Biện pháp ngăn chặn hàng nhái, hàng giả

Thứ Tư, 02/10/2013, 15:07
Ngày 1/10, Trung tâm tư vấn dịch vụ chống hàng giả (trực thuộc Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu) tổ chức hội thảo “ Phòng chống hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền SHTT”. Ông Trần Văn Xiêm - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa Miền Nam nhận định: “Hàng gian, hàng giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Gần như tất cả các loại hàng hóa, cứ có lợi nhuận thì thì có hàng giả, hàng kém chất lượng”.

Theo số liệu của Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa Miền Nam,  qua kiểm tra 79 cơ sở với 416 mặt hàng gồm: xăng dầu, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện tử (các mặt hàng thuộc nhóm 2 do Bộ KH&CN quản lý), Chi cục đã phát hiện có 33,89% không đạt yêu cầu về ghi nhãn hàng hóa; 14,5% hàng hóa không đạt yêu cầu về chất lượng; Với mặt hàng bánh trung thu, phát hiện 5/8 cơ sở sản xuất ghi nhãn không phù hợp; Đối với thực phẩm đóng gói sẵn bán trong siêu thị, phát hiện 11/248 mẫu ghi nhãn không phù hợp bán tại 9 siêu thị lớn ở TP.Hồ Chí Minh và TP.Cần Thơ. Ông Trần Văn Xiêm cho biết, trong tuần tới, Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa Miền Nam phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các chỉ tiêu về ATVSTP đối với các loại thực phẩm ăn trong ngày. Kết quả kiểm tra sẽ được công bố để người tiêu dùng biết.

Ông Lee Kiên – Công ty TNHH Thế giới túi xách cũng cho biết, hầu như túi xách giả - nhái, đều có bày bán tại các trung tâm mua sắm cao cấp, cửa hàng hoặc chợ đầu mối… cứ mẫu nào ăn khách thì lập tức chỉ một thời gian sau là coppy ra đầy chợ và cả trên mạng. Chính công ty Thế giới túi xách cũng là nạn nhân của nhiều mẫu mã bị nhái, điền hình như mẫu ba lô cặp học sinh kéo có hơn 300.000 sản phẩm bị nhái kiểu dáng. Cũng theo ông Lee Kiên, ngoài một số cơ sở sản xuất trong nước làm giả, làm nhái các sản phẩm có thương hiệu thì hiện nay túi xách  xuất xứ từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường. Do 80% nguyên liệu sản xuất túi xách phải nhập khẩu từ Trung Quốc, chi phí cao, nên một số doanh nghiệp đã nghĩ ra cách sử dụng sản phẩn hoàn chỉnh do Trung Quốc sản xuất, sau đó gắn mác của doanh nghiệp mình vào rồi phân phối ra thị trường làm NTD lầm tưởng là hàng sản xuất trong nước. Hiện, có nhiều doanh nghiệp túi xách chỉ gia công cho nước ngoài, hoặc chuyển sang gia công làm hàng khuyến mãi, quà tặng giá rẻ cho các nhãn hàng khác. Với tình trạng hàng giả, hàng nhái không thể kiểm soát như hiện nay, nếu không ngăn chặn kịp thời thì chỉ vài năm nữa sẽ giết chết các sản phẩm thương hiệu trong nước.

Mũ bảo hiểm giả hiệu “Nón Sơn” bị Công an TP.Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ.

Đại diện công ty nhựa Bình Minh bức xúc, sản phẩm của công ty nhựa Bình Minh bị làm giả, làm nhái không chỉ mới đây mà cách đây từ 15 năm. Những vụ vi phạm đều được cơ quan Công an xử lý hình sự, truy tố đối tượng ra trước pháp luật. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hình như việc phối hợp của cơ quan chức năng với doanh nghiệp trong việc chống hàng chưa được quan tâm lắm. Như vụ gần đây nhất, khi công ty nhựa Bình Minh phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, đã báo đến cơ quan thực thi. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã tạm giữ tang vật vi phạm, nhưng vụ việc kéo dài không xử lý được Chúng tôi làm công văn để hỏi thì nghe trả lời, nguyên nhân là… chờ ý kiến cấp trên.

Theo ông Trần Văn Xiêm, việc chống hàng nhái, hàng giả thì nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát tình hình sản xuất, nhập khẩu và hàng hóa lưu thông trên thị trường. Ông Nguyễn Ngọc Khoa – Chủ tịch Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu thì cho rằng, đó là trách nhiệm của 3 đối tượng: Các cơ quan quản lý Nhà nước, các lực lượng thực thi  phải ban hành đầy đủ, khả thi các văn bản quy phạm pháp luật; Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh  thì phải hiểu và làm theo pháp luật và NTD thì không sử dụng hàng giả. Nếu NTD mua phải hàng giả thì phải phản ánh cho doanh nghiệp sản xuất, cho cơ quan quản lý Nhà nước và Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu để sớm có biện pháp ngăn chặn

Thúy Hà
.
.
.