Biên giới Lạng Sơn nóng bỏng các thủ đoạn buôn lậu mới

Chủ Nhật, 16/12/2012, 23:23
Lợi dụng chính sách của Chính phủ về hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới có chung biên giới theo QĐ 254/2006/QĐ-TTg để buôn lậu, các đối tượng “đầu nậu” đã sử dụng thủ đoạn thuê sổ thông hành của cư dân biên giới để đứng ra kê khai hàng hóa, sau đó thu gom hàng lại và vận chuyển vào nội địa.

Chặn một số “điểm nóng” ở khu vực đường mòn trọng yếu bằng hàng rào dây thép gai, lực lượng Bộ đội Biên phòng và Hải quan cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn tổ chức chốt chặn 24/24 giờ. Bí bách, “đầu nậu” tìm mọi cách tháo hàng đang chất như núi ở bên kia biên giới bằng thủ đoạn thuê cư dân giáp biên (người được hưởng chính sách ưu đãi trao đổi hàng hóa theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ) vận chuyển hàng lậu về Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam, sau đó hợp thức bằng hóa đơn chứng từ, ung dung đưa hàng vào nội địa.

Những ngày này, biên giới Lạng Sơn cực kỳ nóng bỏng khi có tới hàng nghìn cư dân được hưởng chính sách 254 ùn ùn làm thủ tục xuất nhập cảnh, gây tắc nghẽn cửa khẩu.

Có lẽ, chưa khi nào, cửa khẩu Cốc Nam và Tân Thanh ở Lạng Sơn lại diễn ra tình trạng cư dân bám biên ùn ùn kéo đến làm thủ tục xuất nhập cảnh để kê khai trao đổi hàng hóa như thời gian vừa qua.

Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách ưu việt đối với công dân có hộ khẩu thường trú tại các khu vực tiếp giáp biên giới khi họ được mua bán, trao đổi các mặt hàng phù hợp với quy định về hàng hóa thương mại biên giới và được miễn thuế nhập khẩu nếu giá trị hàng hóa đó không quá 2 triệu đồng/người/ngày. Lợi dụng chính sách này, nhiều đối tượng “đầu nậu” đã thuê sổ thông hành của cư dân giáp biên hoặc vận động, thuê họ vận chuyển hàng lậu với thù lao 150.000đ/chuyến.

Cụ già đi “cõng” hàng

Sương mù dày đặc bám quanh đường biên, nền đất nhão nhoẹt lầy lội do công trình cửa khẩu Cốc Nam đang thi công, xe tải chở hàng chờ xuất khẩu nối đuôi nhau dài dằng dặc. Sáng sớm 14/12, dòng người lũ lượt kéo đến khu vực cổng 1 cửa khẩu Cốc Nam đứng chờ làm thủ tục xuất cảnh.

Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy tham gia vào dòng người này có rất nhiều cụ già từ 70 đến 80 tuổi. Ngồi dưới một trụ cổng đang xây dựng là 2 cụ bà có lẽ trên dưới 80 tuổi, mỗi người có một bọc hàng đang chờ tới lượt được nhập cảnh. Một trong 2 cụ cho biết, mấy hôm nay ngày nào các cụ cũng “đi hàng”, ngày 1 chuyến. Chúng tôi hỏi, cụ sang bên kia lấy hàng về thì bán ở đâu? Các cụ chỉ lắc đầu. Một cán bộ Hải quan nói nhỏ với chúng tôi: “Không bao giờ họ nói đâu, “đầu nậu” đã quán triệt hết rồi”.

Xuất hiện nhiều cụ già xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Cốc Nam để vận chuyển hàng hóa.

Qua cổng 1 là phía bên kia nước bạn, nơi có vài chục cư dân vùng biên với đống hàng cao chất ngất đang chờ nhập cảnh. Lố nhố trong số ấy có rất nhiều cụ già. Người nào cũng kè kè bên mình túi hàng, có người thì gánh, người thì xách, người thì đội đầu. Có cụ mệt quá ngồi ngay ở đường biên để nghỉ. Dường như biết chúng tôi là phóng viên, các cụ rất cảnh giác trước ống kính máy ảnh và không trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Cụ nào yếu quá không mang vác nổi thì nhờ con, nhờ cháu hoặc thanh niên vác hộ.

