Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Lời cảnh tỉnh cho nhà làm chính sách

Bài cuối: Cần chế tài xử phạt nghiêm...

Thứ Bảy, 04/07/2020, 10:53
Giải ngân chậm, không thể giải ngân được, một hiện tượng lạ đã xuất hiện khi một số bộ ngành xin trả lại vốn. Các chuyên gia cho rằng đây là chuyện hy hữu vì sẽ không có ai chê tiền cả.

Tuy nhiên, điều này cũng bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình phê duyệt và triển khai các dự án.

Dự án lớn “ghìm chân” việc giải ngân vốn?

Chuyện giải ngân chậm, dường như đã trở thành bệnh kinh niên của nền kinh tế nước ta. Năm nay, tình trạng dịch bệnh đã khiến cho tốc độ giải ngân chậm có thêm 1 cái cớ để trì hoãn.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo phản ánh, do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án... nên kéo theo hoạt động giải ngân cũng bị ngưng trệ do không có khối lượng, hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận. 

Trong 6 tháng đầu năm, nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án (điều chỉnh chủ trương đầu tư), và điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động, dẫn đến chưa thể lập hồ sơ rút vốn. Trong số này có một số dự án có số giao kế hoạch 2020 lớn như: Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vay JICA, Dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vay JICA…

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, nhiều chủ dự án chậm trễ thực hiện thủ tục hoàn chứng từ cho các khoản rút vốn từ tài khoản đặc biệt. Thậm chí, có dự án trên 6 tháng mới thực hiện thủ tục như: Dự án Phát triển giao thông đồng bằng Bắc Bộ vay WB, Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam vay WB, Dự án Phục hồi và quản lý rừng bền vững vay JICA, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững vay WB, Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập vay WB, Dự án Cải cách đào tạo nguồn nhân lực y tế vay WB, Dự án Phát triển giáo dục trung học phổ thông giai đoạn 2 vay ADB...

Cũng theo Bộ Tài chính, cùng với việc giải ngân kế hoạch vốn năm 2020, hiện các Bộ, ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch 2019. Số liệu thống kê cho thấy từ 1-1-2020 đến 24-6-2020, tổng số giải ngân theo kế hoạch vốn 2019 là 7.198 tỷ đồng, trong đó số giải ngân của các Bộ, ngành là 2.425 tỷ đồng và số giải ngân của các địa phương khoảng 4.773 tỷ đồng (xấp xỉ bằng số giải ngân theo kế hoạch vốn 2020). 

“Sáu tháng đầu năm, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, do đó các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực của các Bộ, địa phương và các chủ dự án, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài theo kế hoạch vốn 2020, cao gấp 3,6 lần so với mức cùng kỳ của năm 2019 (2.050 tỷ đồng/7,427 tỷ đồng). 

Nếu so với kết quả giải ngân của nguồn vốn đầu tư công trong nước thì tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài vẫn còn thấp (tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong nước kiểm soát chi qua KBNN đạt khoảng 28,2% kế hoạch)”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết. 

Ông cũng bày tỏ nghi ngại với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, nếu các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ dự án không có các giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao đối với nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020 và cho cả nhiệm kỳ 2016-2020.

Dự án Đại học KHCN Hà Nội xin trả lại vốn vì không thể giải ngân theo kế hoạch.

Không thể cứ "thích xin thì xin" để "ngâm vốn"

Tuy nhiên có một thực tế đáng chú ý là hiện nay, do gặp vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhiều bộ, ngành xin trả lại vốn. Chẳng hạn như Bộ NN&PTNN đề nghị hủy 1.808 tỷ đồng/ 3.638 tỷ đồng dự toán của Bộ để chuyển cho các Bộ, địa phương khác; Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng /400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án Đại học KHCN Hà Nội do không thể giải ngân theo kế hoạch…

Bình luận về vấn đề này, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, phải tìm nguyên nhân dẫn tới việc trả lại vốn đầu tư công, xem lỗi chủ quan của các bộ, ngành, Chính phủ. 

“Thực tế, khi trả lại vốn, các Bộ, ngành cũng rơi vào tình cảnh chẳng thể đặng đừnghọ không thể giải ngân, không thể tháo gỡ những vướng mắc đã kéo dài hàng năm trời, nên mới phải tìm cách trả lại vốn. Đây là lời cảnh tỉnh cho những người làm  mới phải trả, vì sẽ không ai chê tiền cả, thậm chí khi xin cũng đâu có dễ, chắc chắnchính sách”, TS Phạm Thế Anh nói.

