Chống chuyển giá trốn thuế - Lành mạnh môi trường đầu tư

Bài cuối: Cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội

Thứ Bảy, 25/04/2015, 10:52
Trở thành vấn nạn của nền kinh tế, song, cuộc chiến chống chuyển giá lại không hề đơn giản. Không chỉ mang tính toàn cầu với những khó khăn rất đặc thù trong quá trình chống chuyển giá, ở Việt Nam, nhiều vấn đề nội tại của ngành Thuế cũng góp phần cho cuộc đấu tranh này thêm cam go và nhiều thử thách.
>> Bài 1: Lộ mặt “đại gia” chuyển giá

Theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 56% doanh nghiệp (DN) được khảo sát cho rằng các DN FDI thường sử dụng hình thức chuyển giá bằng cách mua nguyên vật liệu đầu vào sản xuất của công ty mẹ với giá cao và bán sản phẩm cho công ty mẹ với giá thấp so với giá thực tế. Việc này dẫn đến lỗ ở công ty con và lãi ở công ty mẹ. Đây là hành vi lách thuế vì thuế suất Thuế Thu nhập DN ở quốc gia công ty mẹ đặt trụ sở thấp hơn ở Việt Nam.

Mặt hàng sữa cũng lọt vào “tầm ngắm” chuyển giá.

Cũng có gần 25% DN cho rằng các DN FDI thường sử dụng hình thức chuyển giá bằng cách nâng giá trị tài sản vốn góp; hơn 6% DN cho rằng tăng chi phí quảng cáo và hơn 12% cho rằng DN FDI sử dụng các hình thức khác để chuyển giá. Đáng chú ý, nhìn vào kết quả giảm lỗ, truy thu, truy hoàn vào ngân sách Nhà nước số thuế bị phát hiện qua chống chuyển giá, có thể thấy, số tiền gian lận còn lớn hơn gấp nhiều lần số thu ngân sách bình quân của một tỉnh cỡ trung bình trong năm 2014.

Trước việc các DN FDI “dàn hàng ngang” chuyển giá, nhiều nghi ngại được đặt ra: phải chăng Việt Nam có quá nhiều chính sách ưu đãi khiến DN nước ngoài dựa vào đó để vi phạm trốn thuế? Tuy nhiên, quan điểm này đã bị ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế bác bỏ: “Trước đây, vấn đề này đã được đặt ra nên từ 2008, chúng ta đã cắt rất nhiều chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài, hệ quả là sau đó môi trường đầu tư đã gặp vấn đề, buộc chúng ta lại phải khôi phục một số chính sách tất nhiên là có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn. Cần nhìn nhận rằng, chính sách ưu đãi không phải là nguyên nhân dẫn tới chuyển giá mà là tạo cơ hội thu hút nhà đầu tư”.

Đi vào cụ thể hơn, Vụ trưởng Nguyễn Văn Phụng thông tin: Việt Nam có 63 tỉnh, thành khác nhau, trong đó có các khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn. Theo Luật Đầu tư, ưu đãi Thuế Thu nhập DN đối với các dự án đầu tư tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc các lĩnh vực đặc biệt khó khăn. Do đó, các DN đóng trụ sở ở vùng đặc biệt khó khăn, song lại hoạt động kinh doanh trên phạm vi cả nước có thể sẽ lợi dụng chính sách này để chuyển giá. Thật ra không phải bây giờ ngành Thuế cảnh báo về tình trạng né thuế, trốn thuế để giảm nghĩa vụ thuế của DN với Nhà nước, vốn lâu nay được xem là chỉ có DN FDI thực hiện.

Trước đó, trong Báo cáo về tình hình chuyển giá ở Việt Nam giai đoạn 2006-2010 của Ban Cải cách Tổng cục Thuế đã chỉ ra hành vi chuyển giá nhằm tối thiểu nghĩa vụ Thuế Thu nhập DN không chỉ diễn ra tại các DN FDI, mà còn diễn ra giữa các bên liên kết trong nội địa Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Nguyễn Văn Phụng, để xác định được đúng người, đúng tội, chuyển giá là vấn đề không đơn giản và nó là câu chuyện phải đấu tranh dài hơi. Chẳng hạn ở Anh, một quốc gia có nền tảng quản lý thuế từ hàng trăm năm, nhưng các cuộc điều tra chống chuyển giá cũng phải kéo dài từ 12-18 tháng, thậm chí có vụ việc kéo dài đến 13 năm. Đó là chưa kể đến việc để công tác chống chuyển giá có hiệu quả hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như cơ quan chức năng nhận thức được vấn đề này như thế nào, có quyết tâm xử lý hay không, rồi xây dựng thể chế, cơ chế ra làm sao...

Rõ ràng chuyển giá đã trở thành một vấn nạn thực sự đối với nền kinh tế của Việt Nam. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, trong một thời gian dài chúng ta đã “ngủ quên”, thậm chí là bất lực trước hoạt động chuyển giá khiến môi trường đầu tư mất công bằng và ngân sách bị thất thoát.

Qua những vụ việc được khui ra, nói lên một điều rằng dù khó nhưng nếu thực sự quan tâm xử lý thì khả năng thành công của việc chống chuyển giá vẫn rất cao. “Từ năm 1997 tới năm 2013, Nhà nước đã ban hành 12 thông tư đề cập tới vấn đề chuyển giá, tuy nhiên nhìn lại thì chúng ta chỉ thực sự vào cuộc trong khoảng 3 năm trở lại đây, với kết quả thu được hàng ngàn tỷ đồng. Có thể nói cuộc chiến đã được khởi động, có kết quả và còn nhiều cam go phụ thuộc rất nhiều quyết tâm cơ quan quản lý nhà nước và từ chính năng lực của đội ngũ cán bộ thuế”.

