Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long:

Biểu giá phải có tác dụng điều tiết, cảnh báo người dân tiết kiệm điện

Thứ Tư, 07/10/2015, 07:59
Liên quan đến việc điều chỉnh biểu giá điện đang được dư luận chú ý thời gian gần đây cũng như chuyện công khai, minh bạch của EVN, GS. Viện sỹ Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, giá điện không thể chỉ được quản lý như hàng hoá thông thường, bởi nó liên quan đến câu chuyện tài nguyên và môi trường của đất nước.

PV: Thưa Giáo sư, được biết ông có quan điểm là giữ biểu giá điện ở mức 5 bậc thang, và khoảng cách giữa các bậc thang phải cao, khác với nhiều quan điểm hạ bớt bậc thang. Xin ông cho biết lý do?

GS. Trần Đình Long: Theo tôi được biết thì hiện nay, phần đông ý kiến đồng ý nên áp dụng biểu giá bậc thang ở Việt Nam, vì mọi người đều thấy biểu giá điện nói riêng và vấn đề giá điện nói chung là công cụ quản lý Nhà nước để điều tiết nhu cầu sử dụng điện, ở nước nào cũng vậy.

Không phải anh có tiền anh muốn xài bao nhiêu điện thì xài, cũng không chỉ là câu chuyện về thiếu – đủ, kể cả sau này Việt Nam có thừa thãi điện cũng vậy, vẫn phải khuyến khích sử dụng tiết kiệm, vì điện liên quan đến câu chuyện tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường của đất nước. Thêm vào đó, cần phải có điều tiết để hỗ trợ người nghèo và “ra tín hiệu” đối với những người sử dụng quá nhiều điện. Anh sử dụng năng lượng phí phạm quá sẽ dẫn đến hậu quả môi trường rất xấu, và toàn xã hội phải chịu đựng hậu quả đó.

Phương án giá bình quân mới nghe ra có vẻ công bằng vì dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu, nhưng trong giai đoạn này thì hoàn toàn không có tác dụng điều tiết. Phương án 3 bậc quá “cứng”, tác động điều chỉnh cũng kém. Nhiều bậc quá thì quá phức tạp, không phải đối với sự tính toán của EVN mà là đối với việc theo dõi của người sử dụng. Do đó, tôi đề xuất gộp bậc 1 và 2 lại để dễ nhớ, mỗi bậc 100 kWh, thứ 2 là mức sống hiện đã tốt hơn, nên “hạng” dưới 100 kWh có thể xem là hộ nghèo hoặc có thu nhập thấp, cần hỗ trợ.

Theo con số của EVN, trung bình cả nước, mỗi hộ dùng khoảng 150 kWh; bậc 1, bậc 2 đã giải quyết hơn 80% số hộ dùng điện, để 2 bậc thang này ở mức bằng giá điện trung bình của Thủ tướng quyết định và dưới trung bình, sẽ không ai “kêu”. Còn hộ sử dụng cao nhất hiện nay là 770 kWh/tháng, gấp hơn 25 lần hộ nghèo (dùng chưa đến 30 kWh/tháng), nên lưu ý là dùng quá nhiều, phải trả nhiều tiền là hợp lý, bậc thang sau phải cao hơn hẳn. Dùng công cụ điều tiết thì chênh lệch càng nhiều càng tốt.

PV: Tuy nhiên, lý do của việc điều chỉnh biểu giá lần này chính là vì việc chênh lệch giữa các bậc thang quá lớn, khiến số tiền phải nộp của những hộ sử dụng nhiều điện chênh quá nhiều so với số điện mà họ sử dụng.

GS. Trần Đình Long: Như tôi đã nói, điện là loại hàng hoá phải khuyến khích tiết kiệm, và đánh vào túi tiền là tác động tốt nhất, càng tách biệt giữa các bậc thang, hiệu quả càng tốt. Chúng ta chỉ điều chỉnh để không ảnh hưởng đến người nghèo và tầng lớp trung lưu, ví dụ ở Việt Nam 300 – 400 là vừa phải, “kết thúc” tầng lớp trung lưu. Còn những nhà gì cũng dùng điện, thậm chí họ đun nước bể bơi bằng điện là phí phạm, có thể dùng bình năng lượng mặt trời, hoặc gì đó. Đối với những bậc thang cao, phải có sự cách biệt lớn để người dân lưu ý.

PV: Từ trước tới nay, việc điều chỉnh chính sách liên quan đến điện luôn rất khó, thường vấp phải phản ứng tiêu cực của dư luận, mà chủ yếu liên quan đến việc minh bạch hay không minh bạch của EVN. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?

GS. Trần Đình Long: Tôi cho rằng đây là lỗi của hệ thống quản lý. Nhiệm vụ của EVN là phải làm thế nào để mọi thứ không còn “lấn cấn”, nếu có câu hỏi từ dư luận thì hệ thống quản lý phải có trách nhiệm làm cho nó rõ ràng ra. Nếu chưa làm được là do hệ thống đó thiết kế chưa tốt. Câu chuyện của EVN cũng có nhiều lý do, một phần do thành kiến của xã hội từ thời bao cấp. Cũng có những lúc ngành điện nhũng nhiễu, vòi vĩnh, muốn cấp điện hay hỏng điện muốn chữa cũng đòi cái nọ cái kia…

GS Trần Đình Long.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều thông số đã được EVN công khai, và người dân cũng có quyền đòi EVN công khai: mua điện ở đâu, giá bao nhiêu, truyền tải thế nào… Nếu nghi ngờ, có quyền kiểm ra, nếu thấy gian lận thì cơ quan Nhà nước phải vào cuộc. Còn nếu người ta đã đưa ra các con số mà không phát hiện được gì bất thường, thì cũng đừng nói oan cho người ta.

PV: Thưa Giáo sư, trong điều kiện hiện nay, có thể làm gì để cải thiện lòng tin của người dân vào ngành điện và việc điều hành giá điện?

GS. Trần Đình Long: Tôi cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước phải có giải pháp, phải làm tròn vai trò một “trọng tài” tốt. Mỗi lần tăng giá, cứ để EVN đề xuất giá thì dân kêu là phải, vì anh sản xuất bao giờ cũng thích lãi nhiều. Hoặc chuyện quản lý công tơ điện lại do ông bán điện làm, thì người dân có quyền nghi ngờ. Quản lý Nhà nước phải có giải pháp, Cục Điều tiết Điện lực phải đóng vai trò trọng tài.

Ví dụ mỗi lần EVN muốn tăng giá điện, hãy công bố rộng rãi trên báo chí, mời tất cả những người quan tâm đến tranh luận, EVN cho biết vì sao phải tăng giá, người tiêu dùng, giới chuyên gia phản biện. Sau đó, một hội đồng đại diện của Nhà nước sẽ bỏ phiếu, bên nào chiếm đa số bên đó sẽ thắng.

Như vậy vừa tăng tính tranh biện, vừa minh bạch, rõ ràng. Hay việc quản lý công tơ, sắp tới trong lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh đã có đề án thành lập 1 xí nghiệp đo đếm, tách khỏi EVN. Đơn vị này sẽ chuyên cung cấp công tơ, sửa chữa, quản lý, ghi số liệu… để khách quan hơn.

Người dân, kể cả bên bán điện, nếu theo dõi thấy bất thường có thể tìm đến đơn vị quản lý công tơ, làm sai họ phải chịu trách nhiệm. Như vậy, sẽ không còn cảnh người dân phải băn khoăn không biết mình có bị bên bán điện ghi thêm số để “ăn” tiền không?

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Vũ Hân
.
.
.