Bài học lớn cho ngân hàng và khách hàng

Chủ Nhật, 20/08/2006, 08:12

Với những thủ đoạn rất đơn giản, vợ chồng Nguyễn Lê Việt và Nguyễn Lê Thuý Mai đã rút được của ngân hàng hơn 3 tỷ đồng trong suốt một năm. Đây là một bài học cảnh giác đắt giá đối với ngân hàng và khách hàng khi hình thức giao dịch bằng thẻ thay thế tiền mặt mới bắt đầu phát triển ở nước ta.

Theo tường trình của bà Đỗ Thị Toan - Cán bộ Khoa Dược - Viện Quân y 103 - thì vào khoảng tháng 6/2005 vợ chồng người cháu họ của bà tên là Nguyễn Lê Việt và Nguyễn Lê Thúy Mai có nhờ bà tìm xem có bác sĩ nào trong Viện có nhu cầu làm thẻ tín dụng thì làm giúp. Việt còn nói, việc khai thác khách hàng làm thẻ là chỉ tiêu ngân hàng giao cho nhân viên nên cô cố gắng giúp cháu để cháu hoàn thành nhiệm vụ.

Lúc đó Việt đang làm việc tại một ngân hàng ở Hà Nội, gia đình Việt là gia đình cán bộ: cha làm việc tại Bộ Thương mại, mẹ là giáo viên phổ thông. Bản thân Việt đã tốt nghiệp đại học, không nghiện hút, rượu chè, hư hỏng. Vì thế bà Toan hoàn toàn tin tưởng ở Việt. Việt dặn bà Toan rằng, chương trình làm thẻ tín dụng quốc tế này chỉ áp dụng đối với các bác sĩ tuổi từ 51 đến 60, có chức danh và có thu nhập ổn định.

Làm thẻ này rất có lợi. Người sử dụng không cần phải nạp tiền vào nhưng khi cần thiết có thể rút được tối đa 50 triệu đồng để chi dùng và sau một khoảng thời gian nhất định mới phải tất toán trả lại ngân hàng. Hơn nữa, chương trình đang có khuyến mãi cho khách hàng là chủ thẻ mỗi người từ 200 đến 400 nghìn đồng. Ai trong diện trên muốn làm chỉ cần khai hồ sơ do Việt đưa, lấy xác nhận của đơn vị là xong, thủ tục không có gì phiền toái. Tuy nhiên, Việt dặn bà Toan rằng khi khai hồ sơ người khai cần để trống một số mục, không khai.

Bà Toan sau đó đã mời một số đồng nghiệp trong Viện Quân y 103 làm thẻ nói là có đứa cháu đang làm việc ở ngân hàng nhờ làm cho cơ quan nên nhiều bác sĩ trong Viện tin tưởng làm ngay. Họ cũng làm đúng như hướng dẫn của Việt: khai hồ sơ, bỏ trống một số mục, lấy xác nhận của đơn vị về thu nhập, cung cấp ảnh rồi nộp lại cho bà Toan. Tất thảy có 60 bác sĩ hoàn tất hồ sơ.

Ít lâu sau, các bác sĩ này được giao mỗi người một tấm thẻ màu xanh cùng phần quà khuyến mãi là một chiếc áo mưa và một phong bì tiền, có đợt được 400 nghìn đồng, có đợt được 300 nghìn đồng, đợt thấp nhất cũng được 200 nghìn đồng. Về phần bà Toan, sau mỗi đợt thu gom hồ sơ đưa cho Việt cũng được bồi dưỡng vài trăm nghìn đồng. Sau khi nhận thẻ, các bác sĩ đều phải ký nhận một tấm giấy xác nhận đã nhận thẻ tín dụng quốc tế. Và, họ đã vô tư ký mà không biết rằng, tấm thẻ mà Việt thông qua bà Toan để giao cho họ là thẻ... ATM chứ không phải là thẻ tín dụng quốc tế (!).

Cũng cần phải nói thêm rằng, đây là hai loại thẻ hoàn toàn khác nhau. Đối với thẻ ATM người sử dụng phải nạp tiền vào trước rồi sau đó mới rút tiền ra tiêu được, nó chỉ như một chiếc ví hiện đại giữ tiền giúp khách hàng mà thôi. Vì thế khi làm thẻ ATM không cần chủ thẻ phải lấy xác nhận cơ quan, phải cung cấp ảnh, chữ ký mẫu.