Cụ bà Nông Thị Én, ở xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh ở cửa khẩu Cốc Nam khá thành thạo. Sau một loáng xuất cảnh sang biên giới, cụ đã trở về với 1 gùi hàng. Lấy lý do sức khỏe yếu, cụ phải nhờ người cháu gùi hàng về hộ. Cán bộ Hải quan Cốc Nam đã kiểm tra gùi hàng xem cụ kê khai có chính xác như khai báo không, khi thấy lô hàng ước chừng không vượt quá 2 triệu thì mới được thông quan.

Theo lực lượng chống buôn lậu ở đây thì mỗi chuyến mang vác hàng có giá trị 2 triệu đồng này, một cư dân biên giới được chủ “đầu nậu” trả công 150.000đ. Thế nên, dù là cụ già, phụ nữ miễn là có sổ thông hành, họ cũng được “đầu nậu” tận dụng triệt để. Có gia đình huy động cả nhà từ 3-5 người cùng làm thủ tục xuất nhập cảnh để trao đổi hàng hóa.

Mới có giải pháp tạm thời

Đầu tháng 12, tại cửa khẩu Tân Thanh xuất hiện lượng cư dân biên giới xuất nhập cảnh để mang vác hàng hóa tăng đột biến, có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tình thế buộc các ngành chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã họp tại cửa khẩu Tân Thanh và thống nhất dừng ngay việc lợi dụng chính sách ưu đãi trao đổi hàng hóa cư dân biên giới để đưa hàng lậu qua cửa khẩu Tân Thanh, đồng thời giao cho Cục Hải quan Tân Thanh và Cốc Nam phối hợp tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ xử lý trường hợp vi phạm.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam thì từ đầu tháng 12 đến nay, ngày nào tại cửa khẩu Cốc Nam cũng trong tình trạng kẹt cứng người làm thủ tục xuất cảnh, trong đó chủ yếu là cư dân giáp biên có sổ thông hành do được hưởng chính sách ưu đãi theo Quyết định 254.

Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng và Hải quan Cốc Nam, mỗi ngày có từ 1.400 – 1.500 lượt người xuất cảnh, nhập cảnh, trong đó có hơn 300 đến 500 cư dân biên giới kê khai trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu với diễn biến khá phức tạp. Mặt hàng chủ yếu là chăn, ga, quần áo các loại và đều được cư dân vác thuê cho một số “đầu nậu”.

Thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng có 7.000 nhân khẩu thì trong số ấy có tới vài trăm người ngày nào cũng xuất cảnh, nhập cảnh để trao đổi hàng hóa. Thậm chí một gia đình được cấp 1 đến 3 sổ thông hành.

Sở dĩ xuất hiện tình trạng như trên, theo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn là do lực lượng chống buôn lậu ở tỉnh này đồng loạt triển khai các biện pháp ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển hàng hóa qua biên giới trong dịp Tết Nguyên đán.

Hiện nay, các đường mòn biên giới trọng yếu như đường Bãi Gianh (Hữu Nghị); đường mòn 05,06 (Đồng Đăng); đường mòn 386, thác Đầu lâu, thác Ném, Hang Dơi (Cốc Nam); đường mòn Gốc bưởi, Gốc nhãn (Tân Mỹ - Văn Lãng)… đã bị lực lượng Bộ đội Biên phòng và Hải quan chốt chặn kiểm tra 24/24h nên hàng lậu có xu hướng chuyển vào cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam.

Cụ già phải nhờ thanh niên vác hàng qua cửa khẩu đang được cán bộ Hải quan kiểm tra tờ khai.

Các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng chính sách của Chính phủ về hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới có chung biên giới theo QĐ 254/2006/QĐ-TTg để buôn lậu. Các đối tượng “đầu nậu” đã sử dụng thủ đoạn thuê sổ thông hành của cư dân biên giới để đứng ra kê khai hàng hóa, sau đó thu gom hàng lại và vận chuyển vào nội địa.

Trước thực trạng nóng bỏng này, lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác chống buôn lậu, tập trung lực lượng và phối hợp với các lực lượng tại cửa khẩu để quản lý chặt chẽ số người xuất cảnh, nhập cảnh mang vác hàng hóa.

Giải pháp tạm thời hiện nay mà Cục Hải quan Lạng Sơn đưa ra với điểm nóng Cốc Nam là tăng cường 13 cán bộ Hải quan tập trung phân luồng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa cư dân biên giới ngay tại khu vực kiểm soát chặt chẽ tại cổng 1 để hạn chế việc xuất nhập cảnh, đồng thời phát hiện và xử lý kịp các trường hợp vi phạm, lợi dụng chính sách ưu đãi để mang vác hàng lậu qua cửa khẩu

Trần Hằng – Cao Hồng
.
.
.