Bài học từ xuất khẩu lao động sang Đài Loan

Thứ Sáu, 03/11/2006, 08:49

Thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) Đài Loan một thời được xem như "chủ lực" trong XKLĐ. Thế nhưng lao động bỏ trốn quá nhiều, nỗ lực của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước vẫn không ngăn được sự kiện Đài Loan dừng tiếp nhận lao động Việt Nam.

Năm 2004, tại thị trường Đài Loan, Việt Nam (VN) là nước có tỉ lệ lao động bỏ trốn cao nhất trong số các nước cung ứng lao động vào thị trường này, với trên 9%. Cũng chính vì lý do trên, trước đó phía Đài Loan đã nhiều lần cảnh báo sẽ dừng tiếp nhận lao động nếu VN không đưa được khoảng 1/3 số lao động trốn ở Đài Loan về nước, và có chính sách để số lao động mới sang không tiếp tục bỏ trốn ra ngoài sinh sống bất hợp pháp. Tiếc rằng, điều cảnh báo ấy đã trở thành sự thật từ cuối năm 2004.

Giải quyết vấn nạn lao động bỏ trốn ra ngoài sinh sống bất hợp pháp hiện không chỉ có ở thị trường Đài Loan mà đã loang ra ở hầu hết các thị trường. Điều đáng buồn là càng những thị trường ổn định, thu nhập cao thì người lao động bỏ trốn càng nhiều. Đầu tiên là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản rồi đến Đài Loan, Malaysia...

Tình trạng và cách giải quyết lao động bỏ trốn của các doanh nghiệp XKLĐ lâu nay vẫn trong một chu trình hết sức luẩn quẩn: Chi phí cao, lao động bỏ trốn. Sau đó, đối tác nước ngoài phạt doanh nghiệp, doanh nghiệp buộc phải thu tiền đặt cọc của người lao động cao hơn. Và để nhanh chóng thu lại được khoản tiền lớn đã bỏ ra ban đầu, lao động càng bỏ trốn, nước ngoài đóng cửa thị trường.

Từ đầu năm 2006, thông tin Đài Loan sẽ mở cửa lại thị trường khán hộ công và giúp việc gia đình với lao động VN cứ rộ lên rồi lại chìm xuống. Cho đến lúc này, Đài Loan vẫn chưa có ý kiến chính thức về việc mở rộng thị phần cho lao động VN.

Nhưng theo chúng tôi, nếu có mở lại thị trường Đài Loan, thị trường nước Anh cũng như khai thông một số thị trường mới thì có quá nhiều việc phải làm không chỉ với các doanh nghiệp mà cả với các cơ quan quản lý từ Nhà nước đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và các bộ ngành liên quan.

Băn khoăn chất lượng lao động

Sau 5 năm mở thị trường, Đài Loan đã tiếp nhận trên 80 ngàn lao động VN, trong đó có gần 16 ngàn người làm việc trong lĩnh vực công xưởng, 2 ngàn người làm thuyền viên và trên 60 ngàn người làm công việc khán hộ công, giúp việc gia đình.

Đánh giá về lao động VN, nhiều chủ sử dụng đều có nhận xét tốt về lao động VN: cần cù, chịu khó, nắm bắt công việc nhanh. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của lao động nước ngoài cũng đang làm việc ở đây, với tính chuyên nghiệp, có kinh nghiệm như Philippines và Thái Lan thì chất lượng lao động của VN vẫn chưa đạt yêu cầu.

Phần đông lao động VN được tuyển sang Đài Loan đều làm việc trong những nhà máy vừa và nhỏ. Do đảm trách ở những khâu giản đơn, không đòi hỏi kỹ năng và trình độ tay nghề cao nên thu nhập của họ cũng không cao. Tương tự, lao động giúp việc nhà, khán hộ công của VN tuy đưa sang với số lượng lớn nhưng tính chuyên nghiệp và kỹ năng nghề nghiệp chưa cao.

Do chạy theo hợp đồng, không chuẩn bị nguồn kỹ nên nhiều công ty XKLĐ của VN đưa sang đây những lao động không đạt yêu cầu của đối tác. Chẳng những không biết tiếng Hoa, họ còn không biết làm việc, thể lực yếu, tư tưởng dao động...

Chính vì vậy nhiều người đã bị rủ rê bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Nhiều người trong số đó đã bị đưa về nước để rồi đã nghèo lại nghèo thêm. Không ít người vẫn đang bị giữ trong các trại thu dung (nơi giam giữ lao động bỏ trốn) ở khắp 3 miền của Đài Loan.

Theo Ban Quản lý lao động thuộc Văn phòng Kinh tế - Văn hóa VN tại Đài Bắc, tính đến tháng 8/2004, đã có 7.441 lao động VN bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp trong tổng số 80 ngàn lao động đã làm việc tại Đài Loan. Chỉ tính riêng tháng 8/2004 có trên 1 ngàn lao động VN bỏ trốn chiếm 60% tổng số lao động nước ngoài bỏ trốn.