Còn thẻ tín dụng quốc tế là thẻ tiêu trước trả sau - tức là người sử dụng có thể chưa nạp tiền nhưng vẫn có thể rút ra tiêu một khoản tiền nhất định (trong trường hợp này là 50 triệu đồng) sau đó rồi mới nạp tiền vào để hoàn trả lại ngân hàng. Do vậy nên thẻ tín dụng quốc tế chỉ cấp cho những người trên 18 tuổi, có thu nhập hợp pháp ổn định. Người làm thẻ tín dụng phải được cơ quan xác nhận về thu nhập, về khả năng tài chính, phải cung cấp ảnh và chữ ký mẫu để lưu trên thẻ.

Thủ đoạn rút ruột ngân hàng

Trở lại câu chuyện về người cháu họ của bà Đỗ Thị Toan là Nguyễn Lê Việt. Gia đình Việt trú tại số 21 Tràng Tiền, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, Việt xin vào làm nhân viên ngân hàng rồi  lấy vợ là Nguyễn Lê Thúy Mai. Cha mẹ Mai bỏ nhau từ khi Mai còn nhỏ, Mai sống với ông bà ngoại ở Vĩnh Hồ cho đến khi lấy chồng. Vợ chồng Việt thuê một ngôi nhà ở Thịnh Quang để ở riêng.

Mai không có việc làm, thu nhập của Việt ở ngân hàng cũng không cao nên sau khi sinh con đầu lòng, cuộc sống của hai vợ chồng không lấy gì làm khá giả. Việt làm ngân hàng, hàng ngày tiếp xúc với tiền bạc lại biết được một số kẽ hở có thể lách được để chiếm đoạt nên nảy sinh lòng tham và sa ngã. Việc làm hồ sơ cho 60 bác sĩ Viện Quân y 103 là bước thứ hai trong kịch bản lừa đảo hoàn hảo mà Việt sắp đặt nhằm chiếm đoạt một khối lượng lớn tiền của ngân hàng.

Trước đó, Việt đã lập ra Công ty Nguyễn Lê cho vợ làm Giám đốc và thuê một cửa hàng trên phố Lò Đúc làm trụ sở. Việt quảng cáo khá rầm rộ cho công ty này rằng công ty có hệ thống shop thời trang, cửa hàng lưu niệm, có giao dịch với nhiều bạn hàng nước ngoài. Thực chất chiêu quảng cáo này là nhằm để Công ty Nguyễn Lê được ngân hàng tin tưởng chấp nhận cho làm đại lý thanh toán thẻ. Và rồi, hồ sơ xin làm đại lý thẻ của Công ty Nguyễn Lê được ngân hàng chấp thuận, đúng như kịch bản của vợ chồng Việt.--PageBreak--

Trở lại chuyện khi đưa hồ sơ cho các bác sĩ của Viện Quân y 103, vì sao Việt lại dặn họ lúc khai phải để trống một số mục? Theo quy định của ngân hàng thì hàng tháng khách hàng sẽ nhận được bản sao kê (bản kê chi tiết các khoản tiền đã sử dụng, thời gian rút tiền...) tại địa chỉ do khách hàng yêu cầu trong hồ sơ làm thẻ ban đầu. Tuy nhiên, trong hồ sơ Việt dặn để trống mục này và rồi sau đó Việt điền vào địa chỉ của vợ chồng Việt. Việt còn dựng lên một người nói là đại diện của các chủ thẻ thuộc Viện Quân y 103 để giao dịch với ngân hàng. Bằng các cách đó, vợ chồng Việt - Mai đã cắt đứt hầu như toàn bộ mối liên hệ giữa ngân hàng và các chủ thẻ. Do đó thẻ bị rút ra bao nhiêu tiền chủ thẻ cũng không hề hay biết.

Theo quy định của ngân hàng, đối với thẻ tín dụng quốc tế, khi khách hàng thanh toán, đại lý thẻ phải kiểm tra và đối chiếu giữa ảnh, chữ ký mẫu của khách hàng trên thẻ với khách hàng và chữ ký của khách hàng trên hóa đơn. Nếu trùng thì mới chấp nhận thanh toán. Nhưng tất cả các chữ ký mẫu của thẻ đều do Mai ký và đại lý thẻ lại chính là Mai cho nên quy định chặt chẽ này của ngân hàng đã bị Mai - Việt lách được một cách không mấy khó khăn.

Hàng tháng, Mai tự ký tên khách hàng trên hóa đơn và đương nhiên chữ ký này trùng với chữ ký mẫu của khách hàng trên thẻ vì cả hai đều do một mình Mai ký rồi đem đến ngân hàng thanh toán rút tiền. Vì đã có thời gian dài làm việc trong ngân hàng nên Việt biết đến thời hạn tất toán nếu chủ thẻ đã sử dụng hết số tiền tối đa 50 triệu đồng mà muốn tiếp tục duy trì thẻ thì phải nộp vào thẻ 20%, còn không thì thẻ sẽ bị hủy. Vì thế, sau khi sử dụng thẻ để rút ra 5,1 tỉ đồng, vợ chồng Việt đã nộp vào tài khoản của các thẻ này số tiền 2,5 tỉ đồng để duy trì thẻ, tránh sự phát hiện của ngân hàng.