Nhận định thế, song TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng quá trình chống chuyển giá là quá trình lâu dài, phức tạp. Hiệu quả của việc chống chuyển giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó về phía Nhà nước là nhận thức của các cấp, các ngành liên quan, cách thức xây dựng thể chế, cơ chế, luật thuế; năng lực, kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm của ngành thuế; về phía DN là các hoạt động phối hợp giữa các DN.

“Trước hết là về vấn đề nhận thức, việc chứng minh chuyển giá khó khiến cơ quan quản lý, cán bộ chuyên ngành “tặc lưỡi” cho qua. Hay cũng không loại trừ khả năng bị mua chuộc, trở thành “người vẽ đường” cho DN trốn thuế. Mặt khác, cơ sở pháp lý đến nay cũng chưa thực sự hoàn thiện, có nhiều kẽ hở để các DN này khai thác. Ngoài ra, về năng lực bộ máy, kinh nghiệm cũng như hệ thống dữ liệu để tham chiếu còn chưa đủ sức đáp ứng”- TS Phong bình luận

Cũng thông cảm với những vướng mắc của ngành Thuế, ông Vũ Xuân Tiền, Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam cho rằng cuộc chiến chống chuyển giá là rất khó khăn, do quy định có nhiều kẽ hở. Trước tiên đó chính là bản thân trong DN, các quan hệ chồng chéo mẹ - con trong tập đoàn, do sự phối hợp của cơ quan thuế với bên sở tại không chặt chẽ, và cả chính quy định về tránh đánh thuế 2 lần nữa.

“Nhưng theo tôi, sở dĩ các DN FDI có cơ hội trốn thuế và công cuộc chống chuyển giá trở nên khó khăn hơn là do chính nội tại của ngành Thuế, cán bộ thuế yếu kém. Để có thể chống chuyển giá, ngoài năng lực chuyên môn, cán bộ thuế phải giỏi tiếng Anh, giỏi thật sự chứ không phải thông qua phiên dịch. Thứ 2 là phải am hiểu luật thuế của nước sở tại. Khi hội đủ yếu tố này, mới có khả năng để chống chuyển giá. Song, ở Việt Nam, tìm được cán bộ thuế hội đủ yếu tố này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đã thế, tình trang tiêu cực trong ngành Thuế cũng đã bị liệt vào ngành đáng báo động. Những khó khăn này cộng dồn khiến cho cuộc chiến chống chuyển giá sẽ còn tiếp tục gian nan”, ông Tiền nói

Cùng quan điểm, ông Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thuế) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến hoạt động chống chuyển giá gặp khó khăn là do hợp tác giữa các nước trong chống chuyển giá không hề đơn giản. Vì vậy, muốn chống chuyển giá hiệu quả, cơ quan thuế phải chủ động khai thác nhiều nguồn thông tin khác nhau; xây dựng cơ sở dữ liệu về DN, ngành hàng đầy đủ, kịp thời, đồng bộ; thực hiện các cơ chế, chính sách, quy trình, nghiệp vụ.

Góp thêm một ý kiến về giải pháp chống chuyển giá, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa, Trưởng bộ môn Viện Kế toán Kiểm toán, Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra một số biện pháp như: tăng cường các chế tài xử phạt đối với hành vi chuyển giá để trốn thuế; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra đối với các DN có dấu hiệu chuyển giá và trốn thuế; tăng cường hơn nữa trách nhiệm của kiểm toán viên khi thực hiện việc kiểm toán…

Từ phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cho rằng để chống chuyển giá, ngoài trách nhiệm của ngành Tài chính, thì các ngành các cấp như Kế hoạch Đầu tư, Khoa học Công nghệ cũng phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra kiểm soát đầu vào, đầu ra của đầu tư vào khâu sản xuất của DN thì mới đảm bảo được chuyển giá. Nghĩa là giá đầu vào, đầu ra phải được xác định đúng theo thị trường.

Hiện ngành Thuế đã xây dựng được 6 phương pháp kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm giá cả của DN. Ngoài việc tăng cường nâng cao năng lực cán bộ ngành Thuế, cũng cần tới sự kết hợp cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu trong ngành Thuế, cơ sở dữ liệu liên ngành, thậm chí cơ sở dữ liệu liên quốc gia…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: “Nhiều năm nay, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội thường đánh giá công tác chống chuyển giá chưa thực sự hiệu quả, khiến môi trường sản xuất, kinh doanh bị méo mó, ngân sách bị thất thu. Kết quả thanh tra, kiểm tra hoạt động chuyển giá năm 2014 có thể coi là tích cực. Vì vậy, năm 2015 và các năm tiếp theo, ngành Thuế phải đẩy mạnh công tác này”

Thay đổi hành vi tiêu dùng để chống chuyển giá

“Tăng cường vai trò của truyền thông cũng là biện pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các DN FDI. Cùng với đó chính mỗi người dân - khách hàng đều có thể góp phần vào chống chuyển giá bằng cách thay đổi hành vi tiêu dùng. Ví dụ ngoài Cocacola, Pepsi, chúng ta vẫn có nhiều dòng nước giải khát của Việt Nam để lựa chọn. Khi các DN này chuyển giá, trốn thuế, người tiêu dùng hiểu được việc làm sai trái sẽ không mua sản phẩm của DN, từ đó tạo nên áp lực lớn đối với DN chuyển giá, trốn thuế”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa.

Lệ Thúy
.
.
.