Phân tích cụ thể hơn theo nhiều góc độ, chuyên gia kinh tế- PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, việc trả lại vốn là hiện tương hy hữu, vì từ trước tới nay, chỉ có xin thêm chứ làm gì có ai chê tiền mà trả lại. 

“Chúng ta phải đặt ra mấy vấn đề: Thứ nhất là quy trách nhiệm cụ thể cho các bên, đầu tiên là chính Bộ, ngành khi lập dự án, dự toán để xin tiền, tiếp đến là bên thẩm định dự án và bên phê duyệt dự án. Rõ ràng khi một dự án được chấp thuận rót vốn, thì nó đã được các bên tính toán hết các phương án thực hiện, tính khả thi. Vậy tại sao dự án lại không thể triển khai đến mức phải trả lại tiền? 

Điều này phải đặt ra một cách nghiêm túc, yêu cầu có các chế tài xử phạt, chứ không phải cứ thích xin thì xin, để rồi ngâm vốn không làm được lại mang đi trả. Mà tiền vốn này là nguồn vay từ nước ngoài, sau khi tốt nghiệp, giờ chúng ta đang phải trả lãi cao từng ngày, từng tháng. Việc lãng phí vốn này không những gây ảnh hưởng đến tiến độ của đầu tư công mà còn trực tiếp gây thiệt hại tiền bạc của ngân sách và xã hội. 

Vấn đề thứ 3, theo tôi nó phản ánh năng lực yếu kém của cả một hệ thống, từ Bộ, ngành cho đến khâu thẩm định phê duyệt ở cấp cao hơn. Nó làm méo mó các quy định tại Luật Đầu tư công. Đây sẽ là lời cảnh tỉnh cho các bộ ngành khác trong quá trình lập dự án, các bộ phận thẩm định phê duyệt và thậm chí là cả Chính phủ, cũng như Quốc hội trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư công”, ông Long phân tích.

Phải vắt chân lên cổ mà chạy

Góp ý về các giải pháp thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, TS Trần Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bối cảnh hiện nay là phải nhanh, gọn và hiệu quả. Có thể có một Nghị quyết riêng, Nghị quyết chuyên đề cho gói kích cầu đầu tư công. 

Nghị quyết sẽ quyết luôn cụ thể những dự án nào sẽ triển khai, trong bao lâu với chi phí bao nhiêu…, và cứ thế triển khai, không cần một thủ tục nào khác. “Hãy giao quyền nhiều hơn cho các tỉnh trong việc triển khai giải ngân đầu tư công. Cách làm việc hiện nay là không theo thủ tục mà hướng đến tính hiệu quả”, ông Cung nói. 

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS Trần Đình Thiên cho rằng, hiện ngân sách tồn đọng mấy trăm nghìn tỷ đầu tư công, nên cần phải “vắt chân lên cổ mà chạy”. “Nếu ta giải ngân được, bơm được “dòng máu” này vào nền kinh tế, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế, thúc đẩy toàn bộ sản xuất. Bởi vây, phải tập trung giải ngân đầu tư công. Khi nền kinh tế “yên ấm”, ngân sách chi ít thôi, nhưng khi kinh tế khó khăn thì phải tiêu nhiều, phải mở túi ngân sách”, ông Thiên góp ý.

Từ phía Bộ Tài chính, để đảm bảo phối hợp hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầutư công năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Bộ cũng thúc các cơ quan chủ quản, các chủ dự án và các cơ quan tổng hợp chủ động, tích cực giải ngân, tháo gỡ những vướng mắc cụ thể để đảm bảo tiến độ. 

“Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2020 đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị, của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương. Đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết. 

Bộ Tài chính mong muốn các Bộ, ngành, địa phương với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2020”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải giải ngân hết số vốn đầu tư công năm 2020 và phải thực hiện ngay từ những tháng đầu năm, không để dồn vào cuối năm. Thủ tướng nhấn mạnh chế tài đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương để xảy ra tình trạng chậm giải ngân các dự án đầu tư công ở bộ, ngành, địa phương mình; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm, làm chậm, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Hà An
.
.
.