Bánh, mứt, kẹo, thực phẩm không nguồn gốc xuất hiện nhiều

Thứ Ba, 29/01/2013, 10:53
PV Báo CAND đã tiếp cận dò hỏi một số chủ cửa hàng về giá cả các mặt hàng. Tuy nhiên, ngay khi hỏi “Cái này xuất xứ ở đâu? Có chứng nhận an toàn không chị?”, chúng tôi nhận được những ánh mắt khó chịu, nghi ngờ vì biết không phải dân buôn “xịn”. Dân “chuyên nghiệp” không ai hỏi những câu thừa thãi như vậy.

Chỉ còn khoảng chục ngày nữa là Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, không khí đã khá nhộn nhịp người từ các tỉnh về lẫn người dân bắt đầu rục rịch sắm Tết. Vì thế, đang là thời gian cao điểm của việc tiêu thụ các loại bánh, mứt, kẹo, thực phẩm phục vụ nhu cầu đón Tết của nhân dân.

Mặc dù có nhiều khuyến cáo về vấn đề ANTP, có nhiều đoàn kiểm tra, mà điển hình là 2 vị đứng đầu 2 bộ: Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đích thân đi kiểm tra, nhưng dịp này, ở Hà Nội, vẫn nhan nhản các loại bánh, mứt, kẹo, thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Theo khảo sát của PV Báo CAND ngày 28/1 tại khu vực phố Hàng Giấy, Hàng Buồm (Hà Nội), Lê Văn Hưu, Lò Sũ… là những điểm bán nhiều loại mặt hàng này, dễ dàng nhận thấy có rất nhiều loại bánh kẹo, hạt hướng dương, hạt bí… màu sắc bắt mắt, nhưng tuyệt đối không có nhãn mác, hay chứng nhận nào về địa chỉ, ngày tháng sản xuất… Ở chợ Đồng Xuân cũng bày bán la liệt những can tương ớt vài chục lít, lạp xường đủ loại, mà không có bất kỳ một điều gì chứng tỏ thành phẩm cũng như hạn sử dụng.

Hiện nay thị trường bánh kẹo, thực phẩm Tết đã rục rịch nóng lên, nhưng mới chỉ đông người mua cất về bán lẻ. Bên cạnh những đại lý đã bán lâu đời, có thể thấy xuất hiện thêm những người bán hàng tranh thủ mùa vụ cũng tràn ra lề đường, và buôn bán gần như 100% các loại hàng không nhãn mác. Từ các tuyến phố này, rất nhiều hàng hóa không nguồn gốc sẽ tỏa đến các chợ, các cửa hàng bán lẻ khắp nơi, thậm chí cả các cửa hàng... đặc sản 3 miền. Tại phố Hàng Giấy, ngay trên nền đất, một thanh niên đang đổ từng thùng mứt táo sang túi ni-lông để bày bán. La liệt các loại mứt khác đầy đủ màu sắc, không một dấu hiệu xuất xứ cũng nằm “ngon lành” trên kệ.

Trong vai những người đi tìm mối lấy hàng về bán, PV đã tiếp cận dò hỏi một số chủ cửa hàng về giá cả các mặt hàng. Tuy nhiên, ngay khi hỏi “Cái này xuất xứ ở đâu? Có chứng nhận an toàn không chị?”, chúng tôi nhận được những ánh mắt khó chịu, nghi ngờ vì biết không phải dân buôn “xịn”. Dân “chuyên nghiệp” không ai hỏi những câu thừa thãi như vậy.

Nhiều loại bánh, mứt, kẹo không nguồn gốc bày bán phổ biến.

Trao đổi với chúng tôi, một chủ cửa hàng bán lẻ thừa nhận: “Thời gian này mứt kẹo bán chạy, mình cũng tranh thủ ra chợ Đồng Xuân lấy hàng bán thêm. Thật tình là cũng chẳng biết hàng xuất xứ từ đâu, chỉ đoán là Trung Quốc. Bình thường mình vẫn cho con mình ăn nhưng vừa rồi giở túi khoai dẻo từ năm ngoái bán ế để trong kho ra, thấy màu vẫn tươi, vẫn mềm, vẫn ngon thì mình sợ hẳn, năm nay không nhập về bán nữa. Không hiểu họ làm kiểu gì, nhưng chắc chắn phải có chất bảo quản mới được như thế”.

