Giải pháp khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế:

Bài cuối: Đầu tư các ngành kinh tế phát triển bền vững

Chủ Nhật, 16/06/2013, 06:05
Hầu hết các ngân hàng (NH) hiện nay đang trong tình trạng thừa tiền dù đã tìm mọi cách hạ lãi suất cho vay nhằm "khơi thông" nguồn vốn. DN có "sức khoẻ tốt" không dám vay để mở rộng sản xuất kinh doanh vì tổng cầu yếu, DN "sức khoẻ kém" thì không đủ điều kiện để NH cho vay tiếp; người dân cũng không dám vay tiêu dùng vì sợ không gánh nổi lãi suất. Giải pháp nào để nắn tín dụng chảy vào nền kinh tế?
>>Bài 2: Huy động tăng, tín dụng tắc, vốn ngân hàng chảy đi đâu?

Tự thân vận động

Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, trong quý I/2013, NHNN đã chủ động sử dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy mở rộng tín dụng hiệu quả, tháo gỡ những khó khăn cho DN, trong đó có 7 giải pháp nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả.

Để góp phần tăng cầu tín dụng trong thời gian tới, theo NHNN, cần có các giải pháp đồng bộ để tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phầm đầu ra của DN, qua đó tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng.

Ngoài ra, để khơi thông dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế, bản thân các DN cũng phải tiến hành cơ cấu lại hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động, các cơ chế hỗ trợ cho DN vay vốn như cơ chế bảo lãnh tín dụng cần phải được triển khai quyết liệt hơn, tình trạng nợ đọng ngân sách cần phải được xử lý.

Trong Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, Thủ tướng Chính phủ cũng giao NH và DN phải tự chủ động giải quyết nợ xấu. Các TCTD phải chủ động triển khai 10 giải pháp quyết liệt.

Riêng đối với khách hàng vay của các TCTD, phải tự củng cố, chấn chỉnh hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, tăng cường ứng dụng công nghệ và khả năng cạnh tranh; chủ động, tích cực phối hợp với TCTD xây dựng và triển khai các phương án cơ cấu lại nợ, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh; chủ động phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu; tham gia tích cực vào các chương trình, giải pháp hỗ trợ DN do Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương triển khai.

Bên cạnh đó, các DN cần chú trọng thay thế các yếu tố đầu vào nhập khẩu bằng các nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, tăng cường sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước. Đối với các DNNN, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước tích cực, chủ động đề xuất và triển khai phương án tái cơ cấu, trong đó tập trung lành mạnh hóa tài chính và xử lý nợ xấu.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.

Muốn phá băng tín dụng, phải giải quyết nợ xấu

Trong thời kỳ tín dụng bế tắc, "phá băng tín dụng" trở thành cụm từ… thời sự và được sử dụng nhiều trong các cuộc họp, hội thảo và trong các diễn đàn kinh tế. Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, để phá băng tín dụng, nhất định Chính phủ phải có những can thiệp để tăng tổng cầu. Mà can thiệp quan trọng nhất và đầu tiên là Chính phủ phải đẩy mạnh đầu tư công nhằm vào những mục tiêu lớn như xây dựng cơ sở hạ tầng, bệnh viện, trường học...

Đặc biệt, phát hành trái phiếu để lấy tiền làm vốn đối ứng để giải ngân ODA. Hướng thứ hai là nhất thiết phải xử lý nợ xấu, đây chính là vật cản khiến cho DN và NH đều nhìn nhau, mặc dù tình trạng tài chính của các NH ngày càng khó khăn, lợi nhuận ngày càng giảm.

NH Standard Chartered hiến kế xử lý nợ xấu: Để xử lý nợ xấu hiệu quả, quy trình phải được thực hiện theo từng bước.

Theo đó, việc đầu tiên là Việt Nam phải ghi nhận nợ xấu và việc này cần phải thực hiện cẩn thận. Bước thứ hai là phải trích lập dự phòng đầy đủ. Bước tiếp là tái cấp vốn. Bước đi này sẽ giúp các NH có nguồn vốn cần thiết để tái tạo tình hình kinh doanh và cuối cùng là kiểm soát rủi ro.

