Bán hoặc gán nợ tài sản đảm bảo, lỗ hổng trong quản lý của các ngân hàng

Chủ Nhật, 12/05/2013, 20:56
Đêm 9/5, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Phú Thọ thực hiện lệnh bắt Đặng Thị Thanh (54 tuổi, trú tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), Giám đốc Công ty TNHH Thiên Thanh về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đây là một trong nhiều vụ án liên quan đến tình trạng tự ý bán tài sản đảm bảo của các ngân hàng được Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện trong thời gian qua.

Trước khi trở thành Giám đốc Công ty TNHH Thiên Thanh, Đặng Thị Thanh từng công tác trong lực lượng quân đội. Năm 1980, Thanh rời quân ngũ rồi xin vào làm việc tại Bách hóa tổng hợp tỉnh nhà. Hơn 10 năm công tác, Thanh đã trải qua nhiều vị trí khác nhau như làm thủ kho, nhân viên bán hàng… và trình độ học vấn cao nhất là được đào tạo qua một lớp nghiệp vụ 6 tháng về tài chính. Năm 1994, Thanh xin nghỉ chế độ rồi mở cơ sở sản xuất và chế biến chè.

Việc làm ăn đang thuận buồm xuôi gió thì Thanh quyết định mở rộng sản xuất, Công ty TNHH Thiên Thanh vì thế ra đời. Song với trình độ học vấn chỉ hết lớp 7/10, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế, việc làm ăn của Thanh rơi vào bế tắc. Từ năm 2006 đến năm 2008, Thanh đã dùng nhà xưởng, dây chuyền bóc tách mảnh gỗ thế chấp Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Công thương tỉnh Phú Thọ vay hơn 14 tỷ đồng…

Lâm và Thanh tại cơ quan điều tra.

Lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các ngân hàng, Thanh ký hợp đồng liên kết làm ăn nhưng thực chất là tự ý bán tài sản đã thế chấp lấy tiền tiêu xài cá nhân. Trắng trợn hơn, khi biết không còn khả năng thanh toán, Thanh tìm cách tẩu tán tài sản. Với bản án ly hôn, toàn bộ phần tài sản thuộc về công ty do Thanh quản lý, còn căn nhà thì để lại cho người chồng… Khi các ngân hàng biết sự việc trên thì mọi sự đã quá muộn.   

Cá biệt có một số trường hợp, nhân viên ngân hàng bỏ qua các quy định của ngành, cho vay tiền với số lượng lớn nhưng không có tài sản đảm bảo. Trong vụ việc này có sự thông đồng giữa cán bộ ngân hàng với đại diện của một số công ty.

Vụ việc xảy ra tại Ngân hàng Công thương Nam Việt Trì (nay là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Trì - Chi nhánh Hùng Vương) là một ví dụ. Liên quan đến vụ án này, ngày 10/5, lãnh đạo Phòng PC46 Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, đã bắt tạm giam đối với Nguyễn Quang Lâm, nguyên Giám đốc Ngân hàng Công thương Nam Việt Trì và ra quyết định khởi tố bị can đối với 4 đối tượng gồm Trần Đức Chính, cán bộ Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam; Bùi Thị Lê, nguyên Trưởng phòng Giao dịch Thọ Sơn; Hồ Thị Tuyết Nhu, nguyên Tổ trưởng tổ tín dụng và Nguyễn Ngọc Mạnh, Giám đốc Công ty cổ phần Thế Mạnh về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Thực tiễn cho thấy, ngân hàng mất vốn khi khách hàng bỏ trốn do rất nhiều nguyên nhân, một trong số đó là do cán bộ ngân hàng cố ý làm trái hoặc non kém trong nghiệp vụ thẩm định, đặc biệt là các bước định giá tài sản thế chấp (TSTC). Thông thường các ngân hàng chỉ cho vay 50% - 70% giá trị tài sản bảo đảm (TSBĐ), nhưng do khách hàng khát vốn, muốn vay nhiều, nảy sinh “thổi” giá, nếu được hậu thuẫn của cán bộ ngân hàng thì giá trị “ảo” TSTC được tăng gấp nhiều lần, tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo. Để thủ tục vay nhanh chóng, thuận lợi, số lượng lớn, nhiều khách hàng tìm cách “bôi trơn” như chi tiền bồi dưỡng, lại quả...

Bên cạnh đó, trong hoạt động ngân hàng, hành vi cố tình xâm phạm TSBĐ xảy ra khá phổ biến với nhiều thủ đoạn khác nhau. Khi vay tiền, người vay phải nộp bản chính giấy  tờ TSTC cho ngân hàng. Nhiều khả năng, có sự thông đồng giữa bên vay và cán bộ ngân hàng để lấy giấy tờ, vì khó có thể bán được tài sản giá trị cao nếu không có giấy tờ. Một dạng khác là các đối tượng vay làm giả giấy tờ để bán tài sản, còn người mua vì ham rẻ nên mua tài sản không có giấy tờ hoặc chủ nợ buộc phải chấp nhận tài sản gán nợ dẫu biết tài sản đó đã được thế chấp ở ngân hàng và cũng không loại trừ có sự thông đồng, làm bừa của bên thứ ba nhằm tiếp tay cho chủ nợ tẩu tán, trốn nợ.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Cù Văn Xuân, cán bộ Phòng PC 46 Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, có nhiều trường hợp các đối tượng còn tự ý sửa chữa chứng từ mua bán tài sản, nâng cao giá trị TSTC để ký hợp đồng vay vốn ngân hàng.

Thượng tá Nguyễn Khắc Hoạt, Trưởng phòng PC46 Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã phát hiện 45 khách hàng vay vốn tại tám ngân hàng đã tự ý bán TSBĐ, không trả nợ ngân hàng hơn 123,742 tỉ đồng (trong đó nợ gốc hơn 72 tỉ đồng, nợ lãi hơn 51 tỉ đồng). Rất nhiều trong số đó hiện đã bỏ trốn như trường hợp của Vũ Trung Chính, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Bảo Long ở tổ 50, phố Tiên Phú, Việt Trì (Phú Thọ). Sau khi bán TSBĐ vay vốn tại hai ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân gồm xe ôtô, máy xúc và máy ủi đã biến mất, bỏ lại món nợ hơn 15,33 tỉ đồng

Xuân Mai
.
.
.