Biên giới Tây Nam “mùa” buôn lậu

Bài cuối: Điều day dứt trên nẻo đường biên

Thứ Bảy, 28/11/2015, 08:48
Thực tế thời gian qua, không phải đợi đến “mùa buôn lậu”, mà vào thời điểm bình thường, tại các địa bàn biên giới Tây Nam, hàng loạt kế hoạch, kèm theo đó là rất nhiều giải pháp được triển khai; lực lượng chống buôn lậu (BL) một vài địa phương làm lễ ra quân khá rầm rộ. Song nhìn vào kết quả đấu tranh chống BL tại một số địa phương qua những con số và những gì “tai nghe, mắt thấy”, chúng tôi vẫn cảm thấy day dứt… Nơi nào cũng gặp khó, khách quan nhiều, chủ quan cũng không ít.


Đại úy Dương Trung Tính – Trưởng Công an xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cùng cấp phó – anh Nguyễn Văn Sương kể với chúng tôi rằng, các đối tượng (có cả đối tượng BL và các trường gà, casino) từ bên kia biên giới rất nhiều lần trực tiếp điện thoại, nhắn tin để “mua” anh em một cách công khai rằng nếu tạo điều kiện để họ “làm ăn”, họ sẽ hỗ trợ tiền bồi dưỡng cho tất cả anh em Công an viên; còn lãnh đạo thì “Thích gì chiều nấy. Muốn nhậu mồi bén, để bọn em săn lùng”. Các anh kể rằng, ở tuyến biên giới này, nếu không “chì” thì rất dễ ngã gục trước những “viên đạn bọc đường” của các đối tượng BL. Thượng úy Tăng Ngọc Đảm - Đồn Biên phòng Cầu Muống thì giọng cay đắng: “Mình từ chối những lời khêu gợi, thì các đối tượng dùng đủ lời lẽ để mạt sát, chửi rủa. Thứ gì con người ta không ăn được thì họ dành cho anh em chúng tôi. Riết rồi cũng quen. Nhiều lúc ngồi ăn mì gói, cháo trắng lúc nửa đêm, anh em động viên nhau và cùng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Chỉ trong buổi sáng, Công an huyện Tam Nông đã bắt giữ liên tiếp 12 vụ, 12 đối tượng vận chuyển hàng lậu.

Hôm ngồi đến gần trắng đêm tại “chốt liên hợp”, chúng tôi nghe Đại úy Tính kể chuyện phải chạy lo từng đôi đũa, cái chén, chiếu ngủ, võng… cho anh em trực chốt. “Từ ngân sách hoạt động ít ỏi của Công an xã, mình chi tiêu hết sức tiết kiệm để ưu tiên cho anh em trực chốt. Như mình biên chế thì còn được hỗ trợ, còn anh em  chẳng có gì” - Đại úy Tính cho biết.

Trong khi lực lượng Công an cơ sở vượt khó, dồn sức mong mỏi tình trạng BL sẽ được “hạ nhiệt” thế nhưng lại cũng tại cơ sở, có cán bộ hoặc người nhà cán bộ lại trực tiếp tham gia BL. Bức xúc trước thực tế, ông Nguyễn Chí Bắc - Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp chua xót, với người dân nghèo khó, bị tác động bởi lợi nhuận mang lại từ BL và họ đã “ngã theo” thì mình không thể trách, đằng này, mình là cán bộ, không làm gương, không góp phần chống BL mà còn làm ngược lại “thì không thể chấp nhận được”. Theo lời ông Bắc kể ở một xã biên giới của Đồng Tháp, đã xảy ra thực tế này.

Trong công tác đấu tranh chống BL, có từ sức mạnh tổng hợp. Song, không phải muốn là được. Có một thực tế là hiện cùng đứng chân trên địa bàn biên giới và cùng tham gia chống BL có rất nhiều lực lượng. Đó là Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an; biên giới trên biển còn có lực lượng Cảnh sát biển. Vào phía nội địa có thêm lực lượng QLTT. Trước mỗi khi ra quân thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 TW và tỉnh, mỗi ngành đều có kế hoạch riêng và tất cả đều tỏ ra rất sát với tình hình, xác định rõ phương thức, thủ đoạn của đối tượng và có phương án đấu tranh, với mong muốn, quyết tâm cao nhất. Thế nhưng, nhìn vào kết quả, chúng tôi có cảm giác giữa nói và làm vẫn là hai câu chuyện rất khác nhau.

Tại An Giang, ngành chức năng xác định có đến 80% số thuốc lá lậu từ Campuchia (tập trung tại gò Tà Mâu) qua biên giới tại khu vực phường Vĩnh Ngươn và Vĩnh Tế (TP Châu Đốc). Thế nhưng, từ trước tới nay, các lực lượng chống BL chưa bắt được vụ BL thuốc lá nào “đình đám” trên địa bàn Châu Đốc; cũng chưa có “trùm” buôn lậu, hay đầu nậu thuốc lá ở đây bị “sờ gáy”. Tương tự, các địa bàn Tân Châu, An Phú và Tri Tôn, vẫn tồn tại tình trạng BL thuốc lá hoạt động cả trên bộ lẫn dưới sông, các kênh rạch nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên. 

Qua một năm thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg về tăng cường chống BL thuốc lá của tỉnh An Giang (từ 1-10-2014 – 1-10-2015), Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết, trong số 1.263.444 gói thuốc lá lậu bắt tịch thu trong năm qua, lực lượng Công an bắt giữ chiếm 90% (1.136.912 gói); Bộ đội Biên phòng bắt chỉ 5,7% và QLTT chỉ 3,9%. Tại Đồng Tháp, trong 1.342 vụ bắt giữ thuốc lá lậu, thì lực lượng Công an đã bắt 709 vụ, QLTT bắt 357 vụ, Bộ đội Biên phòng bắt 195 vụ, và Hải quan chỉ bắt được 81 vụ. Khi nghe được thắc mắc sao kết quả đấu tranh chống BL của một vài lực lượng có lúc, có nơi còn khá khiêm tốn, một cán bộ QLTT cho rằng, “QLTT chủ yếu là đánh trong nội địa”.

Lãnh đạo một ngành của tỉnh Đồng Tháp cho biết, công tác phối hợp giữa các lực lượng chống BL thời gian qua mới chỉ thể hiện trên văn bản, giấy tờ; thực tế còn lắm chuyện phải nói. “Khi anh em chúng tôi lên kế hoạch đề nghị kiểm tra một cơ sở nghi có liên quan đến hoạt động BL, lập tức có ý kiến bàn ra rằng chỗ đó họ vừa kiểm tra giờ có gì mới đâu mà lại kiểm tra nữa” - vị này kể.

Trao đổi với PV Báo CAND, Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn – Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp cho rằng lực lượng chống BL hiện vẫn còn mỏng, trong khi đó công tác phối hợp lại chưa chặt chẽ. Có nhiều vụ việc, lực lượng Công an phát hiện, xác lập chuyên án đấu tranh thì vướng vào địa bàn biên giới do lực lượng khác quản lý. Hàng lậu, muốn ngăn chặn hiệu quả thì cần phải đấu tranh ngăn chặn quyết liệt ngay từ khu vực biên giới. Tình hình biên giới gần đây càng cho thấy tính bức thiết trong việc đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các lực lượng, trong đó các Đồn Biên phòng cần nêu cao trách nhiệm; lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt trong việc đấu tranh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Thái Bình – Văn Vĩnh
.
.
.