Kiểm toán quản lý nợ công 2016: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư “lộ” nhiều thiếu sót

Chủ Nhật, 18/03/2018, 08:44
Từ ngày 15-11-2017 đến 29-12-2017, Đoàn Kiểm toán Nhà nước thuộc Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II đã tiến hành việc kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nợ công 2016 theo phạm vi niên độ tài chính năm 2016 và các thời kỳ trước, sau có liên quan của các đơn vị.


Cuối tháng 2-2018, kết quả kiểm toán đã được gửi về 4 đơn vị thuộc diện kiểm toán là Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước; Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Điều đáng chú ý, hàng loạt thiếu sót tại các đơn vị trên đã được kết luận kiểm toán chỉ rõ.

Nợ công năm 2016 tăng thêm hơn 5.000 tỷ đồng sau kiểm toán

Về tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo nợ công, Kiểm toán Nhà nước cho hay, ngoại trừ giới hạn kiểm toán, báo cáo về các chỉ tiêu giám sát nợ công năm 2016 còn một số chỉ tiêu phải điều chỉnh theo kết quả kiểm toán để đảm bảo tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của số liệu nợ công.

Cụ thể, nợ Chính phủ (nợ nước ngoài) điều chỉnh chênh 4.966 tỷ đồng do một số dự án chưa kịp thời ghi nhận rút vốn; nợ được Chính phủ bảo lãnh chênh 18,44 tỷ đồng do hạch toán trả nợ quá hạn của dự án Xi măng Hạ Long không đúng tiến độ; nợ chính quyền địa phương chênh 28 tỷ đồng do tỉnh Vĩnh Long báo cáo thiếu khoản vay của Công ty TNHH De Heus. Tổng cộng chênh 5.012 tỷ đồng.

Liên quan đến vệc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ trong quản lý nợ công, kết luận kiểm toán cũng chỉ rõ tồn tại ở từng bộ ngành. Cụ thể, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác xây dựng, ban hành văn bản trong việc quản lý, sử dụng nợ công tồn tại ở việc Bộ này tham gia với Bộ Tài chính trong việc xây dựng các văn bản chậm so với yêu cầu, một số nhiệm vụ chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch; việc trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng hợp theo định kỳ về tình hình vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn ưu đãi chậm và chưa đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định; đơn vị tính tại các phụ biểu của Báo cáo là “triệu USD” trong khi theo quy định là “tỷ đồng”.

Dự án Xi măng Hạ Long là một trong những dự án không đúng tiến độ, góp phần làm gia tăng nợ công.

Dẫn chứng rõ hơn, tại báo cáo năm 2016 tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 3.695 triệu USD (khoảng 80.813 tỷ đồng, chưa bao gồm phần rút vốn trực tiép hỗ trợ ngân sách), trong đó ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi đạt 3.481 triệu USD, ODA viện trợ không hoàn lại là 214 triệu USD; vốn đầu tư phát triển cấp phát từ ngân sách trung ương giải ngân lại là 42.552 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số liệu tại báo cáo chưa đủ cơ sở xác nhận, do việc tổng hợp tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với dự án có sự trùng lặp; số liệu giải ngân của các cơ quan không báo cáo được Bộ Kế hoạch và đầu tư tham khảo từ các nguồn khác hoặc lấy số liệu giải ngân kỳ gần nhất nên chưa đảm bảo tính chính xác…

Liên quan đến công tác xây dựng kế hoạch vốn, qua kiểm toán tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, một số bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn vốn nước ngoài không đúng quy định, thông tin chưa chính xác 2.473 tỷ đồng dẫn đến không được phân bổ vốn đầu năm; một số địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương vẫn xây dựng nhu cầu vốn đối ứng nguồn ngân sách Trung ương (nguồn trái phiếu Chính phủ) không đúng quy định như tỉnh Bắc Ninh 295 tỷ đồng; Quảng Ngãi 14 tỷ đồng…

Chưa dừng lại, qua kiểm tra chọn mẫu trên số báo cáo và các tài liệu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp cho thấy một số bộ, ngành, địa phương giải ngân vượt so với kế hoạch vốn được giao.

Cụ thể có 64 dự án giải ngân vượt kế hoạch vốn được giao hoặc không được giao kế hoạch vốn nhưng vẫn giải ngân, khiến tổng số vốn vay đã giải ngân vượt 9.710 tỷ đồng.

Bộ Tài chính: Nhiều thiếu sót trong điều hành, quản lý nợ

Về việc chấp hành các quy định của Luật Quản lý nợ công và các quy định có liên quan, Kiểm toán cho biết công tác điều hành, quản lý các khoản vay của Bộ Tài chính còn nhiều bất cập.

