Sáng tối thương trường:

Bài toán về hạt muối chưa có lời giải

Thứ Sáu, 13/01/2012, 19:04
Được mùa rớt giá, được giá mất mùa, có năm vừa mất mùa vừa rớt giá, đó là bài toán quẩn quanh chưa có lời giải của nhiều loại nông sản mà muối là một thí dụ. Không chỉ vậy, hạt muối còn chịu một nghịch cảnh: muối rớt giá, hàng nghìn tấn đọng trong kho nhưng vẫn phải nhập khẩu.
>>Thị trường muối: Yếu khâu giám sát, quản lý hoạt động DN

Năm 2011, Bộ Công Thương thông báo hạn ngạch nhập khẩu của cả năm nay là 102.000 tấn muối, trong đó 100.000 tấn muối công nghiệp, 2.000 tấn muối tinh khiết dùng trong y tế, Bộ đã phân bổ xong 50.000 tấn trong khi đó thì Chính phủ phải có chủ trương trợ giá để tăng cường thu mua muối ế, giữ cho đời sống nông dân làm muối không xuống thấp hơn.

Nước ta có hơn 3.200km bờ biển, mỗi năm có hơn 200 giờ nắng, nhiệt độ cao quanh năm rất thuận lợi cho nghề làm muối. Nước ta cũng là nước có truyền thống làm muối với hàng vạn hécta ruộng muối, hàng triệu người sống bằng nghề muối. Nghề muối không cần đầu tư nhiều, không phải học nghề làm muối nếu chỉ sản xuất bằng phương pháp thủ công. Muối không chiếm tỷ lệ cao trong bữa ăn nhưng đó là thực phẩm không thể thiếu với tất cả mọi người. Chừng ấy yếu tố đủ để bảo đảm duy trì nghề muối và những người làm muối có thể sống được bằng nghề.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là đều thuận lợi. Bờ biển nước ta dài, khí hậu nhiệt đới quanh năm nhưng mưa nhiều, bão lụt nhiều gây không ít khó khăn cho nghề muối. Sông của Việt Nam, nhất là hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Cửu Long nhiều phù sa khiến cho muối nhiều cặn bẩn. Muối sản xuất ở vùng cửa các con sông này vì thế đều có màu hồng, màu của bùn đất hòa trong nước biển.

Cách sản xuất muối của diêm dân nước ta lại quá lạc hậu, năng suất thấp, chất lượng muối không cao, giá thành đắt. Cũng lấy từ nước biển, thậm chí bằng phương pháp bốc hơi nước biển nhờ nắng nhưng năng suất muối ở nhiều nước láng giềng gấp rưỡi nước ta, muối lại sạch hơn, trắng hơn. Vì chi phí lao động thấp nhưng năng suất cao hơn nên giá thành muối của họ chỉ bằng 80%, có khi chỉ bằng 60% muối của nước ta.

Nhờ đầu tư lớn, sản xuất theo phương thức tập trung trong các doanh nghiệp, HTX quy mô thích hợp, lợi thế cạnh tranh của họ đã cao, nhiều nước hiện nay còn đầu tư công nghệ hiện đại, sản xuất muối bằng phương pháp công nghiệp. Sản phẩm của các nhà máy này không những tốt mà còn rẻ vì không phải phụ thuộc vào thời tiết, không lãng phí đất đồng muối và còn tận thu được nhiều sản phẩm từ nước biển đã được làm sạch, ngoài muối.

Có lợi thế đó nên mua muối của nước ngoài, dù phải thêm chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu nhưng do mua được giá rẻ, không phải chế biến lại, các doanh nghiệp nhập khẩu muối vẫn có lợi hơn mua muối thủ công ở trong nước. Đó chính là mâu thuẫn cần được giải quyết nếu muốn bài toán nông sản nói chung, muối nói riêng có lời giải, có lợi cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Cách giải quyết mâu thuẫn đó không có gì khác là đầu tư khoa học kỹ thuật, tiền của và tổ chức lại việc sản xuất muối để từng bước theo kịp với yêu cầu của hôm nay, sản phẩm có chất lượng cao, giá thành rẻ. Đã có nhiều tiếng nói bênh vực người nông dân làm muối nhưng việc giúp đỡ cụ thể để họ có tiền cải tạo đồng ruộng, kiến thiết mương máng, làm nhà kho, bảo hiểm trong sản xuất, dự trữ muối khi rớt giá thì chưa được bao nhiêu.

Thử hỏi trong khi mức đầu tư vào nông nghiệp tăng lên không ngừng nhất là trong nuôi trồng thủy hải sản, cây công nghiệp thì tỷ lệ dành cho nghề muối là bao nhiêu? Sau nhiều năm, những tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất muối là những gì? Có được trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi ấy tức là đã hài hòa lợi ích của cả người sản xuất và nhà kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của không chỉ nghề muối, trong sự phát triển kinh tế hôm nay

Thông Vũ
.
.
.