Ngoài ra, cũng cần phải có một khung pháp lý mạnh mẽ với đầy đủ luật pháp về phá sản và tịch thu.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hưởng (LienViet Postbank) cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay phải giải quyết và không thể NHNN hay DN giải quyết được, mà phải cả hệ thống chính trị, đó là kích cầu. Lúc này là thời điểm thuận lợi nhất để huy động vốn từ dân cư và DN vào nền kinh tế bằng các hình thức huy động công trái xây dựng Tổ quốc, huy động TPCP và trái phiếu kho bạc dài hạn.

Khi lãi suất huy động xuống thấp và còn có thể thấp nữa, thì huy động trái phiếu, công trái xây dựng Tổ quốc mức 8 - 9% sẽ rất hấp dẫn dòng tiền. Tiền huy động này sẽ tập trung vào những công trình chủ điểm, vừa kích cầu, vừa là an sinh xã hội, lại tạo điều kiện công ăn việc làm cho người lao động.

Bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ chính sách tiền tệ, NHNN cũng nhận định: "Để góp phần lưu thông dòng vốn tín dụng trong thời gian tới, không thể chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ, mà cần có các giải pháp đồng bộ thực hiện để tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của DN, qua đó tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng. Ngoài ra, để khơi thông dòng vốn tín dụng trong nền kinh tế, bản thân các DN cũng phải tiến hành cơ cấu lại hoạt động của mình để nâng cao hiệu quả hoạt động...".

Riêng về việc xử lý nợ xấu hiện nay vẫn được cho là hết sức khó khăn. Theo các chuyên gia, về nguyên tắc để xử lý nợ xấu có 2 cách là tăng dư nợ tín dụng mới lên, như vậy sẽ giúp giảm tỷ lệ nợ xấu xuống, nhưng hiện nay tăng trưởng tín dụng rất thấp, không thể đẩy mạnh được vì vậy khó làm giảm nợ xấu bằng cách này.

Tiếp theo là giảm quy mô nợ xấu. Tuy nhiên trong số nợ xấu thì nợ xấu do bất động sản gây ra chiếm tỷ lệ khá lớn, muốn giảm thì phải giảm tồn kho bất động sản, nhưng thị trường bất động sản đến nay khá trầm lắng vì vậy việc giải quyết nợ xấu theo hướng này cũng hết sức chậm chạp.

Thực ra, điều mà mọi người kỳ vọng nhiều nhất đó là thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC) sẽ hoạt động từ ngày 9/7. Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua NHNN đã tăng cường các biện pháp quản lý nợ xấu bao gồm gia tăng trích lập dự phòng rủi ro, xác định nợ xấu. Việc sớm đưa VAMC vào hoạt động sẽ góp phần xử lý nợ xấu, khai thông tín dụng.

Ngoài ra, các giải pháp của chính sách tài khóa như hoãn, giảm các mức phí, thuế, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ để xử lý nợ xấu mà trước tiên là nợ đọng xây dựng cơ bản của chính quyền địa phương (khoảng 95 ngàn tỷ đồng) cũng sẽ có tác dụng làm tăng trưởng tín dụng được ấm lên.

7 giải pháp khơi thông tín dụng của NHNN

1. Các TCTD cân đối nguồn vốn để cho vay; quy định trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

2. Điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động thêm 0,5%/năm, làm cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.

3. NHNN tham mưu cho Chính phủ đưa ra các chương trình, chính sách tín dụng để hỗ trợ cho các lĩnh vực, các ngành kinh tế có ảnh hưởng đến phát triển bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

4. Triển khai chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ đối với người mua, thuê và thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích và giá cả hợp lý.

5. Triển khai các chương trình kinh tế, chương trình tín dụng của Chính phủ đã được triển khai từ năm 2012.

6. Đối thoại trực tiếp với DN để tìm hiểu và tìm cách tháo gỡ khó khăn, giúp DN sử dụng nguồn vốn tín dụng NH một cách hiệu quả, bền vững.

7. Đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo, các đối tượng chính sách và các chương trình tín dụng bảo đảm.

Hà An
.
.
.