Cụ thể, công tác quản lý nợ chính phủ còn một số tồn tại như: Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn và chưa thực hiện các thủ tục ký hợp đồng nhận nợ đối với VEC theo ý kiến của Phó Thủ tướng. Bộ cũng chưa ký xác nhận biên bản giữa cơ quan cho vay lại (tức Bộ Tài chính) và đơn vị vay lại (VDB). Trừ các khoản trái phiếu quốc tế 38.547 tỷ đồng (chưa đến hạn trả gốc), Bộ chưa đối chiếu thời điểm 31-12-2016 của 1/33 chủ nợ (là Iraq).

Kết quả kiểm toán đối chiếu chọn mẫu 22 dự án/khoản vay nước ngoài và tổng hợp số liệu đối chiếu giữa Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại với các chủ nợ cho thấy Cục chưa cập nhật kịp thời số liệu rút vốn các năm trước, chưa điều chỉnh số liệu sau khi đối chiếu với chủ nợ, theo dõi và tổng hợp thiếu nợ nước ngoài của Chính phủ số tiền 4.966 tỷ đồng.

Qua chọn mẫu đối chiếu 22 dự án/khoản vay nước ngoài, cho thấy còn một số khoản rút vốn chưa được ghi thu – ghi chi kịp thời, chẳng hạn dự án Nghi Sơn của nhà tài trợ JICA ghi thu – ghi chi thiếu 0,387 tỷ đồng. Về quản lý các khoản cho vay lại, đến 31-12-2016, có 60 dự án chuyển nợ quá hạn (gốc, lãi, phí) tương đương 10.556 tỷ đồng (chiếm 3,3% tổng dư nợ cho vay lại).

Trong đó, dự án Vinashin có nợ quá hạn 8.180 tỷ đồng; số nợ của các dự án còn lại là 2.376 tỷ đồng. Hầu hết các dự án được thực hiện trước năm 2010 do sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, phải khoanh nợ, cơ cấu lại nợ.

3 dự án điển hình là dự án Dâu tằm tơ (dư nợ quá hạn 102 tỷ đồng, dự án không hiệu quả và không trả được nợ, dù Chính phủ cho phép giảm số tiền trả nợ gốc từ hơn 3 triệu euro xuống còn 2,5 triệu euro); dự án nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt Hà Nam (dư nợ quá hạn 22 tỷ đồng, dự án hoạt động không hiệu quả, không có nguồn thu để trả nợ); dự án máy nghiền sàng đá (dư nợ quá hạn 24 tỷ đồng, Chính phủ đã phải cho phép bán thanh lý tài sản để trả nợ vay).

Ngoài ra, còn có tình trạng dự án không được tính toán kỹ về tiến độ triển khai dẫn đến dự án đã được ký hiệp định vay với Chính phủ nước ngoài nhưng không thực hiện giải ngân, vẫn phải trả khoản phí cam kết cho nhà tài trợ.

Đối với công tác điều hành, quản lý các khoản vay nợ được Chính phủ bảo lãnh, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ nhiều chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc các quy định về công bố thông tin nhưng Bộ Tài chính chưa thực hiện xử lý.

Bộ cũng chậm trễ trong thực hiện quản lý tài sản đảm bảo cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Điều 13, Nghị định 15/2011 và Thông tư 10/2016/TT-BTC. Tính đến thời điểm kiểm toán, Bộ Tài chính mới chỉ ký được 09/54 (chiếm 16,7%) hợp đồng thế chấp tài sản.

Đối với công tác điều hành, quản lý các khoản vay nợ chính quyền địa phương, Kiểm toán Nhà nước cho biết số liệu theo dõi nợ chính quyền địa phương tại Kho bạc Nhà nước của 46 tỉnh, thành chênh lệch 7.144 tỷ đồng so với số liệu theo dõi của cơ quan tài chính được Vụ Ngân sách Nhà nước tổng hợp lên Bản tin nợ công…

Với các kết quả như trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh số liệu nợ công theo kết quả kiểm toán: tăng 5.012 tỷ đồng trong đó nợ Chính phủ là 4.966 tỷ đồng, nợ được Chính phủ bảo lãnh là 18 tỷ đồng và nợ chính quyền địa phương (tỉnh Vĩnh Long) là 28 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện hướng dẫn để ký hợp đồng đối với khoản vay của ngân sách Nhà nước ứng từ quỹ tích lũy trả nợ 2.477 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị Bộ Tài chính chấn chỉnh công tác quản lý nợ công.

Đặng Nhật
.
.
.