Đằng sau những vụ án “giải độc” môi trường

Bài cuối: Lật tẩy hành vi "đầu độc" các con sông

Thứ Sáu, 19/07/2013, 08:16
Đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực môi trường là một cuộc chiến khá mới mẻ trong công tác Công an. Sau 7 năm thành lập, lực lượng CSĐT tội phạm về môi trường (Cảnh sát môi trường) đã để lại dấu ấn khá đặc biệt sau khi lật tẩy hành vi thải độc ra môi trường, gây nguy hại sức khỏe cho cộng đồng. Để có được chiến công này, các trinh sát “đánh án” môi trường đã có những... tuyệt chiêu “made in” Cảnh sát môi trường.
>> Bài 1: Kiên trì cuộc chiến với gia cầm nhập lập

Không để dòng sông chết

Con sông chảy qua xã Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cung cấp nước tưới tiêu, nước sinh hoạt cho cả một vùng dân cư rộng lớn. Thế nhưng, các trinh sát Phòng 2, Cục Cảnh sát môi trường lại nhận được nguồn tin con sông này đang bị ô nhiễm nặng nề. Điều gì khiến con sông vốn gắn bó với người dân quê bỗng nhiên trở thành con sông dẫn nguồn nước gây hại?

Đồng chí Trần Văn Hiển, Đội phó Đội 2, Phòng 2, Cục Cảnh sát môi trường là một trong những trinh sát được giao nhiệm vụ đi tìm câu trả lời. Vốn tốt nghiệp Trường Sư phạm, chuyên ngành Hóa, lại từng là trinh sát hình sự nên khi nhận nhiệm vụ, anh tự hứa với mình sẽ tìm ra câu trả lời. Cùng với đồng đội, đồng chí Hiển đã đi thị sát trong lưu vực sông. Con sông chảy qua Cụm công nghiệp Song Khuê - Nội Hoàng. Tuy nhiên, xác định được nhà máy, cơ sở sản xuất nào gây ô nhiễm lại không phải dễ. Để xác định được nguồn gây ô nhiễm, các anh phải tìm hiểu về ngành nghề sản xuất kinh doanh của từng nhà máy. Dần dà, anh thấy nổi lên Công ty TNHH Italisa Việt Nam.

Lý giải tại sao lại đặt công ty này vào diện nghi vấn, anh Hiển cho biết, đây là công ty chuyên sản xuất thiết bị vệ sinh cao cấp. Trong quá trình sản xuất, công ty này có sử dụng nguyên liệu bằng đồng, crôm, niken... trong công đoạn mạ, đánh bóng sản phẩm. Chất thải từ các loại nguyên liệu này được xác định là nguy hại, có thể gây ra căn bệnh ung thư. Nếu chúng được xả ra môi trường sẽ gây nhiễm độc đất, nguồn nước, những người sống trên vùng đất này về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Tiếp tục xác minh, các anh phát hiện ngoài nguồn nước thải có vấn đề, công ty này còn “phơi” chất thải nguy hại trong khuôn viên. Cùng lúc đó, các anh nhận được kết quả giám định nguồn nước thải vượt chuẩn. Báo cáo với chỉ huy đơn vị, các anh nhận được yêu cầu kiểm tra đối với công ty này.

Hồi 10h ngày 11/1, tổ công tác của Phòng 2 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bắc Giang kiểm tra tại Công ty TNHH Italisa Việt Nam và thấy: Găng tay, giẻ lau dính dầu mỡ thải không được thu gom vào nơi lưu giữ theo quy định, còn để vương vãi ngoài trời; công ty đã có kho lưu giữ chất thải nguy hại, tuy nhiên không có cửa, không có biển báo phòng ngừa, chưa dán nhãn chất thải nguy hại, chất thải nguy hại để lẫn với các chất thải thông thường khác. Ngoài bùn thải (cũng là chất thải nguy hại) được công ty bàn giao cho đơn vị xử lý, các loại chất thải nguy hại khác được lưu giữ tại công ty quá 6 tháng, nhưng không có báo cáo định kỳ về tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại năm 2012 theo quy định.

Vấn đề đặt ra là kết quả kiểm tra nêu trên vẫn chưa trả lời được câu hỏi, tại sao con sông chảy qua công ty này lại bị ô nhiễm nguồn nước. Nếu không xác định được nguồn gây ô nhiễm sẽ không ngăn chặn được những chất thải nguy hại đang mỗi ngày ngấm sâu vào đất, vào nước để phá hủy sản xuất, sức khỏe người dân trong khu vực. Với quyết tâm rất cao, các chiến sỹ Cảnh sát môi trường kiên trì kiểm tra hệ thống thoát nước của công ty này. Mặc dù hệ thống thoát nước này rất phức tạp, nhưng cuối cùng các anh cũng phát hiện đường ống ngầm được đấu từ bể mạ (không qua hệ thống xử lý nước thải sản xuất của công ty) ra hố ga của hệ thống nước thải sinh hoạt. Điều đáng nói là ống ngầm này được chôn ngầm phía dưới rãnh nước thải sinh hoạt làm bằng bê tông. Với cách ngụy trang như trên, khó ai phát hiện ra được có một hệ thống ống ngầm khác hằng ngày vẫn xả chất thải độc hại từ bể mạ ra sông.