Bằng tất cả những thủ đoạn đó, vợ chồng Việt - Mai đã lách qua những quy định của ngân hàng và lợi dụng sự mất cảnh giác của các chủ thẻ để rút tiền trong suốt hơn 1 năm ròng mà không bị phát hiện. Về phía các chủ thẻ, trong trường hợp này, họ không phải gánh chịu thiệt hại, tuy nhiên, sau khi vụ việc vỡ lở, hầu hết các chủ thẻ đều làm đơn xin khóa tài khoản.

Cuộc trốn chạy bất thành

Sau khi vụ việc được ngân hàng phát hiện và báo cho công an, các đơn vị nghiệp vụ của Công an Hà Nội mà chủ công là Phòng PA17, PA24 đã tích cực, khẩn trương điều tra. Chiều ngày 3/8, nhận được tin báo của ngân hàng thì sáng 4/8, Đội An ninh ngân hàng tiền tệ Phòng PA17 đã triệu tập được Mai, vợ Việt tới Cơ quan Công an. Vợ chồng Việt vừa mới từ Bắc Kinh (TQ) về Hà Nội đêm hôm trước sau một chuyến du hí dài ngày Hà Nội - Băng Cốc - Bắc Kinh. Tuy nhiên, sáng hôm sau, khi công an tới nhà, Việt đi vắng chỉ có một mình Mai ở nhà nên không triệu tập được Việt.

Ngay trong chiều 4/8, biết vụ việc đã bị động, bố của Mai đã thuê cho Việt một chiếc ôtô để chạy trốn. 22h đêm xe tới Vinh. Tại đây, Việt đã gọi điện thoại cho một người bạn thời sinh viên hiện công tác tại một ngân hàng huyện tới để cùng đi với Việt xuống khu du lịch biển Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Sau đó, theo kế hoạch, Việt sẽ tiếp tục thuê người lái xe chở Việt đi cửa khẩu Cầu Treo. Mẹ Việt ở Hà Nội sau khi được báo tin rằng Việt đang ở bãi biển Xuân Thành đã lập tức thuê xe vào ngay để gặp con. Đến tờ mờ sáng thì bà tới nơi. Bà đã khóc hết nước mắt, khuyên con trai hãy quay về Hà Nội để đầu thú, hưởng lượng khoan hồng của pháp luật nhưng Việt một mực không nghe.

Qua công tác trinh sát, các đơn vị nghiệp vụ của Công an Hà Nội xác định được Việt đang bỏ trốn theo hướng cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh. Lãnh đạo Công an TP Hà Nội đã điện báo cho Công an Hà Tĩnh và nhận được sự phối hợp điều tra tích cực của đơn vị bạn. Đồng thời, Công an TP Hà Nội đã cử một mũi trinh sát vào Hà Tĩnh ngay sau đó.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Công an huyện Hương Sơn  đã khẩn trương triệu tập đơn vị triển khai lực lượng vây bắt kẻ chạy trốn. Chỉ sau chưa đầy 10 phút, toàn bộ cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đã có mặt, sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Hơn 20 cán bộ chiến sĩ được trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện thông tin liên lạc, mang theo lương khô, nước uống, chia thành nhiều tổ tuần tra chốt chặn dọc quốc lộ 8A từ cầu Linh Cảm đến biên giới và đường Hồ Chí Minh để đón lõng đối tượng. Mỗi tổ có một cảnh sát giao thông và 3 trinh sát mặc thường phục làm nhiệm vụ dọc các trục đường. Ngoài ra, 1 tổ công tác còn lên các xã dọc biên giới phối hợp với Bộ đội Biên phòng, với chính quyền các xã để chốt chặn các đường mòn nhằm phát hiện người lạ mặt, ngăn chặn cuộc đào tẩu của tên Việt.

8h30 sáng 5/7, sau khi phát hiện một xe taxi tại địa phận xã Sơn Diện, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng ra lệnh kiểm tra. Lái xe bước xuống xuất trình giấy tờ, trên xe chỉ còn lại 1 thanh niên trẻ ăn mặc sang trọng, nhưng mặt tái xanh tái xám. Đối chiếu khuôn mặt người thanh niên trên xe với ảnh tên tội phạm do Công an Hà Nội cung cấp, các chiến sĩ Công an Hà Tĩnh nhanh chóng kết luận ảnh và người là một. Nguyễn Lê Việt bị bắt giữ và ngay sau đó bị đưa về Hà Nội

Đặng Huyền – Đinh Đức Yên
.
.
.