Bất cập trong thực hiện quy định xếp dỡ, vận chuyển hàng sau cảng

Thứ Hai, 08/06/2015, 09:40
Mới đây, Cảng Hải Phòng tạm đình chỉ công tác ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Cảng Hoàng Diệu do để xảy ra tình trạng bốc xếp hàng quá khổ không có giấy phép. Tiếp đó, nhân viên giao nhận và tổ bảo vệ cũng bị tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm và xem xét trách nhiệm.

Trước đó, ngày 6/4/2015, đoàn thanh tra của Sở GTVT Hải Phòng kiểm tra bất ngờ tình trạng xe chở hàng quá khổ quá tải tại các cảng ở Hải Phòng. Đoàn phát hiện tại Cảng Hoàng Diệu xảy ra tình trạng công nhân bốc xếp hàng lên xe của doanh nghiệp lô hàng siêu trường (quá khổ) mà không có giấy phép của (opetop)
theo quy định.

Cụ thể, chiếc xe được chở tối đa 49 tấn, lô hàng nặng có 39 tấn (không quá tải), nhưng là lô hàng thiết bị cồng kềnh (quá khổ). Công nhân giao nhận của cảng không kiểm tra giấy phép nhưng vẫn cho xuất hàng. Theo Cảng Hải Phòng, nhân viên giao nhận đã sơ suất khi chỉ chú trọng về tải trọng không để ý đến kích cỡ của lô hàng, dẫn đến sai sót.

Xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Hải Phòng.

Theo một số nhân viên giao nhận, họ không cập nhật hết thông tin về xếp dỡ hàng. Đây chỉ là một trong số những bất cập trong quá trình xếp dỡ hàng trong cảng... Theo Cảng Hải Phòng, phương tiện vận chuyển sắt phế liệu là container mở nóc (opetop). Đây là loại container riêng biệt, khi chở sắt phế liệu dễ gây nguy hiểm khi lưu thông trên đường.

Trước tình hình trên, doanh nghiệp vận tải đã hàn gia cố thêm thanh sắt ngoài vỏ container. Khi hàn thêm sắt cho chắc, vỏ container lại thêm 10-15cm. Theo quy chuẩn container, vỏ không được vượt quá 2,5m, nhưng cộng thêm 2 thanh sắt được hàn 2 bên, vỏ container vượt quá 2,5m. Theo quy định, phương tiện chở container này sẽ bị phạt. Tuy nhiên, nếu không hàn thêm sắt, thì mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn rất nhiều lần.

Do đó, việc “chế” thêm thanh sắt hay không khiến các doanh nghiệp đang rất băn khoăn. Hiện nay, cảng và doanh nghiệp vận tải đang tranh luận xung quanh quy định về chở hàng siêu trọng chưa phân biệt rõ ràng từng chủng loại hàng hóa.

Cụ thể, theo Thông tư 30/2013 và Thông tư 6/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định, hàng siêu trọng là hàng không thể tháo rời, có trọng lượng lớn hơn 32 tấn. Những loại hàng này khi lưu thông phải có giấy phép lưu hành đặc biệt. Trên thực tế, khi nhận những container đông lạnh có trọng lượng trên 32 tấn rất nhiều chủ hàng bức xúc do bộ phận kiểm soát cảng không cho hàng rời cảng. Theo các chủ hàng, container lạnh khác với hàng thông thường và không vi phạm quy định của Bộ GTVT.

Việc xin giấy phép lưu hành đặc biệt gây rất nhiều phiền toái cho chủ hàng và doanh nghiệp vận tải. Đối với container loại cao, xếp lên xe, chiều cao của cả xe và hàng (tính từ mặt đường) dao động từ 4,38-4,39m. Tuy nhiên, Bộ GTVT quy định chiều cao của xe và hàng đến 4,35m. Như vậy, hàng nghìn container loại cao tại Hải Phòng rất khó để lưu thông trên đường.

Theo nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại Hải Phòng, hiện nay, những bất cập khi thực hiện quy định tải trọng trong xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa sau cảng biển đều do hệ thống cơ sở thiết bị, hạ tầng có sẵn như: phương tiện chuyên chở, điều kiện vật chất khi xếp hàng...

Về chủ quan, doanh nghiệp không muốn vi phạm. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa tình trạng vi phạm về tải trọng, một số quy định cần được xóa bỏ (hoặc điều chỉnh) cho phù hợp với tình hình thực tế. Để tạo sự an toàn, chắc chắn trong quá trình vận chuyển hàng hóa, việc hàn thêm sắt cho vỏ container mở nóc là lựa chọn bất khả kháng. Đến nay, đa số các doanh nghiệp cảng biển tại Hải Phòng đều triển khai thực hiện kiểm soát tải trọng ngay từ trong cảng. Tuy nhiên, một số quy định về kiểm soát tải trọng trong cảng không phù hợp với thực tế, nên có thể sẽ có lãnh đạo cảng bị “xử lý” vì xe siêu trường, siêu trọng chứ không phải vì quá tải...

Tại các cuộc làm việc với doanh nghiệp cảng, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ GTVT sẽ tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong kiểm soát tải trọng hàng trong cảng. Tuy nhiên, các cảng cần thường xuyên cập nhật thông tin từ phía Bộ GTVT để có kế hoạch điều chỉnh xếp dỡ hàng cho phù hợp.

Hiện, một số cảng hàng rời đang rất lo lắng về tình trạng xếp hàng lên xe đủ tải, nhưng ra khỏi cổng cảng, lái xe nhận thêm hàng (trong khung 10%). Nếu nơi nào xếp quá thêm, khi bị phát hiện chở quá tải thì cảng phải chịu trách nhiệm và nhận các hình thức xử lý. Trong khi đó, cảng không thể giám sát suốt chặng đường xe lưu thông. Vì vậy, các cảng mong muốn có giải pháp giám sát lộ trình.

Đăng Hùng
.
.
.