Bắt cá kiếm hàng trăm triệu đồng dưới những khúc gỗ mục

Thứ Năm, 02/01/2014, 11:29
Mặc dù không sầm uất như phố xá, song so với các vùng biển bãi ngang khác ở Quảng Trị, có thể nói ngư dân các địa phương xã Triệu An, huyện Triệu Phong; thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh giàu có vào hạng nhất tỉnh. Bí quyết làm giàu của bà con ngư dân nơi đây là đánh bắt cá gần bờ, dưới những khúc gỗ mục...

4h sáng, con thuyền công suất nhỏ (8CV) của cụ Sỹ, một ngư dân dày dặn sóng gió ở vùng biển bãi ngang Triệu An nhổ neo tiến ra biển. Không ít lần theo ngư dân đi biển, song lần này tôi cảm giác thật háo hức bởi cái khí chất độc đáo của cụ Sỹ, đã ngoài 70 tuổi mà giọng nói vẫn còn sang sảng: “Nhổ neo, nhổ neo”, như một vị tướng già đang ra lệnh đoàn quân xung trận.

Ở tuổi “cổ lai hy” nhưng cụ Sỹ vẫn còn chắc nịch, nước da đen bóng, lại đứng vào chỗ buồng lái, hai tay khuỳnh ra hai bên hông, trông oai đến lạ! Tầm 30 phút sau, khi trời vừa rạng sáng, con thuyền của cụ Sỹ đã cách bờ chừng 10 hải lý; cụ ra lệnh cho người lái thuyền chạy chậm lại để cụ và những bạn thuyền quan sát mặt biển.

Lái buôn đổ về bến mua cá khi thuyền của ngư dân vào bờ.

“Tui đi biển từ năm 13 tuổi, ngày đó thuyền nan chèo tay chứ không phải như bây giờ. Mình đánh cá lại nhờ vào kinh nghiệm là chính. Bao năm nay kể từ lúc có phương tiện đánh bắt thủy hải sản hiện đại, tui và một số bạn thuyền khác ở đây vẫn trung thành với cách đánh bắt truyền thống của mình. Kinh nghiệm là những đàn cá lớn nằm ngay dưới những khúc gỗ mục dập dềnh trên mặt sóng mà ít người để ý”, vừa quan sát mặt biển, cụ Sỹ vừa kể chuyện…

Một lúc sau, cụ Sỹ bỗng khoát tay về phía sau, ra hiệu đã nhìn thấy đàn cá. Tôi rướn mắt về phía trước, cố tìm tòi trên mặt sóng, nhưng chỉ thấy một bóng đen mờ nhạt từ đằng xa. Sau này tôi mới biết đó chính là một khúc gỗ mục mà cụ Sỹ đã tinh mắt phát hiện ra trước mọi người. Chỉ một lúc quan sát, cụ bảo ngay, dưới khúc gỗ này có nhiều cá lớn, chủ yếu cá bớp không dưới 10 con. Cụ Sỹ và các bạn thuyền bắt đầu buông câu, cứ 5 đến 10 phút là những chiếc cần câu của họ lại bị rút mạnh. Những ngư dân đứng dạng chân trên thuyền, mình gập, tay giữ chắc và rút mạnh cần về phía sau. Những chú cá bớp nặng tới trên 30 cân bị nhấc khỏi mặt nước, quẫy đuôi vào không trung, nhìn thấy “đã mắt”…

Chuyến đi biển của ngày đầu năm 2014, cụ Sỹ và các bạn thuyền đã thu về 25 con cá lớn với 13 cá bớp, 12 cá xanh nặng gần một tấn, chất đầy ắp khoang thuyền. Cụ chia sẻ, cụ và nhiều ngư dân khác ở biển bãi ngang Triệu An và thị trấn Cửa Việt đã phát hiện ra bí quyết này từ cách đây 40 năm. Vào mùa mưa lụt, những khúc gỗ lớn từ các rừng bị dòng nước cuốn ra biển, đến lúc gỗ có rêu, nhiều loài sinh vật như hà, chép bám vào đó để sinh sống. Các đàn cá lớn khi phát hiện, một mặt bơi theo để ăn mồi, nghỉ ngơi, đùa giỡn nhau dưới bóng râm này. Vì vậy, những ngư dân tinh mắt, tinh nghề như cụ Sỹ không cần phải ra khơi hàng trăm hải lý, mà chỉ quanh bờ chừng 10 hải lý trở lại là có thể đánh bắt được cá lớn dưới những khúc gỗ mục này thường hay trôi dạt vào đây. Những loại cá lớn như: Bớp, xanh, cam lại bán rất được giá, mỗi kg tới 200-250 nghìn đồng, nên mỗi chuyến ra khơi trúng đậm là ngư dân thu về hơn 2 tỷ bạc…

Ông Mai Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt cho biết, sơ bộ từ năm 2011 đến 2013, 40 tàu đánh bắt xa bờ của bà con ngư dân thị trấn đánh bắt được tổng cộng 2.200 tấn cá, mực các loại, theo đó bình quân mỗi lao động trên tàu có thu nhập khoảng 40 - 50 triệu đồng/năm. Một số ít ngư dân khác đánh bắt gần bờ, tìm cá dưới những khúc gỗ mục cũng có thu nhập rất cao, ước từ 200 đến 300 triệu đồng/năm/lao động. Tuy nhiên, ở các vùng biển bãi ngang Quảng Trị, không phải ai cũng đánh bắt được bằng nghề này, bởi nó đòi hỏi một quá trình kinh nghiệm từ biển cả rất dày dặn

Thanh Bình
.
.
.