất.

Khi đã xác định được đường dây của Vũ chiếm lĩnh phần lớn thị trường máy ảnh và máy quay phim kỹ thuật số ở Tp.HCM và các tỉnh phía Nam, các trinh sát tập trung làm rõ con đường này thì phát hiện, chỉ trong vòng 6 tháng cuối năm 2005, Nguyễn Thanh Vũ thực hiện tới 29 chuyến bay sang Hồng Kông để gom hàng chuyển về Việt Nam. Như vậy mỗi tháng, Vũ trực tiếp đi từ 4 đến 5 chuyến. Để đánh được khối lượng hàng lớn và đi buôn lậu từ Hồng Kông về Việt Nam hơn đi chợ như vậy, chắc chắn phải có sự tiếp tay của cán bộ hải quan ở sân bay. Vì thế nếu thực hiện phương án phối hợp với hải quan sân bay để kiểm tra công khai rất có thể sẽ bị lộ. Từ những nhận định trên, một kế hoạch đón lõng Vũ được lãnh đạo Phòng 7 chuẩn bị khá chu đáo.

16 giờ 45 phút ngày 10/1/2006, khi Nguyễn Thanh Vũ vừa từ máy bay bước xuống đã được các trinh sát đã "đón" lõng. Sau khi chất 7 kiện hành lý có trọng lượng 263kg lên xe đẩy, Vũ ì ạch đẩy ra cửa làm thủ tục hải quan. Khi gần tới máy soi chiếu, Vũ dừng lại, rút một sấp USD kẹp vào giữa tấm hộ chiếu rồi tiến thẳng tới bàn làm việc của ba nhân viên hải quan. Sau một lát trao đổi, Vũ nhận lại giấy tờ và tiếp tục vần 3 kiện hàng lớn nhất qua băng chuyền máy soi chiếu của hải quan. Các trinh sát biết khoản hối lộ này và biết việc soi chiếu chỉ là hình thức “múa rìu qua mắt thợ”, song nếu ra tay bắt quả tang vụ đưa hối lộ này thì các nhân viên hải quan sẽ “kịp thời khắc phục hậu quả” và việc lớn sẽ hỏng...

Đợi cho Vũ “lọt” qua cửa hải quan, các trinh sát Phòng 7 áp sát và lịch sự “mời” Vũ vào phòng cách ly để kiểm tra hành lý. Sau một thoáng hoang mang, Vũ kịp trấn tĩnh và lên tiếng: em đi du lịch có mua một ít hàng hóa, các anh thông cảm... em sẽ biết ơn các anh nhiều. Không để tên trùm buôn lậu giở trò mua chuộc, Phó trưởng Phòng 7 Lê Thế Chiến nghiêm giọng yêu cầu hắn nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Cơ quan điều tra. Thấy thái độ nghiêm khắc của cán bộ Công an, Vũ cúi đầu thực hiện. Ngay sau đó, 7 kiện hàng chứa 158 máy ảnh kỹ thuật số, 17 máy quay phim nhãn hiệu của Nhật và một số linh kiện điện tử máy tính xách tay của Vũ được lôi ra. Toàn bộ số hàng hóa này đều không có một mảnh hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Vậy là bước đột phá đã thành công, Vũ bị áp giải về nhà riêng ở số 287 đường Hoàng Hoa Thám, phường 13, quận Tân Bình để khám xét.

Tại nhà riêng của Vũ, Cơ quan điều tra tiếp tục thu được 3 kiện hàng toàn máy ảnh kỹ thuật số chưa kịp tiêu thụ. Lúc này là thời điểm phải chạy đua với công việc, nếu chần chừ là người nhà của Vũ sẽ thông báo cho thân nhân và đám tay chân tẩu tán hết các kho hàng lậu khác. Vì thế anh em đã không kịp kiểm đếm hàng hóa mà chỉ cho vào thùng rồi niêm phong để thực hiện kiểm đếm sau. Cuộc khám xét nhà Vũ kết thúc thì đồng hồ đã chỉ sang một ngày mới - 1 giờ ngày 11/1/2006, Vũ được một tổ áp giải về trụ sở Bộ Công an để lấy lời khai, số anh em còn lại tiếp tục chia làm 2 tổ để triển khai khám xét tiếp hai cửa hàng tiêu thụ hàng lậu của Vũ: một ở số 79 và một ở số 105 đường Nguyễn Huệ, quận 1. Đến 5 giờ, cuộc khám xét kết thúc với số máy ảnh và máy quay phim kỹ thuật số trị giá hàng tỉ đồng không có chứng từ hóa đơn đã được thu giữ.

Cho đến lúc này, vụ án vẫn được tiếp tục mở rộng điều tra. Hàng chục cửa hàng tiêu thụ hàng lậu của Vũ ở khắp thành phố vẫn chưa được kiểm tra khám xét. Qua một đêm thức trắng vật lộn với công việc, các cán bộ Phòng 7 và Phòng 11 của Cục CSKT đã mệt nhoài. Thế nhưng dừng công việc lúc này là hàng chục cửa hàng do tay chân Vũ điều hành sẽ tẩu tán hết hàng lậu. Sau cuộc hội ý nhanh, Phó phòng 7 Lê Thế Chiến động viên anh em tiếp tục ra quân và đồng loạt khám xét 5 cửa hàng: 35 Lê Lợi; cửa hàng số 40 và cửa hàng số 18 Huỳnh Thúc Kháng; cửa hàng số 123 và số 135 Nguyễn Huệ. Tại cửa hàng số 40 Huỳnh Thúc Kháng, lực lượng khám xét phát hiện Lê Thị Thúy Loan, em dâu của Vũ đã kịp tẩu tán 22 máy quay phim hiệu Sony, nhiều chiếc trị giá tới 4.000 - 5.000 USD bằng cách “thả dù” máy từ trên lầu xuống mái tôn nhà số 141 Tôn Thất Đạm... Đến chiều 11/1/2006, số máy ảnh và máy quay phim không có chứng từ hóa đơn nguồn gốc bị thu giữ đã lên tới cả chục tỉ đồng.

Trong khi đó, tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Thanh Vũ đã khai nhận, tất cả các chuyến vận chuyển hàng lậu về, Vũ thường trực tiếp “làm luật” với cán bộ hải quan. Riêng vụ buôn lậu bị phát hiện tại sân bay chiều ngày 10/1/2006, Vũ khai đã chi cho 3 cán bộ hải quan làm thủ tục là 1.600 USD. Vụ án vẫn đang được tiếp tục mở rộng. Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến mới nhất của vụ buôn lậu “động trời” này

Nguyễn Thanh Hải
.
.
.