Trước đây, lao động Indonesia bỏ trốn với tỉ lệ 3% đã bị Đài Loan từ chối tiếp nhận. Ngoài nguyên nhân khách quan là lao động VN muốn ở lại Đài Loan kiếm thêm tiền thì còn yếu tố do các công ty XKLĐ VN tuyển chọn lao động và giáo dục định hướng cho họ chưa tốt. Một nguyên nhân khác khiến lao động bỏ trốn ngay năm đầu tiên là do họ phải tốn chi phí cho chuyến đi quá lớn, trong đó phí môi giới do phía Đài Loan thu quá cao.--PageBreak--

Vì muốn kiếm tiền nhanh, trả nợ những khoản vay cho chuyến đi lên đến 4 - 5 ngàn USD đối với làm việc công xưởng và trên dưới 10 triệu đồng làm khán hộ công, giúp việc nhà, nhiều lao động đã chọn phương án bỏ trốn, bất chấp rủi ro, nguy hiểm. Chính vì lẽ đó các công ty XKLĐ VN phải tìm giải pháp giảm chi phí đi nước ngoài làm việc cho lao động. Vì lợi ích nhỏ của cá nhân, họ đã và đang phá vỡ lợi ích lớn của cả một quốc gia...

Sau khi bị Đài Loan tạm dừng tiếp nhận lao động trong lĩnh vực khán hộ công và giúp việc gia đình, các doanh nghiệp Việt Nam rút ra được bài học kinh nghiệm gì trước khi thị trường này được mở cửa trở lại?

Vẫn còn thua xa!

XKLĐ chỉ mới tập trung giải quyết việc làm trước mắt cho lao động nghèo, trình độ thấp, còn việc liên kết đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực nghề cho XKLĐ thì chưa được chú trọng. Trong 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm cả nước có trên 50 ngàn lao động đi XKLĐ, nguồn thu ngoại tệ tính theo thu nhập thực tế do người lao động chuyển về nước đạt khoảng 1,5 tỉ USD/năm.

Mặc dù đóng góp không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm xã hội, nhưng XKLĐ vẫn chưa được xem là ngành kinh tế mũi nhọn. Nếu so với tiềm năng lao động dồi dào khoảng 25 triệu người ở độ tuổi từ 18 đến 35 thì XKLĐ của VN vẫn chưa khai thác hết. Còn nếu nhìn sang các nước, VN vẫn còn thua xa về năng lực XKLĐ.

Có thể rút ra bài học từ những số liệu sau: Philippines hiện có hơn 700 doanh nghiệp XKLĐ, trong khi VN chỉ có 160 doanh nghiệp. Mỗi năm Philippines đưa được khoảng 800 ngàn người ra nước ngoài, dòng kiều hối do người lao động gửi về đạt trên 10 tỉ USD/năm. Nguồn thu từ XKLĐ Philippines đóng góp 8% vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Một số liệu rất đáng lưu ý trái ngược với nỗ lực chung của các doanh nghiệp XKLĐ về khai thác thị trường mới, bản đồ XKLĐ của VN đang dần bị thu hẹp. Từ năm 2000 trở về trước, lao động VN được đưa đi làm việc ở 38 quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện chỉ còn 18.

Trong nhiều năm liền, XKLĐ của VN chỉ quanh quẩn với 4 thị trường Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi tỉ lệ lao động sang các thị trường mới chiếm chưa tới 5%. Đó thực sự là những con số biết nói, nếu những ai quan tâm đến thị trường XKLĐ của VN.

Vẽ lại bản đồ XKLĐ?

Số lượng XKLĐ giảm, một số thị trường gần như bão hòa hoặc bị lao động từ chối vì lương thấp, thị trường mới khai thác nhỏ giọt, thị trường tiềm năng thu nhập cao thì vừa mở đã đóng. Trong tình trạng trên, các doanh nghiệp vật vã với chỉ tiêu đưa 75.000 - 80.000 lao động đi các nước trong năm 2006.

Đặc biệt, thị trường Đài Loan giảm gần 10 ngàn người do phía bạn ngưng tiếp nhận lao động giúp việc nhà và khán hộ công. Có một mâu thuẫn lớn là, chỉ tiêu của Bộ LĐ-TB&XH đề ra là tăng cường XKLĐ có nghề tối thiểu đạt 75% vào năm 2010. Trên thực tế số lao động xuất khẩu chủ yếu vẫn tập trung lao động phổ thông, số có nghề chỉ đạt 20%.

Một nghịch lý khác về phí môi giới mới được triển khai (theo Thông tư liên Bộ Tài chính và LĐ-TB&XH), khung phí môi giới chung áp dụng cho các thị trường không vượt quá một tháng lương/người/năm làm việc. Điều này tạo ra sự chênh lệch quá lớn, có thị trường giá phí quá cao mà thu nhập lao động lại thấp.

Số lượng lao động đi XKLĐ còn ít, chất lượng lao động thấp, cơ chế quản lý và cách làm XKLĐ chưa chuyên nghiệp... Để đưa hoạt động này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã đến lúc phải vẽ lại bản đồ XKLĐ của VN. Cần phải vẽ lại bản đồ XKLĐ của VN bằng một chiến lược đầu tư dài hơi, xây dựng cho được cơ chế XKLĐ chuyên nghiệp, đó là nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Bộ LĐ-TB&XH đặt ra mục tiêu đến năm 2010, nâng tỉ lệ lao động xuất khẩu có nghề lên mức tối thiểu 75% trong tổng số lao động đưa đi hằng năm, trong đó lao động có trình độ từ trung cấp nghề trở lên chiếm 40%; đến năm 2015, chủ yếu XKLĐ có nghề, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và chuyên gia; 100% lao động xuất khẩu được đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng. Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng xong đề án nói trên và đang tiến hành các bước triển khai. Tuy nhiên, theo các chuyên gia XKLĐ, các mục tiêu trên rất khó hoàn thành

Hoàng Phương
.
.
.