Trước những chứng cứ không thể chối cãi, đại diện Công ty TNHH Italisa Việt Nam thừa nhận, đường ống ngầm này được lắp đặt từ khi xây dựng nhà máy năm 2008. Đường ống này đấu nối vào 4 bể tẩy sáp, tẩy dầu trong quá trình mạ sản phẩm thiết bị vệ sinh bằng niken, crôm. Vì lợi ích, công ty này đã “ném” chất thải độc hại ra môi trường, gây nên những hiểm họa khôn lường cho sản xuất và sức khỏe người dân. Chiến công của các chiến sỹ Cảnh sát môi trường không chỉ vạch trần thủ đoạn của những bất chấp pháp luật để mưu cầu lợi ích mà còn cứu được dòng sông, không để nó trở thành dòng sông chết.

Vén màn bí mật ở đáy sông

Vụ việc Công ty Tung Kuang đóng trên địa bàn tỉnh Hải Dương xả chất độc hại ra sông Ghẽ mà Cục Cảnh sát môi trường khám phá năm 2010 được ví như vụ Vedan. Hành vi xả chất thải độc hại crôm 6 cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép ra môi trường của Tung Kuang được phát giác khiến dư luận bàng hoàng. Đằng sau chiến công này là sự kỳ công của các trinh sát phá án Môi trường. Bởi sự thật được lật tẩy không phải ở trên cạn, dưới lòng đất mà ở tận... đáy sông.

Sông Ghẽ - nơi Cảnh sát môi trường bắt quả tang Công ty Tung Kuang “xả độc” ra môi trường.

Đồng chí Phạm Hồng Sơn, Đội trưởng Đội Công nghiệp, Phòng 2, Cục Cảnh sát môi trường vẫn nhớ như in những ngày “mò cua, bắt ốc, đánh cá” ở sông Ghẽ. Tất cả chỉ để tìm đáp án, tại sao nước sông Ghẽ lại có màu lạ? Tại sao cá ở sông Ghẽ lại chết? Tại sao rau muống mọc ven sông lại không ăn được?

Sau nhiều lần đi thị sát, Công ty Tung Kuang, một doanh nghiệp sản xuất thanh nhôm định hình 100% vốn nước ngoài được đưa vào diện nghi vấn. Thế nhưng, khi lấy mẫu nước từ 2 đường cống nước thải của công ty này xả ra sông Ghẽ đi thử nghiệm thì kết quả bình thường. Không đầu hàng, các trinh sát tiếp tục bám địa bàn. Những ngày “lang thang” khi trên bờ, lúc dưới sông của anh em trinh sát không uổng công. Đó là khi một người đánh cá cho biết, thi thoảng ông thấy ở đám bèo được quây giữa sông có tiếng ục và nổi lên các đám bọt. Phát hiện này của người đánh cá quả là “thú vị”. Các anh lập tức tiếp cận đám bèo. Mò mẫm nhiều đêm, nhất là vào những đêm mưa, anh em cũng nghe tiếng “ục”.

Không dừng lại ở việc nghe “ục”, anh em trinh sát còn lặn xuống đáy sông. Và rồi, anh em đã tìm thấy cái miệng cống. Ai cũng mừng như bắt được vàng, nhưng căn cứ nào để xác định chất thải nguy hại được thải ra từ cái miệng cống này? Một sáng kiến được đưa ra, dùng tôn quây miệng cống trong phút chốc để lấy mẫu. Sau 4 lần lấy mẫu đem đi kiểm định, xác định chất gây ô nhiễm cực cao. Kết quả trên báo về chỉ huy, kế hoạch phá án được đưa ra.

Cảnh sát môi trường đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra Công ty Tung Kuang và phát hiện hệ thống ống xả ngầm từ nhà máy ra giữa lòng sông. Để ngụy trang, công ty này xây dựng 2 nhánh xử lý nước thải. Một nhánh qua xử lý và một xả thẳng ra môi trường. Khi sự việc được bóc tẩy, lãnh đạo công ty này thừa nhận, việc không xử lý nước thải nhằm “tiết kiệm” hàng trăm triệu đồng...

Đồng chí Phạm Hồng Sơn cho biết, đặc thù của tội phạm môi trường là có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Các nhà máy sản xuất thường đa dạng về ngành nghề nên sự tác động đến môi trường khác nhau. Từ đó, gây ra các loại ô nhiễm môi trường khác nhau như: ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí...

Cũng bởi đặc thù này nên đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực môi trường đòi hỏi các chiến sỹ Cảnh sát ngoài chuyên môn, nghiệp vụ còn phải am hiểu về lĩnh vực môi trường. Sau 7 năm thành lập, lực lượng Cảnh sát môi trường đang hoàn thiện hơn về cơ cấu tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn. Từ đó, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh với loại tội phạm “đầu độc” bầu không khí, nguồn nước, nguồn thức ăn... của cộng đồng

Cao Hồng
.
.
.