Vụ đắm tàu Prosimex 1:

Bài học về an toàn vận chuyển đường thuỷ

Thứ Năm, 17/02/2005, 09:37
Sau khi tàu Prosimex 1 bị đắm, Thuyền trưởng Trần Văn Tạc cùng 6 thuỷ thủ sau khi được cứu vớt về Trung Quốc thừa nhận: Trên tàu không có hệ thống phát tín hiệu cấp cứu và các phương tiện cứu hộ mà chỉ có một điện thoại di động của thuyền trưởng.

Theo Hợp đồng vận chuyển số 109 Pros/HV ngày 7/12/2004 giữa Công ty TNHH Hoàng Vương (Kiến An - Hải Phòng) và chi nhánh Prosimex - Bộ Thương mại (tại Quảng Ninh), tàu Prosimex 01 (bên A) nhận vận chuyển 500 tấn Supe lân từ cảng Bắc Hải - Trung Quốc về Hải Phòng cho Công ty Hoàng Vương (bên B). Sáng 26/12/2004, tàu Prosimex 01 nhận đủ hàng và rời cảng Bắc Hải. Khi hành trình đến khu vực cảng Khâm Châu, máy tàu bị hỏng và tàu trôi tự do trong gần 40 giờ.

Theo lời thuyền trưởng Trần Văn Tạc, trong thời gian máy tàu bị sự cố, mọi người trên tàu đã cố gắng khắc phục nhưng không được, điều kiện thời tiết gió mùa Đông Bắc mạnh, sóng biển dữ dội, tàu rơi vào tình trạng có nguy cơ bị đắm. Vào thời điểm đó, một tàu đánh cá Trung Quốc (kỳ xá 00035) đi ngang qua thấy thế kịp thời cứu giúp 7 thuỷ thủ trên tàu đưa về Trung Quốc. Tàu Prosimex 01 tiếp tục trôi tự do và đắm tại vị trí 108o16' kinh độ Đông, 21o12' vĩ độ Bắc. Vị trí này thuộc vùng biển ở độ sâu từ 25 -30m. Thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng.

Sự cố đắm tàu Prosimex 01 không nằm ngoài tình trạng một số đơn vị sở hữu phương tiện thuỷ nội địa không chấp hành quy định đăng kiểm hàng hải. Theo Trưởng phòng Đại lý vận tải chi nhánh Hoàng Tiến Dũng thì Prosimex Quảng Ninh có 7 tàu vận tải sông biển, trong đó có 3 tàu S1 (tàu vận tải sông vịnh).

Tàu Prosimex 01 là tàu có trọng tải 523 tấn thuộc loại vận tải sông vịnh. Từ trước đến nay, đơn vị vẫn khai thác Prosimex 01 vận chuyển hàng hoá từ một số cảng của Trung Quốc về Việt Nam. Hầu hết những cảng của Trung Quốc lộ trình tới Việt Nam thuộc khu vực gần bờ nên độ an toàn cao. Về thủ tục pháp lý, Prosimex 01 đã được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật phương tiện thuỷ nội địa số 00556/04V14 ngày 19/8/2004 do Chi cục Đăng kiểm số 15 Quảng Ninh cấp.

Giải thích nguyên nhân của sự cố đắm tàu, ông Hoàng Tiến Dũng cho rằng: “Do thời tiết và trong tình trạng bất khả kháng như tường trình của thuyền trưởng Trần Văn Tạc”.

Vào thời điểm đó, Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Đông Bắc xác định, trong 3 ngày 26, 27, 28/12/2004, khu vực Nam Trung Quốc có một bộ phận không khí lạnh, nên gió Đông Bắc ở ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ mạnh lên cấp 5, cấp 6, biển động nhẹ. Như vậy, trong vùng tàu Prosimex 01 hành trình không có đột biến hoặc biến động mạnh để có thể gây đắm tàu (kể cả tàu thuỷ nội địa).

Tàu Prosimex 01 thuộc loại tàu S1 chỉ được phép vận chuyển, hành trình trong khu vực sông vịnh ở mực nước sâu không quá 15 - 20m. Trong khi đó, điểm tàu Prosimex 01 bị đắm ở độ sâu hơn 30m. Mặt khác, cũng theo lời tường trình của thuyền trưởng và các thuỷ thủ, tàu khi gặp sóng lớn đột ngột bị nước tràn qua những khe thành tàu nên sự cố máy gặp nước biển không thể khắc phục được. Đó là chưa kể những phương tiện cứu hộ, thông tin liên lạc không hề bảo đảm.

Đến nay, thời gian đã gần 2 tháng nhưng việc tìm kiếm trục vớt tàu Prosimex 01 chưa có kết quả. Ngoài công văn của Chi nhánh Prosimex gửi Công ty TNHH Hoàng Vương thông báo sự cố "bất khả kháng", chưa có văn bản thương thảo bồi thường thiệt hại theo hợp đồng vận chuyển.

Theo Công ty Hoàng Vương thông báo, trị giá hàng hoá bị thiệt hại hơn 400 triệu đồng

Cát Hải
.
.
.