Báo động tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm

Thứ Hai, 11/08/2008, 15:25
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại (Ban 127) TP Hồ Chí Minh thì trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng đã phát hiện, kiểm tra, thanh tra 6.515 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại. Trong đó, vi phạm về gia súc, gia cầm và vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm tỷ lệ khá lớn (1.659 vụ và 1.026 vụ) và tình trạng này đang tiếp tục gia tăng…

Để kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thực phẩm trên thị trường, mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng, các đội thuộc Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) đã phối hợp với các lực lượng tăng cường kiểm tra các đầu mối chuyên sản xuất, kinh doanh để phát hiện, ngăn chặn kịp thời trước khi hàng hóa đưa ra thị trường tiêu thụ.

Thật bất ngờ, chỉ trong một thời gian ngắn, các lực lượng kiểm tra đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm nghiêm trọng về an toàn và chất lượng sản phẩm.

Điển hình, liên tiếp trong 3 ngày 30, 31/7 và 1/8, Đội QLTT 4A phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra xe tải BKS 54X-8616, phát hiện trên xe có 9 danh mục hàng hóa gồm 3.111kg nguyên liệu dùng để sản xuất sữa đã hết hạn sử dụng. Số nguyên liệu sữa này của Công ty TNHH Campina Việt Nam (137 Lê Quang Định, phường 14, quận Bình Thạnh) xuất bán cho Công ty TNHH Minh Đức (phường 2, quận 8).

Kiểm tra tiếp tại kho hàng T&C Tait (QL1A, phường Trung Mỹ Tây, quận 12), lực lượng kiểm tra phát hiện tại đây có chứa 55.583 hộp sữa nước và sữa đặc hiệu Campina và Yippee (Việt Nam sản xuất) phần lớn đã hết hạn sử dụng.

Tiếp tục tại Công ty Sữa Sài Gòn (Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, quận 12) lực lượng kiểm tra cũng phát hiện có 497,9kg hương liệu làm sữa đã hết hạn sử dụng của Công ty TNHH Campina.

Ngày 29/7, Đội QLTT 7B kiểm tra kho chứa hàng của Công ty TNHH TM Trồng trọt Kim Bằng (số 18 Nguyễn Thị Thập, phường Bình Thuận, quận 7) phát hiện tại đây chứa 3.514kg thịt tươi sống và đông lạnh gồm thịt bò, heo, cừu, bê (xuất xứ Australia, Mỹ), công ty chưa xuất trình hóa đơn chứng từ để chứng minh nguồn gốc số hàng trên.

Đội QLTT Tân Bình phối hợp với Công an phường 12, Tân Bình kiểm tra kho chứa hàng của Công ty TNHH TM DV Lê Hoàng tại 42/24 Nguyễn Minh Hoàng, phường 12, quận Tân Bình, phát hiện 2.875kg phụ gia thực phẩm ngoại nhập vi phạm về việc ghi nhãn phụ tiếng Việt… Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã lập 4 đoàn thanh tra chuyên ngành, liên ngành thanh tra 2.678 cơ sở thực phẩm trên địa bàn TP phát hiện 1.026 cơ sở vi phạm. Tiêu hủy 13.029kg gia cầm chưa qua kiểm dịch, 4.628kg trứng gia cầm và 1.675kg thịt heo, bò không rõ nguồn gốc…

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 127 TP Hồ Chí Minh về vấn đề VSATTP, thì tình trạng phổ biến, báo động hiện nay là việc các cơ sở chế biến thực phẩm sử dụng tràn lan các loại hóa chất, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục cho phép của Bộ Y tế.

Trong đó, có nhiều loại chỉ dùng cho sản xuất công nghiệp, gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng như: Bột tẩy trắng, tẩy mùi, chất tăng độ dai, giòn, chất tạo bọt, bột màu… và đến nay, các cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng, chưa có biện pháp quản lý hiệu quả để ngăn chặn, hạn chế tình trạng trên. Ông Dương Công Khanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Chi cục Quản lý thị trường cho rằng, các vụ vi phạm không giảm là do khung hình phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe…

Thực tế cũng cho thấy, các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thương mại nói chung hiện vẫn chủ yếu là xử phạt hành chính, chuyển hồ sơ sang xử lý hình sự quá ít nên không có tính răn đe. Điển hình, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại phát hiện, kiểm tra, thanh tra 6.515 vụ vi phạm thì trong đó, xử lý hành chính đến 5.462 vụ và điều tra, khởi tố chỉ có 8 vụ. Mặt khác, mức xử phạt hành chính với mức tiền phạt còn quá thấp so với trị giá hàng hóa vi phạm nên các đối tượng vi phạm sẵn sàng chấp nhận hình thức phạt để tiếp tục tái phạm

T.Hà
.
.
.