Nếu nhìn lượng người mua và lượng hàng hóa tiêu thụ vào dịp này, đủ thấy nhiều người dân vẫn rất coi thường tính mạng của mình. Nếu người tiêu dùng tẩy chay hẳn, đề cao cảnh giác thì các loại hàng hóa trên không thể có đất tồn tại. Rất nhiều người vẫn thờ ơ trước những thông tin cảnh báo về mất ATTP liên tục được đưa ra từ cơ quan chức năng.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, riêng năm 2012 đã phát hiện tới 68% mẫu rượu không đảm bảo ATTP, 5% mẫu rau, quả có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và 21% ớt bột có hóa chất nhuộm màu đỏ gây ung thư cho người. Việc thanh, kiểm tra của các đoàn liên ngành cũng chỉ ra, có tới 36% xúc xích, lạp xường, jambon và 88% nem chạo, nem chua, giò, chả bán trên thị trường được phát hiện có chứa coliform, 59% các loại ô mai có dùng phẩm màu độc và đường hóa học ngoài danh mục cho phép. Kết quả thử nghiệm của cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm của cả Mỹ và Anh đều cho thấy: một số phẩm màu tổng hợp có thể làm rối loạn hệ thần kinh, gây ung thư và đột biến gen, như Allura red (đỏ) thường dùng trong tương ớt, Brilliant blue (xanh) thường dùng trong nước giải khát, bánh kẹo, Sunset yellow (vàng cam) và Tartrezine (vàng chanh) dùng trong mì ăn liền.

Tại một hội thảo về chất phụ gia mới đây, các nhà chuyên môn cũng cho biết: trong 203 mẫu nguyên liệu với 9 loại màu được kiểm tra, thì 100% màu xanh dương, màu tím nho, màu hồng và 95% mẫu màu xanh lá cây đều không nằm trong danh mục cho phép. Chất Dioxit crom có đặc tính gây bỏng niêm mạc, da và gặp nhiệt độ cao, tan ra, bám chắc vào biểu bì, đã được sử dụng để nhúng vào thịt lợn, gà, vịt và khi quay thịt sẽ có màu vàng, nâu bóng đẹp mắt. Hay Sudan là chất gây ung thư, thường chỉ dùng tạo màu cho các loại dầu, sáp, xi đánh giầy, đã được đưa vào tương ớt, bột cà ri để tạo màu hấp dẫn

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) một lần nữa khuyến cáo người dân không nên sử dụng các loại bánh, kẹo, mứt không có xuất xứ, vì các mặt hàng này thường sử dụng phẩm màu công nghiệp, đường hóa học, sử dụng các chất bảo quản độc hại, tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe.

Cận Tết, liên tiếp bắt được những vụ buôn lậu thực phẩm không nguồn gốc

Ngày 25/1, Đội Kiểm soát Hải quan tỉnh Lào Cai cho biết đã phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ vụ vận chuyển 2 tấn gà thương phẩm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường sông. Tính từ đầu năm 2013 đến nay, Hải quan Lào Cai đã bắt giữ 3 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Hàng hóa chủ yếu là pháo nổ các loại, đồ chơi bạo lực và gia cầm thương phẩm với tổng trị giá hàng vi phạm hơn 200 triệu đồng.

Ngày 22/1, Đội Kiểm soát Hải quan số 1, Cục Hải quan Quảng Ninh cũng phát hiện 2 vụ vận chuyển 250kg bánh kẹo và 85 thùng ngô hạt nhập lậu. Toàn bộ số bánh kẹo trên đều đã hết hạn sử dụng. Tại Quảng Trị, ngày 19/1, Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan Quảng Trị đã phát hiện, tịch thu lô hàng nhập lậu do nước ngoài sản xuất, chủ yếu là bia (288 chai Heineken do Hà Lan sản xuất), trị giá trên 147 triệu đồng.

T.Hằng - Vũ Hân
.
.
.