'Biến' vàng trữ trong dân thành vốn

Thứ Sáu, 16/01/2015, 10:19
Sau một năm giẫm chân tại chỗ, một lần nữa, Chính phủ đã phải nhắc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc huy động số vàng đang nằm “chết” trong dân, biến thành vốn phục vụ nền kinh tế.

Theo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015 vừa ban hành, Chính phủ giao NHNN chủ động thực hiện các giải pháp quản lý có hiệu quả thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, tiếp tục khắc phục tình trạng đôla hóa, vàng hóa trong nền kinh tế, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN nghiên cứu thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khi các điều kiện thị trường thuận lợi.

Như vậy, đây là lần thứ 2, câu chuyện huy động vàng trong dân lại được Chính phủ đưa ra để nhắc NHNN thực hiện. Trước đó, hồi đầu năm 2014, trong Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ đã từng yêu cầu NHNN sớm có các biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sau khi NHNN can thiệp mạnh vào thị trường vàng để chống vàng hóa và đạt được nhiều kết quả khả quan trong năm 2013.

Vàng đã bớt hấp dẫn người dân và các nhà đầu tư.

Năm 2014, suốt 1 năm trời ròng rã, thị trường vàng không có nhiều “sóng gió”, vì kim loại quý đã mất sức hấp dẫn đối với người dân lẫn nhà đầu tư. Phía NHNN cũng không còn phải tổ chức các phiên đấu thầu vàng để can thiệp thị trường như trước. Tuy nhiên, thực tế, giá vàng trong nước vẫn luôn giữ khoảng cách chênh lệch rất cao so với thế giới, có thời điểm lên tới 5 triệu đồng/lượng.

Đáng chú ý, thi thoảng, các vụ buôn lậu vàng vẫn được “khui” ra làm khuấy động thị trường tài chính. Nhưng tuyệt nhiên, cho đến thời điểm này, phía NHNN vẫn chưa công bố triển khai giải pháp nào để huy động vốn vàng trong dân, dù từ năm 2013, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam đã gửi đề xuất về phương án huy động vàng.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, muốn người dân chịu “nhả” vàng ra, thì trước hết cần phải đảm bảo được các yếu tố ổn định về chính sách vĩ mô lẫn điều kiện thực thi nhất quán, trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của cả tổ chức đầu tư, kinh doanh vàng cũng như của người gửi vàng. Các yếu tố kinh tế vĩ mô phải ổn định, trong đó thước đo quan trọng nhất là lạm phát phải được kiểm soát, duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định theo thị trường để tránh tác động tới giá vàng.

Điều này, năm 2014, nền kinh tế Việt Nam đã làm được, và theo nhận định, năm 2015, kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Như vậy, rõ ràng đã đến thời điểm chín muồi để việc huy động vàng trong dân có thể triển khai. Phía NHNN chắc cũng không có lý do gì để trì hoãn việc này.

Cuối năm 2013, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam đã gửi đề xuất về phương án huy động vàng bằng cách phát hành chứng chỉ vàng lên NHNN. Song song đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia để người dân mua bán tiện lợi hơn.

Chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng để phát hành chứng chỉ, chính sách quản lý thị trường vàng phải tuân thủ quy luật của thị trường và thông lệ quốc tế. Khung pháp lý phải rõ ràng, nhất quán, không có rào cản cho việc chuyển đổi chứng chỉ vàng lấy vàng miếng và ngược lại. Mọi thông tin cần được minh bạch, giúp cho người gửi vàng yên tâm, cảm thấy an toàn, tính toán hợp lý đảm bảo lãi suất có lợi cho người gửi vàng.

Về điều kiện thực thi, việc phát hành chứng chỉ vàng cần đảm bảo tính thanh khoản tốt cho chứng chỉ huy động vàng và hệ thống NH luôn sẵn sàng có nguồn vàng đáp ứng nhu cầu rút vàng của dân khi đến kỳ, hay trong những trường hợp biến động bất thường. Quy trình, thủ tục phải khoa học, chặt chẽ từ khâu phát hành chứng chỉ, nhận gửi, trả vàng, nhưng phải đơn giản, thuận tiện. Chứng chỉ vàng có thể cầm cố, thế chấp, cho vay, chuyển nhượng... và có thể lâu dài chứng khoán hóa, được phép giao dịch trên thị trường mở và thị trường thứ cấp.

Về cách thức huy động, theo ông Long, NHNN sẽ là người phát hành chứng chỉ vàng, có các loại mệnh giá như: 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ; 1 lượng, 2 lượng, 5 lượng, 10 lượng... Đặc điểm của vàng huy động thông qua phát hành chứng chỉ là người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây. Do vậy, vốn vàng có thể được sử dụng làm một nguồn lực dài hạn cho đầu tư phát triển.

“Xuất phát từ đặc điểm, tập quán về thói quen và truyền thống tích trữ vàng trong dân của nước ta, việc cấp chứng chỉ vàng có thể nói là phương thức huy động vàng trong dân hữu hiệu nhất. Cách làm này sẽ loại bỏ được tâm lý, truyền thống đã ăn sâu hàng thế kỷ nay của người dân, đó là giữ vàng nằm im một chỗ, mà không phát huy được tác dụng gì. Việc phát hành chứng chỉ vàng sẽ hạn chế mua bán vàng miếng, đây cũng là một trong những giải pháp ổn định thị trường vàng. Muốn thực hiện được phương thức huy động này, NHNN cần có những chuyên gia giỏi phân tích và đưa ra dự báo về giá vàng trong thời gian tới, và cần sử dụng các công cụ bảo hiểm rủi ro do biến động của giá vàng thế giới. Đây là điều cần thiết phải có và phải thực hiện đối với NHNN. Nếu không chúng ta sẽ phải trả giá cho những sai lầm tính toán của các chuyên gia”, ông Long khuyến cáo.

Lệ Thúy
.
.
.