Tìm đầu ra cho sản phẩm:

Bài toán khó đối với doanh nghiệp

Thứ Ba, 09/06/2015, 08:11
Theo Báo cáo “Động thái doanh nghiệp Việt Nam 4 tháng đầu năm 2015” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tiến hành khảo sát trên quy mô toàn quốc về tình hình sản xuất kinh doanh 4 tháng đầu năm 2015 và dự cảm cho 6 tháng cuối năm 2015 của doanh nghiệp (DN) cho thấy, cộng đồng DN đang có những cảm nhận lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2015. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà cộng đồng DN đang phải đối mặt vẫn là tìm “đầu ra” cho sản phẩm.
Theo kết quả Báo cáo, tình hình sản xuất kinh doanh 4 tháng đầu năm 2015 được các DN đánh giá là xấu hơn so với 6 tháng cuối năm 2014. Chỉ số động thái thực thấy 4 tháng đầu năm 2015 đạt -4 điểm (trong khi đó chỉ số động thái năm 2014 đạt +9 điểm). Sự xấu đi này là kết quả của sự giảm đi của các yếu tố thành phần như lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm (-14 điểm), giá bán bình quân (-9 điểm) và lượng đơn đặt hàng (-2 điểm).

Nhưng tín hiệu đáng mừng là, các DN đều có dự cảm rằng, tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng tới sẽ tốt hơn 4 tháng đầu năm 2015, được phản ánh ở sự tăng lên của chỉ số động thái dự cảm 6 tháng cuối năm đạt +22 điểm. Báo cáo cũng đã chỉ ra, có sự cải thiện lớn của chỉ số tổng thể môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô trong 4 tháng đầu năm 2015 so với 6 tháng cuối năm 2014.

Đây là kết quả tổng hợp từ sự cải thiện của từng yếu tố thành phần, như: chất lượng của các quy định pháp lý, hiệu lực thực thi chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới DN, sự cải thiện trong thái độ và ý thức trách nhiệm của các bộ công quyền, sự ổn định của môi trường pháp lý và điều hành kinh tế. 4 tháng đầu năm 2015, các DN nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn hơn các DN có quy mô vừa và lớn.

Các DN nhỏ và siêu nhỏ, lợi nhuận và doanh thu bị giảm mạnh, số lượng lao động bị cắt giảm, trong khi tại các DN lớn đã có dấu hiệu phục hồi. Hoạt động của các DN trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng 4 tháng đầu năm 2015 tốt hơn hoạt động của các DN trong lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản và lĩnh vực thương mại và dịch vụ.

Nhóm phân tích báo cáo của VCCI kiến nghị, DN cần chủ động và tích cực tìm kiếm thị trường đầu ra, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để không bị phụ thuộc vào một thị trường, tránh rủi ro do thị trường xuất khẩu gây ra. DN cũng nên đặt mục tiêu là được tham gia vào chuỗi cung ứng để từ đó có ý thức khắc phục những hạn chế của mình.

VCCI cũng kiến nghị, DN nên tập trung nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường bao gồm cả thị trường đầu vào và thị trường đầu ra, trong đó đặc biệt chú ý tới các thị trường mới, giàu tiềm năng. Xây dựng và thiết lập hệ thống kênh phân phối hiệu quả thông qua việc đẩy mạnh khai thác các thị trường trong và ngoài nước; chủ động tìm kiếm, ký kết hợp đồng với các thị trường mới; tăng cường phát triển thị trường trong nước,… nhằm mở rộng thị trường và giải quyết hàng tồn kho.

VCCI cũng đưa ra các kiến nghị Chính phủ nên có chương trình hỗ trợ riêng để các DN vừa và nhỏ có thể bắt kịp với tốc độ phục hồi chung của nền kinh tế; tăng cường biện pháp hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường đầu ra vì hầu hết các DN phải tạm ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2015 là do không tiêu thụ được sản phẩm. Việc thay đổi các chính sách cần có lộ trình, tránh tình trạng thay đổi đột ngột để DN không bị động trong việc tiếp nhận những sự thay đổi này khi chính sách thay đổi.

Huyền Thanh
.
.
.